Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh TT- Huế đang chuẩn bị đưa thi hài vua Hàm Nghi (1871 - 1943, tại vị 1884 - 1885) về nước an táng. Vấn đề đặt ra lúc này là sau khi đưa về Huế, khu lăng mộ sẽ được đặt ở đâu là thích hợp.
Thi hài vua Hàm Nghi sắp được đưa về Huế
Ông Phùng Phu, giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết: UBND tỉnh TT- Huế đã giao Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp, tìm nơi chuẩn bị an táng thi hài vị vua yêu nước Hàm Nghi. Công việc đang được xúc tiến, hy vọng công tác chuẩn bị sẽ hoàn tất trong thời gian sớm nhất. Hiện mộ vua Hàm Nghi đang nằm khiêm nhường tại nghĩa trang làng Thoniac, cách thủ đô Paris hơn 500km.
|
Vua Hàm Nghi |
Cũng nguồn tin này cho biết, đơn vị dự kiến đặt thi hài vua Hàm Nghi chung với khu lăng mộ vua Thành Thái, Duy Tân ở phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế. Tuy đã dự kiến, nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng, vì theo đại diện dòng Nguyễn Phước tộc: nên chọn một địa điểm khác, có thể gần lăng Đồng Khánh.
Về phương án Trung tâm bảo tồn di tích đang đệ trình, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng: “Khu lăng mộ vua Thành Thái (1879 - 1954), Duy Tân (1900 - 1945) hiện đã quá chật. Hơn nữa, nếu đưa vào đó, khu mộ vua Hàm Nghi sẽ bị lạc lõng giữa cha con vua Thành Thái, Duy Tân”.
Cũng theo ông Nguyễn Đắc Xuân: “UBND thành phố Huế cần phải xây dựng một khu lăng mộ “cần vương” để đặt thi hài vị vua yêu nước Hàm Nghi. Bởi, đây là người khởi đầu phong trào “cần vương”- phong trào chống Pháp tầm quốc gia đầu tiên, có ý nghĩa lịch sử rất lớn”. Khu lăng mộ “cần vương” - theo ông Nguyễn Đắc Xuân, cần đưa mộ Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn về tập hợp trong khu cần vương cùng với lăng mộ Vua Hàm Nghi. Và có thể đặt khu lăng mộ này tại một ngọn đồi gần di tích 9 hầm.
Bỏ ngai vàng lên rừng kháng Pháp
Năm 14 tuổi, hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Lịch lên ngôi vua, lấy niên hiệu Hàm Nghi. Binh biến năm Ất Dậu (5/7/1885) xảy ra, vua Hàm Nghi bỏ ngai vàng, cùng quần thần ra Tân Sở, phát hịch Cần Vương, phát động phong trào kháng Pháp trên toàn quốc. Quân Pháp nhiều lần kêu gọi nhà vua quay về nhưng thất bại.
Vua Hàm Nghi bị quân Pháp bắt đưa đi đày vào ngày 13/1/1889. Trong thời gian sống ở Pháp, vua Hàm Nghi kết hôn với một cô gái Pháp và có ba người con, hai gái một trai. Ông mất ở Algeria nhưng hài cốt của ông được đưa về quê vợ - làng Thonac.