Đối với cựu học sinh trường Trung Học Hàm Nghi Huế, ngôi trường Quốc Tử Giám cổ kính gần cửa Thượng Tứ trong Thành Nội Huế vẫn là một hình ảnh thân thương trìu mến, thôi thúc họ làm một cái gì cho mái trường kỷ niệm, cho danh xưng Hàm Nghi, vị vua yêu nước.
Cho đến năm 2002, chưa có ai đặt vấn đề xin tái lập Trường Hàm Nghi tại Huế, những người khởi xướng bị buộc phải hết sức thận trọng. Ban Liên lạc cựu học sinh Hàm Nghi Huế gồm Tiến Sĩ - Bác Sĩ Lê Hành, Thầy Nguyễn Văn Đức và chúng tôi chỉ dám trình bày quan điểm cá nhân với Nhà Báo lão thành Trần Bạch Đằng để xin xem xét và đạo đạt nguyện vọng lên chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế. Chúng tôi rất vui mừng được Nhà Báo Trần Bạch Đằng chuyển "nguyện vọng hết sức chính đáng xét trên tất cả các phương diện" đến Tỉnh Uỷ, Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh và Sở Giáo Dục Thừa Thiên Huế. Từ đó Ban Liên lạc vận động xin tái lập Trường Hàm Nghi tại Huế tự tin hơn và tích cực hơn.
Tháng 12 năm 2002, Ban Liên lạc được ông Chánh Văn Phòng đại diện Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh thừa Thiên - Huế đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh tiếp, thông báo ý kiến "chấp thuận nguyên tắc" nguyện vọng của Hội Cựu Học Sinh Trường Trung Học Hàm Nghi Huế, và gợi ý Ban Liên lạc có văn bản xin đổi tên đích danh trường Thống Nhất (nguyên là trường Bồ Đề) thành trường Hàm Nghi.
Mọi việc tưởng như đã hoàn thành qua ánh mắt rạng rỡ của từng cựu Học Sinh trong buổi họp mặt đầu năm 2003 tại Viện Y Dược Học Dân Tộc Thành phố Hồ Chí Minh . Nhiều cựu học sinh xung phong đóng góp công sức và tiền bạc để Ban Liên lạc có thêm phương tiện hoạt động thiết thực xây dựng Trường Hàm Nghi mới.
Thời gian thấm thoát đã được ba phần tư năm 2003.
Được uỷ nhiệm của Ban Liên lạc và ý thức trách nhiệm của mình, chúng tôi đã trở về Huế nhiều lần, tiếp xúc với nhiều lãnh đạo thẩm quyền tại địa phương. Kết quả cụ thể như sau:
1- Ông Chánh Văn Phòng Uỷ Ban Nhân Dân Tình cho biết Tỉnh đang chờ đề xuất của Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố Huế và Phòng Giáo Dục. Trường phải ở Thành Nội mới có ý nghĩa lịch sử.
2- Ông Trưởng Phòng Giáo Dục Thành phố Huế cho biết sẽ đề xuất tên Hàm Nghi cho ngôi trường khang trang ba tầng lầu sẽ xây trong tháng 7 năm 2003 tại ngã tư Bánh Bèo Ngự Bình và núi Bân sẽ có tượng đài Nguyễn Huệ và quang cảnh hùng vĩ theo quy hoạch của Thành phố .
3- Chủ Tịch Uỷ ban Nhân Dân Thành phố Huế chấp nhận đề nghị của Hội Cựu Học Sinh Trường Hàm Nghi Huế và sẽ đề xuất một trường trong Thành Nội Huế theo đúng nguyện vọng và tình cảm của cựu học sinh.
4- Bí Thư Thành Uỷ Huế cho biết sẽ đề xuất tên Hàm Nghi cho trường Đảng Nguyễn Chí Thanh sắp di dời (trên nền trại mồ côi Tây Lộc cũ), sửa chữa cải biến thành trường cấp 3 vì kế cận đã có trường cấp 2 Phan Sào Nam.
Đáp lại lời mời gặp mặt Ban Liên Lạc Cựu Học Sinh Hàm Nghi Huế trong những lần tới công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh , Bí Thư Thành uỷ hứa sẽ thực hiện sau khi hoàn tất việc đặt tên Trường Hàm nghi tại Huế.
Nhân dịp tường trình diễn biến công tác vận động xin tái lập Trường hàm Nghi tại Huế, xin được phép thay mặt Ban Liên Lạc Cựu Học Sinh Hàm Nghi Huế , chúng tôi xin chân thành cảm ơn quí vị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên và Thành phố Huế đã dành thời gian tiếp lắng nghe và quan tâm giải quyết các nguyện vọng của Cựu Học Sinh hàm Nghi Huế.
LỜI KẾT
như vậy, công tác vận động xin tái lập Trường Hàm Nghi tại Huế là chính đáng, cách trình bày có tính cách xây dựng, được sự nhất trí của tất cả các cấp lãnh đạo tại địa phương.
Tuy nhiên, việc tái lập Trường Hàm Nghi Huế không đơn giản là một món quà của địa phương dành cho tập thể Cựu Học Sinh Hàm Nghi Huế, mà là một quyết định quan trọng: địa điểm, tầm cở của ngôi trường phải được cân nhắc phù hợp với cương vị của vị vua yêu nước Hàm Nghi
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 9 năm 2003
Tiến Sĩ Phạm Văn Lâm |