Mùa thu nhớ lại
Bốn mươi bốn năm qua.
Thời gian mau chi lạ.
Chặng cuối của tuổi hoa:
Mưa xuân trong nắng hạ…
Nơi xứ người chạnh buồn. Buồn và nhớ. Buồn nhẹ nhàng. Nhớ vớ vẫn. Buồn nhớ mênh mang. Nhất là sau khi về hưu ngày rộng tháng dài. Thỉnh thoảng cũng tự kiếm vài công việc nhẹ để làm cho vui. Có một việc vô cùng nhẹ nhàng và thoải mái nên vẫn giữ thường xuyên đó là việc làm biếng! Nhưng rồi cũng chán. Lại nghĩ vẫn nghĩ vơ. Lại nhớ lại chuyện ngày xưa: Thuở ấy… Nỗi nhớ miên man. Cứ lùi dần thời gian cho đến khi có người bạn cũ gọi điện thoại nhắc lại những chuyện ngày trước nên cũng chẳng cần mất công cố gắng. Nỗi nhớ lại bùng lên rực rỡ. Không phải chỉ riêng mình mà người khác cũng nhớ. Cách xa hơn hai ngàn cây số, qua điện thoại giọng Nguyễn Duy Tâm tỉnh bơ: “Ê Tuấn! Mi còn nhớ cái thời năm tụi mình học Đệ Nhất B không?” “Ừ nhớ! Mà răng răng?” “Nhớ cái thằng Nguyễn Hồng Tuấn học giỏi nhất lớp nhưng vô cùng khiêm tốn một cách đáng nễ…” “Ừ … Ừ!”. “Hắn với tau là hai thằng duy nhất trong lớp để tóc dài phủ nửa gáy mà không bị thầy Tổng Giám Thị để ý ghi sổ hỏi tội”. “Ừ … Ừ! Có lẽ vì hai đứa mi học giỏi nên được ngoại lệ”. “Tau mà học giỏi cái con khỉ. Thi tú tài chỉ đậu thứ trong khi thằng Nguyễn Hồng Tuấn hắn đậu bình!”. “Nhưng mi lại thi đậu vô Kiến Trúc trong khi thằng Nguyễn Hồng Tuấn chỉ thi đậu vô Sư Phạm ban Toán”. “Tại vì hắn ưa như rứa chứ trong khi hắn được học bỗng quốc gia đi Mỹ mà lè phè không chịu bổ túc hồ sơ để thằng khác dành mất, chứ không thì hắn cũng mang mác tiến sĩ hạng quốc tế rạng danh xứ người..” “Tau nghĩ chẳng qua là cái số. Như tau đây, thi vô đệ Thất đậu chót. Trong buổi sáng tựu trường bị Tổng Giám Thị là thầy Lê Hiếu Kính “khi không” xếp qua bắt học lớp đệ Thất 1 Anh Văn thay vì đệ Thất 4 Pháp Văn. Về nhà mang cuốn “Mô Jê On” (Mauger 1) đi đổi lấy cuốn “Lét Lơn Inh Lích” (Let’s Learn English) tóe khói. Có bậc đàn anh khi hỏi mượn sách đã làm tài rành dí vào tay cuốn “Ăng Le Vi Văng” (L’Anglais Vivant) dùng mô từ dưới triều Bảo Đại. Sợ bị la nên phải cầm, sau lại mất công đem đi trả thiệt khổ vì mấy câu hỏi trắc trớ!” Bốn năm trung học đệ nhất cấp làng nhàng. Lên đệ nhị cấp, là con trai nên phải oai hùng học ban B. Muốn làm thầy “Tụng” thì chọn ban A học Vạn Vật. Còn những tên “Lơ Thơ Tơ Liễu buông mành” thì vào ban C học Quốc Văn, phải chạy qua Quốc Học mới có chỗ. Thôi thì mình đã dốt đành thủ phận làm con bò con tức là con Bê cho đáng mặt nam nhi. Trong lớp học của ban B thì gì gì là Hàng Điểm Điều Hòa nghe thiệt đã. Ra ngoài đường phanh phe “Tình đôi ta như hai đường tiệm cận. Tưởng cận kề nhưng rồi lại song song”. “Em Liễu, Em Mai đều Đồng Dạng cái xuân hồng!”. “Ròng Rọc Lý Tưởng Chuyển Động Chậm dần đều, ta ngơ ngẫn Triệt Tiêu trên Đạn Đạo…” “Giải phương trình: Cho Em bằng Một (m=1). Nếu dật dờ không chộ chẳng ra Em.” Học ngày học đêm. Học thêm ngày nghỉ. Không gian buồn theo hàm số lênh đênh! Thi tú tài 1 và 2 cũng chỉ vừa đủ điểm đậu.
Nguyễn Duy Tâm mơ thành Kiến Trúc Sư nên một lòng nhất quyết. Ra nước ngoài cái nghiệp vẫn còn theo. Nếu bất tài mấy ai dám chơi trèo. Rộng thiết kế dùng thước gôm giấy viết. Nét bút của hai tên Tâm, Tùng đẹp tuyệt. Nhưng dần dà Tùng bị kẹt phía sau. Nguyễn Duy Tâm vượt xa quá hàng đầu. “Mile Square Park” Tùng thua, sầu hết biết! Đỗ Văn Tùng thương em “Lài” tha thiết. Để về sau mãi luyến tiếc chia xa. Tùng đậu bình, vô Khoa Học tà tà. Sau bốn năm vẫn ta bà Tạo Tác. Trời đất chuyển qua Canada huếch lác. Sống cuộc đời vàng bạc hồng xanh. Nguyễn Khoa Hội thay đổi ban ngành. Từ Khoa học, sang Mỹ chuyển thành địa ốc.” “Nì, Tuấn ơi thôi mi đừng tán dốc. Kể chuyện xưa lớp Đệ Nhất ban B”. “Ừ thì Võ Văn Cang quay Van (Valse) đẹp chưa tề. Trên sàn nhảy được rất nhiều tiểu thư mê. Nhưng hắn cứ chọc quê làm mặt tĩnh. Số đào hoa gái mê không thèm tính. Như người ta thì dính hết chẳng chừa. Một … Hai … Ba … quay tít rập rình xưa!” “Nói kiểu như mi chỉ có chó mới ưa!” “Thôi cũng được vì mi vừa mới lớn!”. Hoàng Trọng Điền bước vào đời trửng giỡn. Muốn chơi trò bay bỗng giữa lòng trời. Tình phi công còn nghiêng ngữa đầy vơi. Không đủ cánh xuống đời đi học tiếp. Hồ Đình Hưng đậu bình thứ qua Tây Đức với học bỗng bán phần duyên kiếp. Học xong rồi cưới một thiếp tây phương. Tình duyên trắc trở lộn đường. Bèn bay sang Úc sâm thương đợi ngày. Tay cầm cọ, tay kéo cày. Chừ vui duyên mới, tháng ngày rong chơi. Lê Văn Thành rất yêu đời. Thi đậu bình thứ hát lời Đông Du. Sang Nhật Bản Tokyo. Cuộc đời toại chí hải hồ hoành tung. Nguyễn Thiện Mật thật anh hùng. Khi lên áo trận, đường cùng xích lô. Cuối đời xứ Úc thân cô. Thương về bạn cũ khoai khô lệ trào. Phá rừng làm rẫy xẻ hào. Vừa lập xong ấp là vào rú sâu. Cao Minh Tân cảnh giải dầu. Ngày xưa trưởng lớp giờ đầu đội khoai.
Có một chuyện ni cứ nhớ hoài. Trong ngày thi Toán tú tài hai. Ngồi rơi cái bóp mà không biết. Về đến nhà lo tái cả người. Mất hết giấy tờ đời mạt rệp. Công danh mô nữa để đùa chơi! Bỗng Tôn Thất Văn trờ xe tới. Chìa cái bóp ra với nụ cười! Xưa nay hắn vẫn lầm lì. Lúc nớ trông chẳng khác chi thiên thần!
Trong tần ngần nỗi nhớ. Càng thương mái trường xưa. Cây mù u trái đổ. Lá cối buồn chiều mưa. Mùa đông về chín đỏ. Lũ két rừng đu đưa. Mấy tượng đá văn võ. Di Luân Đường sáng trưa. Lời thầy Tổng Giám Thị. Làm sao nói cho vừa?!
Nỗi nhớ lềnh bềnh không liên tục theo thứ tự thời gian. Dòng tùy bút rất bình an “Nhớ chi ghi nấy”. Chợt nhớ đến các Thầy của ngôi trường cũ: Hiệu Trưởng là Thầy Nguyễn Đình Phiên. Giám Học là Thầy Võ Văn Dật. Tổng Giám Thị là Thầy Lê Hiếu Kính. Giám Thị đệ nhị cấp là Thầy Tùng. Giám Thị đệ nhất cấp là Thầy Phổ. Tùy phái là ông Phương bắc kỳ di cư danh xưng Phó Hiệu Trưởng. Anh Kia lo sửa chữa các phòng. Ông Lục đánh trống. Ông Lợi mở và khóa cổng cùng các cửa phòng và bán lén bánh kẹo cùng bánh ram mặn tôm thịt. Ngoài góc đường Đinh Bộ Lĩnh có xe chè chị Ký.
Nhớ chi mà nhiều rứa hỉ? Liệu có đủ chỗ để đăng trong Hàm Nghi Dấu Yêu không đây? Nếu không thì cũng đành chịu. Chừ kể thêm các vị Thầy của những ngày Đệ Nhất ban B: Thầy Ngô Hữu Phước dạy Toán và cũng là Giáo Sư Hướng Dẫn. Thầy Đổ Toản dạy Lý Hóa. Thầy Nguyễn Thuyên dạy Anh Văn sinh ngữ chính. Thầy Âu Đức Tài dạy Pháp Văn sinh ngữ phụ. Thầy Nguyễn Châu dạy Triết. Thầy Nguyễn Duy Khác dạy Sử Địa. Thầy Trần Đức Võ dạy Vạn Vật.
Hết Thầy đến Trò: Cả lớp Đệ Nhất ban B niên khóa 1968-1969 gồm 28 trò. Nhớ không hết tên, chỉ được 18 người, ai ơi có nhớ làm ơn nhắc giùm cho với! Danh sách 18 tên: Võ Văn Cang, Hoàng Trọng Điền, Nguyễn Khoa Hội, Lê Đức Huế, Hồ Đình Hưng, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Thiện Mật, Nguyễn Quắn, Nguyễn Duy Tâm, Cao Minh Tân, Lê Văn Thành, , Lê Ngọc Trắc, Trần Trinh, Nguyễn Thành Trung, Đỗ Văn Tùng, Nguyễn Hồng Tuấn, Thân Trọng Tuấn, Tôn Thất Văn.
Thi tú tài hai, kỳ đầu đậu 20 người, đạt tỉ lệ cao nhất nước là 71%. Kỳ này Cao Minh Tân “Khi không bị hỏng” còn như thi đậu thì tỉ lệ học trò ban Toán trường Hàm Nghi đậu lên tới 75%! Thiệt là nhờ cái ngạch đất của trường Hàm Nghi Quốc Tử Giám! Thi lại kỳ hai, Tân đậu bình thứ. Trước vô Khoa Học, sau đi Hải Quân. Số phận gian truân, sau này vào Nha Trang làm rẫy trồng khoai ở Vạn Giả. Vừa phá đất xong là phải bán rồi đi kiếm đất mới, khiến Nguyễn Thiện Mật ở bên Úc thương bạn thở dài!
Lại nhớ thêm về Nguyễn Hồng Tuấn đa tài: Tài học giỏi. Tài đàn hay. Tài viết nhạc hòa tấu. Tài làm thơ tình có hậu. Tài đánh máy chữ. Tài câu ống bắt ếch giật cá tràu. Đa tài nên nhiều khi cũng chướng. Thi đậu Sư Phạm Toán thường xuyên học 4 năm. Nhưng sau khi học hết năm thứ nhất lại đổi ý chuyển sang ban Cấp Tốc. Bị đôn quân vào Thủ Đức. Về sau đi học tập mấy mùa. Ra trại, lên cao nguyên “Kinh Tế Mới” không chịu nỗi nắng mưa. Nơi xứ lạ đưa vợ và con qua bên kia thế giới. Trở lại Huế sống cuộc đời nghèo đói. Hồ Tịnh Tâm tạm đợi buổi hanh thông. Về sau trời cũng chìu lòng. Vui vầy duyên mới, đục trong cảnh già. Tiện thể nên mới nói ra. Chút tình bạn cũ gọi là nhớ ơn. Hắn xưa học Nguyễn Tri Phương. Đến năm Đệ Nhất vô trường Hàm Nghi. Gặp tui đang hò mái nhì. Chuyển sang điệu lý vậy thì làm quen. Tình tang trăng sáng bên thềm. Kim tiền phú lục để bên chổ ngồi. Thanh niên chi lạ rứa trời. Khi không say đắm những lời nam ai. Đồng song hai đứa miệt mài. Hồng Tuấn quá giỏi một đời tài hoa. Trọng Tuấn như thể con gà. Đứng bên con phụng lại là bạn thân. Đi thi liền số ký danh. Đứa ngồi cuối lớp, đứa tranh đầu phòng. Chính giữa là Đỗ Văn Tùng. Học cùng lớp, thi trùng phùng vui không? Đậu bình Hồng Tuấn thong dong. Văn Tùng cũng đậu bình trong nhẹ nhàng. Trọng Tuấn học chẳng giỏi dang. May mà đậu thứ cho hàng xóm khen! Hai Tuấn xách gói bon chen. Thi vào Sư Phạm “thường xuyên” cùng ngày. Hồng Tuấn ban Toán đậu ngay. Trọng Tuấn Việt Hán cũng may được vào. Hồng Tuấn giận hỏi tại sao. Mi học ban toán lại vào văn chương? Điên khùng mới chọn lầm đường. Làm ông đồ méo cái phường thi thư! Lỡ rồi, Trọng Tuấn cười trừ. Mi tau đã lớn bây chừ đi hoang. Làm nghề kèm trẻ cho sang. Kéo vô Tây Lộc trên đường Đặng Nghi. Năm bữa nửa tháng rồi thì. “Đầy tớ trí thức” cũng đi đàng đời. Hai đứa lại về một nơi. Trên đường Nguyễn Hiệu có lời mạ ru. Nuôi cơm ba tháng phiêu du. Chờ lãnh học bỗng mới chu đủ tiền. Hồng Tuấn có được mạ hiền. Để cho Trọng Tuấn làm phiền chẳng than. Bát cơm Phiếu Mẫu ngàn vàng. Hôm nay viết lại mấy hàng tri ân. Hồng Tuấn quảng đại vô ngần. Trần Trinh kia cũng được phần dành cho. Sư Phạm Lý Hóa truyền lô. Mấy năm nhờ cậy bên hồ sen xanh. Tưởng rằng hoa lá liền cành. Ngờ đâu tốt nghiệp vội đành chia ly. Hồng Tuấn chưa kịp nói chi. Kẻ toan làm rể đã đi mất rồi. Nuôi cơm mạ vẫn tươi cười. Ra trường chẳng có một lời cám ơn!
Ba trang kể chuyện vui buồn. Của thời Đệ Nhất học trường Hàm Nghi. Năm Kỷ Dậu nhớ chút chi. Nửa vòng trái đất vội ghi gởi về. Thêm đôi câu đối rất quê. Nhâm Thìn chúc Tết trăm bề an vui!
Dậu là gà, la cà vườn kê, ních một bữa đầy mề xong quay về lổ dậu.
Thìn là rồng, bềnh bồng nương long, đẫn nửa ngày tràn bụng bay vào tận hang thìn.
California 11/2011
Thân Trọng Tuấn
(HN 1962-69)