Đây là ngôi mộ Vua Hàm Nghi Cập nhật: 20h59' 28/03/2009 (GMT+7)
- Điểm hẹn THONAC
-
Tôi hỏi Pierre, tại sao các địa danh ở vùng này đều chấm dứt bằng chữ ..“ac”. Pierre giải thích “ac”, viết tắt của chữ la tinh “acum”, có nghĩa là “nhà”, hay “địa phận”, mỗi địa danh đều hàm ẩn một ý nghĩa nào đó.
Thonac là một làng nhỏ, nằm thơ mộng bên con sông Vézère, độ cao chênh lệch từ 67 mét đến 232 mét, hiện nay có khoảng 250 dân và vài chục nóc nhà, diện tích 11,62 cây số vuông, tức là rất thưa dân, trung bình có 20 dân cư trên một cây số vuông. Con đường chính chạy qua làng, uốn khúc quanh co theo dòng nước mầu xanh như lá cây của con sông Vézère. Nếu không để ý, thì lái xe chạy ngang qua Thonac mà không kịp biết.
- Nhà thờ Thonac
- Tên làng Thonac xuất hiện lần thứ nhất vào năm 1382. Hiện nay làng Thonac thuộc về vùng hành chánh Aquitaine, khu vực Dordogne, tỉnh Sarlat-la-Canéda, huyện Montignac (so sánh với các cấp địa giới hành chánh Việt Nam như tỉnh, huyện, thành phố, quận, làng, xã).
- Trung tâm làng rất nhỏ, còn nhiều nét thôn dã, chỉ có vài quán ăn, tạp hóa, một khách sạn nhỏ, nhà thờ và nhà hành chánh của làng, đang được sửa chữa lại, vì trước kia đây là nhà ở và làm việc của linh mục cai quản nhà thờ. Trong gian phòng lớn của nhà hành chánh làng có một vòi nước Fontaine “Saint-Jacques-de-Compostelle”.
- Lúc trông thấy nhà thờ làng từ chỗ đậu xe, cách đấy mấy trăm thước, tôi ngạc nhiên, vì kiến trúc nhà thờ rất lạ, giống như một nhà thờ ở tận bên Mễ Tây Cơ trong các phim cao bồi bắn súng cưỡi ngựa. Nhà thờ cũng đang được sửa chữa lại. Tôi hồi hộp đẩy cánh cửa gỗ nặng nề kêu ken két bước vào bên trong. Nhà thờ tuy nhỏ, nhưng bầy biện ngăn nắp, sạch sẽ, không có mùi ẩm mốc như trong một số nhà thờ bị bỏ phế mà tôi đã vào thăm.
- Vị Làng Trưởng, ông Serge Richard, được dân bầu từ năm 2001, không ngại công sức làm đẹp làng Thonac, lưu chân du khách viếng thăm làng lâu hơn, để cho làng của ông không chỉ trở nên “sống động” trong vài tháng hè chính trong năm. Ông than, mùa đông, không có đến một con mèo chạy qua đường.
- Năm 2003 làng Thonac được cho phép mang huy hiệu của gia đình Losse, mà ngày nay đã tuyệt dòng, đó là một huy hiệu có chín ngôi sao vàng trên một nền xanh nước biển dưới một vương niệm lãnh chúa, và hàng chữ : “1382 – Thonacum – 2002”, một khoảng cách thời gian 620 năm.
- Làng Montignac, cách làng Thonac 6 cây số về phía thượng nguồn, đã có vẻ là một làng du khách, xinh xắn, đẹp đẽ, có nhiều nhà hàng với thực đơn hấp dẫn, có cầu cổ bắc ngang sông Vézère, có một căn nhà cổ xay bột bằng nước sông và những đường hẻm chật hẹp chỉ một người lọt qua.
- Thonac cũng là tên một con sông nhỏ, một trong hai mươi mốt sông phụ của sông Vézère, bắt nguồn từ làng Bars, dài khoảng 11 cây số, rồi đổ vào sông Vézère ở làng Thonac.
- Chính ra làng Thonac có điều kiện cơ sở để phát triển thu nhập kinh tế vì thung lũng sông Vézère là một trong những khu vực di tích lịch sử rất nổi tiếng chứa đựng nhiều hang đá thời tiền sử, đã được cơ quan UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, thí dụ như động thời tiền sử Lascaux – của thời đại Magdalénien, cách chúng ta khoảng 17.000 năm – với những hình vẽ thú vật rất mỹ thuật trên vách và nóc các hang đá, cách Thonac chỉ có 5 cây số, mà ai có dịp đi ngang cũng muốn vào xem.
- Sông Vézère dài khoảng 211 cây số, bắt nguồn từ làng Tourbière de Longéroux ở một độ cao 941 mét tại địa danh Puy Pendu, gần đỉnh núi Mont Bessou cao 977 mét, trên cao nguyên mang tên Ngàn Bò (Plateau de Millevaches) của rặng núi cổ Massif central thuộc vùng Corrèze, chảy ngoằn ngoèo qua hai vùng Limousin và Perigord, tạo ra một thung lũng rộng khoảng 3.736 cây số vuông, đem theo lượng nước của hai mốt con sông phụ, trước khi đổ vào sông Dordogne tại thị trấn Limeuil.
- Nước sông Vézère sói mòn vào vách núi hai bên, tạo thành những hang động lớn, nơi trú ẩn thiên nhiên cho người tiền sử, kể từ thời đại Homo Erectus (từ 1,85 triệu năm cho đến khoảng 400.000 năm trước đây) đã biết xử dụng lửa, chế tạo các vật dụng và vũ khí bằng đá lửa cứng (silex) và gỗ, săn bắn thú rừng, ăn thịt, trái cây và các loại củ, rễ cây, lột da thú làm quần áo. Họ để lại nhiều dấu tích tại nhiều địa danh hiện nay như Lascaux, Font-de-Gaume, les Combarelles, Castel-Merle, Laugerie-basse , Saint-Cirq, Bernifal, Cap-Blanc, Bara-Bahau.
- Ngang sông Vézère có nhiều cây cầu cổ từ thế kỷ thứ mười bốn bằng đá cổ. Dọc sông, có nhiều làng nhỏ với chục nóc nhà, cây cối xanh um vây phủ chung quanh. Còn trên sông thì người thích chèo thuyền sẽ được toại nguyện, vì độ nước chảy đủ mạnh, sông chảy loanh quanh, nhiều ngóc ngách, qua nhiều làng nhỏ ven sông. Thonac thuộc về hạ nguồn sông Vézère nên có thể chèo thuyền suốt năm, nhưng mực nước tốt nhất là từ tháng mười một cho đến tháng năm.
- Pierre mướn thuyền ở làng Montignac, chèo xuôi dòng Vézère ngang qua Thonac xuống làng Les Eyzies, tôi lái xe dọc sông đến chỗ hẹn, ngồi bên bờ sông nhìn bóng những gợn mây trắng phản chiếu trên mặt nước xanh trôi liên tục và nghĩ mông lung, chờ thuyền Pierre về. Lên lại bờ, anh ta cười toe toét, ba hoa diễn tả, cái thú chèo thuyền trên sông, gió mát hiu hiu, tiếng mái chèo xì xọt trong nước, núi, thành cổ, lâu đài, cây cối ngả nghiêng lươn lướt hai bên bờ.
- Chưa hết, tại sao tôi tìm đến Thonac ? Tôi muốn xem tận mắt ngôi mộ của vua Hàm Nghi trong nghĩa địa của làng và lâu đài của gia đình vua Hàm Nghi tại làng Thonac: château de Losse.
- Từ khi tình cờ được xem tận mắt nguồn của một con sông lớn, tôi đứng sững sờ nhìn nước nguồn dâng lên lặng lẽ từ lòng đất trong một cái hố khá tròn, rộng khoảng bốn sải tay. Thỉnh thoảng những bọt trắng tròn như bong bóng sủi lên mặt nước. Nước nguồn tràn đầy hố, rồi thoát ra cuồn cuộn thành một con suối nhỏ. Tôi biết rằng con suối này sẽ trở thành một con sông lớn trào ra biển cả. Ấn tượng mạnh mẽ ấy, làm cho tôi rất ham thích đi tìm nguồn sông, nếu có dịp, nhưng cũng háo hức đi tìm “nguồn” của nhiều sự việc.
- Đã có vài tác giả viết lẫn lộn lâu đài Losse với lâu đài Nauche, hay viết lâu đài Losse thành lâu đài Cosse mà lại ở Cannes, một thành phố lớn nằm bên bờ biển Địa Trung Hải phía nam nước Pháp, cũng như viết nhầm lẫn Thonac với Sarlat, thật ra làng Thonac cách thị trấn Sarlat khoảng 30 cây số, và lâu đài Losse cách lâu đài Nauche khoảng hơn 100 cây số đường núi. Vợ vua Hàm Nghi không phải sinh ở Marcelle. Tên của bà là Marcelle ! Hoặc viết một cách mơ hồ rằng Hoàng Hậu Nam Phương là “hàng xóm” của vua Hàm Nghi. Chính vì những thông tin không chính xác này làm cho tôi phải đi đến tận nơi, nhìn tận mắt.
- Gia đình đương kim chủ nhân lâu đài Losse, mua lâu đài Losse vào tháng tư năm 1999, đang biến lâu đài Losse trở thành một trọng điểm hấp dẫn du khách, trang trí nội thất bằng những bàn ghế tủ giả của thời thế kỷ thứ mười sáu và mười bẩy để gây dựng lại quang cảnh sống của Jean de Losse, sử dụng lâu đài làm phông cho nhiều phim về lịch sử hay chuyện thần thoại (Cinderella, Les Dames Galantes, Jacquou le Croquant), mỗi năm tiếp đón khoảng 30.000 du khách, có thể họ không muốn nhắc nhở đến giai đoạn quá khứ có liên hệ đến một vị Hoàng đế nước Việt Nam bị chính quyền thực dân đày đi Algerie.
- Chỉ khi dọc theo sông Vézère rời khỏi Thonac tôi mới có dịp hiểu một phần nào lý do tại sao vùng khúc sông này có rất nhiều lâu đài cổ. Không thông thạo chút nào về địa lý, phong thổ, và chỉ nhận xét theo cảm quan, thì tôi thấy đây là một thung lũng rất đẹp, rất xanh tươi, rất kín đáo, bốn hướng đều có núi vây bọc che chở, không nằm trên các trục giao thông chính, không hề bị tàn phá qua hai trận Đại Chiến, nhiều ánh sáng, có sông nước, có rừng thưa, còn nhiều di tích lịch sử rất xa xưa, làm tôi nhớ những mẩu chuyện đã đọc về các thầy địa lý phong thổ đi tìm đất cho Vua.
- Nhưng lý do nào đã đưa gia đình vua Hàm Nghi về nghĩa trang Thonac ?
- Ngôi mộ vua Hàm Nghi
-
Bình thường, trong các làng mạc ở Pháp, nghĩa địa thường nằm trong khuôn viên của nhà thờ. Tôi đi thẳng đến nhà thờ làng Thonac, quanh một vòng: không thấy nghĩa địa đâu cả. Pierre tinh mắt, chỉ cho tôi xem các dấu vết còn sót lại chung quanh các gốc cây mận đang trổ hoa, nghĩa địa cũ bây giờ đã trở thành bãi đậu xe bên cạnh nhà thờ.
- Tôi vào khách sạn bên cạnh hỏi thăm, thì được biết nghĩa địa đã được dời lên một khoảng đất trên đồi, phía bên kia đường làng chính, không xa lắm. May mắn hơn nữa, tôi gặp được bà Christiane Salviat của Nhà Hành Chánh làng mời vào văn phòng, dù hôm nay là ngày không tiếp khách, cho xem bản đồ nghĩa địa.
- Đường từ trung tâm làng lên nghĩa địa chỉ khoảng 2 cây số. Trời vừa dứt một cơn mưa xuân, ánh sáng mù mù ảm đạm, thật là hợp tình hợp cảnh. Trước đó, tôi đã phải chạy ra hướng làng Montignac để tìm mua nhang. Mộ của gia đình vua Hàm Nghi lớn nhất, dựa một chân tường, hướng về phía cửa chính. Lâu ngày không ai săn sóc chùi rửa, nắp đá tảng trên mộ đen thui, rêu xanh mọc đầy. Cái bình hoa duy nhất ở đầu mộ lưng lửng nước mưa. Không có hoa và cũng không có một chân nhang. Một bình hoa mầu xanh nhỏ bằng ny lông bị gió thổi nằm nghiêng trên đất. Ở đây toàn là mộ đạo Thiên Chúa. Trên mộ gia đình vua Hàm Nghi cũng có chạm một cây Thánh giá lớn. Trong hầm mộ có năm người yên nghỉ: Vua Hàm Nghi, bà Marcelle LALOË, Công chúa Nhu May (*), Hoàng tử Minh Duc (*) và bà Marie Jeanne DELORME.
-
- Mộ vua Hàm Nghi tại nghĩa trang Thonac
|
- Bia mộ vua Hàm Nghi
|
-
Các hàng chữ khắc trên mộ như sau:
- S.M. HAM NGHI, Empereur d'Annam, Hue 1871 - Alger 1944
S.A.I. La princesse d'Annam, née Marcelle LALOË, 1884 – 1974 Nhu May, Princesse d'Annam, 1905 – 1999 Minh Duc, Prince d'Annam, 1910 – 1990 Marie Jeanne DELORME, 1852 - 1941
- Bà Marie Jeanne Delorme, sinh ngày 5 tháng 6 năm 1852 tại Besseyre, thuộc địa phận Loubaresse (Cantal), con của Jean Delorme và Francoise Esbras, qua đời ngày 2 tháng 9 năm 1941 tại lâu đài Losse. Người làm giấy khai tử cho bà Marie Jeanne Delorme là công chúa Nhu May, lúc đó 36 tuổi, nghề nghiệp: nhà nông (2). Bà Delorme có lẽ được an táng trước nhất trong hầm mộ, vì tất cả những nhân vật khác đều qua đời sau bà. Người làng Thonac cho rằng bà Delorme là gia nhân của gia đình vua Hàm Nghi, nhưng thông tin này sẽ còn phải kiểm chứng lại nếu có dịp.
- S.A.I. có nghĩa là Son Altesse Impériale, danh xưng của vương phi, tước vị của bà Marcelle LALOË khắc trên mộ là Công Chúa, theo truyền thống nhà Nguyễn không lập ngôi Hoàng Hậu lúc bà còn sinh thời, và bà cũng không được truy tôn làm Hoàng Hậu sau khi qua đời, nhưng chữ “La princesse d'Annam” chỉ rằng bà là chính phi của vua Hàm Nghi.
- S.M. có nghĩa là Sa Majesté, danh xưng của vua chúa. Nhưng khắc ghi trên mộ vua Hàm Nghi là Empereur d'Annam (Hoàng đế An Nam) là không đúng.
- Vào cuối đời vua Tự Đức, triều đình Huế đã ký hết hiệp ước này đến hiệp ước khác với Pháp, mất dần chủ quyền, độc lập, tự do. Các cuộc nổi dậy chống lại Pháp thì được sử sách viết là “làm giặc” như Đề Thám (3), hay “nổi loạn” như phong trào Văn Thân ở Nghệ Tĩnh năm 1874, và bị quan quân triều đình đánh dẹp.
- Công việc ngoại giao cầu viện trợ Tầu cũng không xong, vì trung tá Fournier, đại diện Pháp, ký với Lý Hồng Chương bản Hòa ước Thiên Tân ngày 18 tháng 4 năm Giáp Thân (1884), nước Tầu rút hết quân đóng ở miền Bắc, và công nhận quyền cai trị của Pháp trên đất Việt Nam.
- Đến khi các quan Nguyễn Văn Tường, Phạm Thuận Duật và Tôn Thất Phan của triều đình Huế, ký với Patenôtre và Rheinart, bản Hòa ước Patenôtre vào ngày 13 tháng 5 năm 1884 thì nước Việt Nam mất hết chủ quyền và bị chia làm ba kỳ, mỗi kỳ có luật lệ riêng và sự giao thông giữa ba kỳ bị kiểm soát nghiêm ngặt bằng giấy thông hành.
- Patenôtre và tướng Courbet còn chưa hả dạ, muốn xóa dấu tích của Tầu đối với Việt Nam, làm áp lực để tịch thâu cái ấn Việt Nam Quốc Vương Chi Ấn, bằng bạc ròng mạ vàng, nặng 5 kí 9, hình vuông, cạnh to từ 10 đến 12 phân, của vua nhà Thanh phong cho người khai sáng nhà Nguyễn – vua Gia Long – năm 1804, đem chiếc ấn về Pháp làm chứng vật chiến thắng. Nhưng Nguyễn văn Tường và Phạm Thuận Duật, trước sự chứng kiến của Patenôtre và Courbet, nhất định cho nấu chẩy chiếc ấn lịch sử này, theo thông tin của l'Agence Havas viết vào ngày 30 tháng 8 năm 1884, không để cho Patenôtre đem chiếc ấn này về Pháp. (4)
- Đối ngoại thì như thế còn đối nội thì triều đình Huế rất lủng củng và chia rẽ vì hai chính kiến: đánh Pháp hay theo Pháp. Sau giai đoạn bốn tháng ba vua (Dục Đức – Hiệp Hòa – Kiến Phúc, 1883 – 1884), hai quan đại thần Nguyễn văn Tường và Tôn Thất Thuyết chọn Ưng Lịch, mới có 13 tuổi, em của Ưng Đường (là con nuôi thứ hai của Tự Đức), lên làm vua.
- Nguyễn Phúc Ưng Lịch, tên húy là Nguyễn Phúc Minh, sinh ngày 3 tháng 8 năm 1871 tại Huế, con của Thuận Nghi Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hương Hội (Nguyễn Phúc Cai), đăng quang Hoàng Đế ngày 01 tháng 8 năm 1884 tại Huế, là vị vua thứ tám của nhà Nguyễn, lấy niên hiệu Hàm Nghi ngày 15 tháng 2 năm 1885, xưng danh Đại Nam Hoàng Đế, quốc hiệu là Đại Nam.
- Chính quyền thực dân Pháp ép vua Hàm Nghi phải đổi tước hiệu lại là Hoàng Đế An Nam, hạn chế tước vị và quyền lực (hư vị) của vua Hàm Nghi chỉ trên miền Trung (Annam), coi như một cách chấp nhận chính thức quyền bảo hộ và cai trị của Pháp trên ba miền của nước Việt (theo cách thức quản lý hành chánh của chính quyền Pháp thì họ áp đặt gọi miền Bắc là Tonkin, miền Trung là Annam và miền Nam là Cochinchine).
- Thời gian trị vì của vua Hàm Nghi chưa được một năm. Vì thái độ hống hách của tướng de Courcy, đã nhất định đòi đi cùng với 500 quân lính vào cửa chính để yết kiến vua Hàm Nghi mà Tôn Thất Thuyết tức giận, đem quân tiến đánh đồn Mang Cá vào nửa đêm về sáng ngày 5 tháng 7 năm 1885.
- Quân Pháp đánh trả lại đến sáng thì kinh thành Huế thất thủ, quân Pháp tiến vào nội thành, chiếm đóng hoàng cung và tịch thu các vũ khí, báu vật, hơn mười triệu tiền giấy, vàng thỏi, bạc thỏi. (5)
- Vua Hàm Nghi được Tôn Thất Tuyết và Nguyễn văn Tường đưa ra khỏi cung điện, lên đường chống Pháp, nhưng ngay ngày hôm sau Nguyễn Văn Tường trở về đầu hàng Pháp, rồi hai tháng sau đó bị Pháp đưa đi đầy cùng với cả gia đình ở Tahiti. Hàm Nghi ban Hịch Cần Vương kêu gọi anh hùng các nơi chống Pháp.
- Vì sự phản bội của Nguyễn Đình Tình và Trương Quang Ngọc, vua Hàm Nghi bị chính quyền thực dân Pháp bắt vào tháng 9 năm 1888, rồi bị đưa lên đường đi đày vào cuối năm 1888.
- Hàm Nghi đến Alger (thủ đô của nước Algerie tại Bắc Phi) vào đầu năm 1889, rồi bị quản thúc tại Biệt thự Villa des Pins thuộc làng El Biar, cách Alger 5 cây số, lúc đó Hàm Nghi mới được 18 tuổi.
- Trong suốt thời gian lưu đày ở Alger, vua Hàm Nghi chỉ được gọi là Prince d'Annam (Hoàng tử An Nam) và được lãnh một số tiền cấp dưỡng lúc ban đầu là hai mươi lăm ngàn quan Pháp một năm, trích từ ngân sách của Việt Nam để sinh sống (6).
- Theo khắc ghi trên mộ thì vua Hàm Nghi mất năm 1944 tại El Biar, Alger, thọ 73 tuổi, hài cốt vua Hàm Nghi được cải táng về nghĩa trang Thonac vào năm 1965. Vua Hàm Nghi được phong miếu hiệu là Hiến Tổ Chương Hoàng Đế.
- Ngày 4 tháng 11 năm 1904 vua Hàm Nghi, lúc được 33 tuổi, cưới bà Marcelle Aimée Léonie LALOË, con gái của ông François Laloë và bà Suzanne Ving, tại Alger. Bà Suzanne Ving là con gái của bà Aimée Souham.
- Bà Marcelle Aimée Léonie LALOË sinh ngày 02 tháng 7 năm 1884 và qua đời ngày 05 tháng 9 năm 1974 tại lâu đài Château de Losse trong làng Thonac, thọ 90 tuổi.
- Vua Hàm Nghi và bà Marcelle Aimée Léonie LALOË có ba người con: Công chúa Nhu May sinh năm 1905, Công chúa Nhu Ly (*) sinh năm 1908 và Hoàng tử Minh Đức sinh năm 1910. Công chúa Nhu Ly không được an táng trong hầm mộ gia đình tại làng Thonac.
- Theo sự chỉ dẫn của ông Richard tôi rời Thonac, trực chỉ hướng Juillac, cách Thonac khoảng 60,70 cây số về hướng đông bắc, nhưng không dùng xa lộ mà chọn đường quốc lộ và đường làng, để dễ tìm hiểu và quan sát phong cảnh hơn. Đoạn đường từ Thonac đến Juillac xuyên núi, xuyên rừng, lên cao, xuống dốc, rất đẹp, có nhiều quang cảnh hùng vĩ.
- Mộ Hoàng Hậu Nam Phương
- Đến làng Chabrignac, cách Juillac chỉ vài cây số, đã có kinh nghiệm tìm kiếm, tôi và Pierre lái xe thẳng đến nghĩa địa nằm ở ven đường chính, trên một mỏm đồi cao nhìn xuống làng phía dưới, xem từng tấm bia, từng ngôi mộ. Ngôi mộ của bà Hoàng Hậu Nam Phương, người vợ chính thức đầu tiên của Bảo Đại, rất dễ nhận ra, vì có hai cây tùng trồng hai bên mộ, nay đã cao và to phình. Ngôi mộ có vẻ mới được trùng tu lại, sạch sẽ, đơn sơ. Nắp đậy huyệt chỉ là một tấm bê tông phẳng phiu, có chạm nổi hình thánh giá và một tấm bia chìm đề hàng chữ “ Sa Majesté Nam Phuong Impératrice d'Annam 1913 – 1963” . Trên nắp huyệt dựng một tấm bia khác đề rõ hơn một chút “ Ici repose l'Impératrice Nam Phuong, née Jeanne Mariette Nguyen Huu Hao, 14.11.1913 – 15.09.1963”. Thật ra tên của bà là Nguyễn Hữu thị Lan. Tấm bia cũ, viết chữ Hán nôm, vẫn còn đứng ở đầu mộ.
- Làng Chabrignac rộng khoảng 1.000 mẫu, theo thống kê năm 2002 thì có khoảng 444 dân cư. Từ nghĩa trang xuống làng, chạy lòng vòng một quãng thì thấy nơi ở cũ của bà Nam Phương, một ngôi nhà khá to lớn, gọi là Domaine de la Perche, nằm khuất trong một khu vực có nhiều cây cối xanh tươi.
- Trở ra đường cái, tôi dừng xe trước một lâu đài nho nhỏ, đẹp giống như một lâu đài trong chuyện cổ tích thần thoại Bạch Tuyết và bẩy chú lùn hay Công chúa ngủ trong rừng, đứng ngắm hồi lâu. Lâu đài này có bốn tháp hình tròn ở bốn góc, liên kết với phần giữa thành một khối, xây từ khoảng thế kỷ thứ XIV, XV, nổi bật trên một phần đất dọn dẹp rất sạch sẽ, không có cỏ dại mọc, chứng tỏ là có người ở. Gần đấy, hiện ra nóc chuông nhà thờ làng Chabrignac, cũng có vẻ Mễ Tây Cơ giống như nhà thờ làng Thonac. Bên cạnh nhà thờ, là một căn nhà rất lớn, nằm trên một khoản vườn rộng, tường cao vây bọc chung quanh, cổng nhà rất oai nghiêm. Tôi và Pierre đang đứng tần ngần ngắm nhà thờ, bàn tán với nhau, thì một “ông tiên” hiện ra, thấy bộ tướng chúng tôi không phải là kẻ trộm cướp, ông vui vẻ trò chuyện trao đổi. Hóa ra, trời thương tôi thật, tôi đã thấy trước mắt lâu đài có bốn tháp tròn ấy của ông Tử Tước Vicomte de la Besse, cháu ngoại của vua Hàm Nghi. Lúc vua Hàm Nghi qua đời thì Tử Tước mới có bẩy tuổi.
- Lâu đài Chabrignac
|
- Lâu đài Nauche
|
- Chưa hết mệt, chúng tôi lại đi tiếp tục để đến thị trấn Vigeois, cách Chabrignac khoảng 30 cây số đường núi. Trên đoạn đường này, tôi đi ngang qua lâu đài của bà Hầu Tước Marquise de Pompadour, người tình rồi bạn thân của vua Louis XV tại thị trấn Arnac-Pompadour, một nơi thu hút khá nhiều du khách.
- Vigeois, nằm trên một độ cao 311 mét, có khoảng trên 1.200 dân, thuộc vùng hành chánh của thành phố Brive, cách Chabrignac khoảng 30 cây số về hướng nam. Lâu đài La Nauche nằm trong địa phận Simons của thị trấn Vigeois, là chỗ ở của gia đình Bá tước de La Besse.
- Người con gái thứ hai của vua Hàm Nghi mang tên Nhu Ly sinh ngày 22 tháng 7 năm 1908, kết duyên ngày 20 tháng tư năm 1933, với Bá tước François Barthomivat de La Besse (sinh ngày 3 tháng 2 năm 1905), qua đời ngày 9 tháng 7 năm 2005, thọ 97 tuổi, được an táng riêng rẽ trong nghiã trang của thị trấn Vigeois, chung trong hầm mộ với bà Marguerite Aglaé de la Besse Nauche de Leymarie (1804 – 1867), cũng không chung một mộ với chồng.
- Bà công chúa Nhu Ly có ba người con, hai gái một trai, Françoise, Philippe và Anne (tức là ba cháu ngoại của vua Hàm Nghi).
- Françoise Barthomivat de la Besse kết hôn với Jacques Matis de Bisschop, có ba người con.
- Philippe Barthomivat, Vicomte de la Besse. Sinh ngày 25 tháng 2 năm 1937, kết hôn với bà Jane Boardman, không có hậu duệ.
- Anne Alice Marie Barthomivat de la Besse kết hôn với ông Guy Dabat, có bốn người con.
- Lâu đài của Công Chúa Nhữ Mây: Château de Losse
-
Người con gái đầu lòng của vua Hàm Nghi với bà Marcelle Aimée Léonie LALOË, mang tên, theo sổ sách hành chánh của Pháp ghi chép nguyên bản lúc bà qua đời là: Nhu-May, Suzanne, Henriette UNG LICH HAM NGHI D'ANNAM, sinh ngày 17 tháng 8 năm 1905 tại El Biar (Algérie), cư trú tại “ La petite maison de Losse” (căn nhà nhỏ của Losse), qua đời ngày 01 tháng 11 năm 1999 tại nhà thương của thị trấn Vigeois (vùng Corrèze), Pháp, thọ 94 tuổi. Bà công chúa Nhu-May, sống độc thân, không có hậu duệ, lúc sinh thời là nhà nông.
- Theo chữ ký của bà có bỏ dấu tiếng Việt trong văn tự còn được lưu trữ thì tên của bà là Nhữ Mây. Một cái tên rất lạ và rất đẹp. Trong các văn bản chính thức, bà ký tên là Nhữ Mây d'Annam. (7)
- Lâu đài Losse
- Công chúa Nhữ Mây về Pháp mua lâu đài Losse vào ngày 6 tháng 8 năm 1930, lúc bà mới có 25 tuổi. Trong văn tự mua bán lâu đài Losse ký với các người bán là ông Marie Antoine Jules Maurice Challe, bà Marie Joseph Françoise Elisabeth Mercier và cô Françoise Marie Beausoleil, thì địa chỉ của công chúa Nhữ Mây khi ấy là Biệt thự Gia Long, El Biar, Algérie. Bà mua lâu đài Losse với giá là bốn trăm năm chục ngàn quan Pháp, trả làm hai lần, lúc giao lâu đài trả ba trăm ngàn quan tiền mặt, phần còn lại một trăm năm chục ngàn quan Pháp sẽ được trả trong vòng ba năm, với phân lãi là bẩy quan hai chục xu (tức là 7,2%).
- Lâu đài Losse (Château de Losse) được xây cất sát bờ sông Vézère, khởi đầu xây theo kiểu một thành trì nhỏ kiên cố thời Trung cổ, có hào nước rộng chung quanh và cầu treo để chống xâm nhập bằng người và ngựa, nền móng đặt từ thế kỷ thứ XIV, dần dần đến năm 1576 được sửa sang lại thành một lâu đài theo phong cách mỹ thuật của thời Phục Hưng (Renaissance) theo ý của chủ nhân lâu đài khi ấy là Jean II de Losse.
- Jean de Losse xuất thân gốc Hòa Lan. Lịch sử dòng họ Losse còn ghi được từ thế hệ Frénon de Losse, tử trận tại Montlery vào năm 1465. Sau đó, đến con của Frénon de Losse, cũng tên là Frénon de Losse, làm quan võ cho vua Louis XI. Cháu nội của Frénon de Losse, tên là Pierre de Losse, chết tại vùng Milan năm 1515 trong một trận chiến dưới quyền vua Francois 1er. Con của Pierre de Losse là Jean II de Losse, sau khi đã có nhiều công trạng, được phong làm Tổng Trấn vùng Périgord và Limousin (8).
- Truyền thêm được mấy đời con cháu thì người thừa kế của dòng tộc Losse tên là Jean Cirus Marie Adélaïde Timbrune de Valence, con của bà Louise de Losse, bán lâu đài năm 1807 cho Jacques Maleville, với giá là 500.000 quan. Sau đó, lâu đài Losse được bán đi bán lại nhiều lần, trải qua nhiều biến cố. Tới năm 1830 Joseph Mérilhou mua với giá 105.000 quan. Sau đó, ông Gouyon mua lâu đài Losse với giá 202.000 quan ngày 06.03.1880, tu sửa lại năm 1884, rồi bán lại cho gia đình Challe – Mercier vào ngày 20.03.1922 với giá là 290.000 quan. Họ chỉ ở đấy có tám năm rồi bán lại cho công chúa Nhữ Mây (9).
- Vùng đất thuộc lâu đài Losse rất rộng, khoảng 100 mẫu, lan tràn trên cả hai làng Thonac và Saint Léon sur Vézère gọi là “Terre de Losse” (Đất của Losse) gồm có sân rộng, lối vào, lâu đài, chuồng ngựa, nhà ở, xưởng thợ, kho chứa, vườn, rừng, đồng cỏ, ruộng nho và các loại bất động sản khác. Lâu đài Losse thuộc quyền sở hữu của công chúa Nhữ Mây được 46 năm, một thời gian khá dài, thì bà bán lâu đài năm 1976 (khi ấy bà được 71 tuổi, hai năm sau khi bà LALOË qua đời), chỉ giữ lại một ngôi nhà nhỏ trên vùng đất của Losse, gọi là “la petite maison de Losse” để ở cho đến khi qua đời, năm 1999.
- Cuối cùng, ngôi nhà này cũng được người thừa kế của công chúa Nhữ Mây bán cho một thương nhân địa ốc ở Antibes.
- Dấu tích còn lại chỉ là ngôi mộ của gia đình vua Hàm Nghi tại Thonac.
- Nghi vấn HÀM NGHI, thật hay giả
-
Theo bài “Lần tìm dấu vết vua Hàm Nghi – Có một Hàm Nghi “Lê Lai”...đăng trên mạng (10), ông Trần Hữu Thành đã tìm ra một khu mộ với ba mươi sáu mộ trong rừng núi Tà Lơn mà ông tin rằng đây chính là mộ vua Hàm Nghi thật, chôn cất cùng với các chiến sĩ Cần Vương bảo vệ vua.
- Trần Trọng Kim ghi lại trong sử rằng: “Tôn Thất Thuyết thấy thế không chống nổi quân Pháp bèn bỏ vua Hàm Nghi ở lại đồn Vé, thuộc huyện Tuyên Hóa (tên cũ là Qui Hợp Châu) tỉnh Quảng Bình, rồi cùng với đề đốc Trần Xuân Soạn đi đường thượng đạo, nói rằng sang cầu cứu bên Tàu. ... (Về sau chết già ở Thiều Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông). Vua Hàm Nghi bấy giờ phải ẩn nấp ở vùng huyện Tuyên Hóa có các con Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp cùng với đề đốc Lê Trực và Nguyễn Phạm Tuân, hết sức giữ gìn và đem quân đi đánh phá ở mạn Quảng Bình và Hà Tĩnh.”
- Sau khi Tôn Thất Thiệp bị bọn phản bội Tình và Ngọc đâm chết, vua Hàm Nghi bị chúng bắt giải về nộp cho Pháp, còn Tôn Thất Đạm tự thắt cổ chết, Trần Trọng Kim bình luận như sau: “ Ông Tôn-thất Thuyết làm đại tướng mà cư xử ra một cách rất hèn nhát không đáng làm người trượng-phu chút nào. Nhưng hai người con thì thật là bậc thiếu-niên anh-hùng, có thể che được cái xấu cho cha vậy.”
- Còn ông Trần Hữu Thành tin rằng người bị đày sang Algérie không phải là vua Hàm Nghi thật, chỉ là vua giả, và ông đưa ra giả thuyết: Tôn Thất Thuyết đã phao tin mình ôm ấn tín sang Tàu cầu viện rồi cùng vua Hàm Nghi bí mật lánh vào Nam. Tôn Thất Thiệp cùng một số nghĩa quân hy sinh ở lại hộ giá vua Hàm Nghi "Lê Lai" để làm kế nghi binh.
- Tôn Thất Bình kể trong cuốn Triều đại nhà Nguyễn: “... Bọn Pháp hoang mang không biết là người trước mặt có thật là vua Hàm Nghi chăng, hay là tên Trương Quang Ngọc phỉnh lừa ...giữa lúc ấy có một cụ già chống gậy đến. Đó là Nguyễn Thuận, thầy dạy vua Hàm Nghi thuở thiếu thời. Vừa thấy thầy cũ, vua Hàm Nghi đột nhiên đỡ cụ và vái chào. Bọn Pháp lúc đó mới tin chắc đó là vua Hàm Nghi....” Sau đó, vua Hàm Nghi từ chối không muốn gặp lại Hoàng Thái Hậu, đang đau ốm.
- Những nhân vật có thể nhận diện vua Hàm Nghi như Nguyễn văn Tường, Phạm Thận Duật và Tôn Thất Đính thì đã bị De Courcy đem tầu chở đi đày ở Côn Lôn, nhưng cũng còn Đề đốc Lê Trực, người đã ra đầu thú Pháp và được tha cho về quê sinh sống.
- De Courcy thì đã bị triệu về Pháp vào cuối năm 1885, chính phủ Freycinet cử tướng Warnel và Paul Bert sang thay thế.
- Theo thiển ý, vào thời ấy không có các phương tiện thông tin bằng hình và phim ảnh hiện đại, cũng như các biện pháp kiểm soát nhân diện hết sức tinh vi như ngày nay, vua chúa thường ở ngày đêm trong cung cấm, chỉ có thân quyến và các quan đại thần kề cận mới biết chính xác mặt mũi, vóc giáng, giọng nói, còn thì ít ai được thấy vua, cho nên khi có biến, vua dễ đưa ra một người khác làm giả mình. Một người thầy, có nhiều học trò, cho nên chi tiết gặp thầy cũ không phải là một chi tiết “nhận diện” chính xác. Vua Hàm Nghi lại không muốn gặp mẹ, trước khi đi đày. Tại sao ?
- Trong thời đại của chúng ta, muốn “nhận diện” ai thật hay giả, trong trường hợp này, vua Hàm Nghi nào thật, vua nào giả, không phải là một điều khó khăn, hậu duệ vua chúa nhà Nguyễn còn rất nhiều, hơn nữa, các phương pháp tối tân để khảo nghiệm về gia truyền, thí dụ như cách khảo nghiệm theo ADN (Acide désoxyribonucléique), có thể cung cấp một kết quả chính xác. Hy vọng một ngày nào đó, chúng ta sẽ được xác nhận vĩnh viễn.
- Về đến nhà, sau một tuần lễ gọi là đi dạo mùa xuân, trước khi bước xuống xe, tôi nhìn vào đồng hồ trước tay lái, tôi và Pierre đã đi và về tổng cộng hơn hai ngàn sáu trăm cây số.
© Mathilde Tuyết Trần Lataule 2007
: : TIN ĐÃ ĐƯA : :
|