HNH trên YouTube

HNH trên Picasa

Số tài  khoản BLL HNH

TIN TỨC THỜI SỰ HÀM NGHI
ĐI TÌM MỘ VUA HÀM NGHI
Cập nhật: 11h20' 16/08/2007 (GMT+7)
Trong một chuyến trở lại Pháp mùa hè qua, tôi có dịp đi về miền trung nguyên nước Pháp, tìm những trang trại nuôi bò sữa và bò thịt để học hỏi; nhờ chiếc xe hơi có định vị, sẵn dịp tôi đi tìm làng Thoniac có ngôi mộ Vua Hàm Nghi cũng thuộc vùng đó.

          Từ Paris đến làng Thoniac , chiếc xe được máy định vị chỉ đường đi mất khoảng 6 giờ, chạy với vận tốc trung bình 140km/giờ trên xa lộ. Những khi vào đường hẹp và vào thành phố, xe chạy châm lại và đi theo tiếng nói được chỉ dẫn từ vệ tinh. Khi ở Châu Âu tôi phải di chuyển nhiều nên xe của tôi được gắn máy định vị, bởi đã nhiều lần tôi đi lòng vòng trong các thành phố và có đêm lạc đường phải nhờ cảnh sát hướng dẫn ra xa lộ để đi tiếp.

          Chúng tôi đến làng Thoniac lúc gần 19 giờ, trời vẫn cón sáng. Máy định vị lúc đó không còn tác dụng vì không có tên trong máy. Sợ đêm đến không đủ thời gian để tìm, chúng tôi đành ghé lại một căn nhà trên đường có cho thuê phòng tạm trú. Ở Pháp, vào bất kỳ làng nào cũng có khách sạn và nhà trọ. Nước Pháp có 75 triệu du khách mỗi năm, đi đến đâu cũng thấy hệ thống khách sạn, nhà hàng và nhà trọ. Chợt nghĩ nếu như ở nước Pháp thì cái xứ Bãi Xan của tôi, nơi có nhà thờ to nhất nhì miền Tây Nam Bộ, chắc cũng là một điểm du lịch hấp dẫn, huống hồ cạnh đó là cả dòng sông Cửu Long hùng vĩ, chiều ngang 3km, tấp nập tàu ghe. Lần tôi đến Morlaix, được ông chủ báo Télégrame của xứ Bretagne đưa đi xem cảnh biển Manche và mấy hòn đảo nhỏ của họ - cảnh quan thua Nha Trang xa lắm, nói gì đến Hạ Long, nhưng họ cứ khen nức nở và còn chỉ cho xem cảnh du khách tấp nập đến thăm. Thật ra họ biết cách đưa hồn cuộc sống vào thiên nhiên và biết cách mời gọi du khách. Làng Thoniac nhỏ bé, nơi gia đình vua Hàm Nghi đã đưa hài cốt Ông từ Alger về để chôn cất, có một vài toà lâu đài và đôi nét phong cảnh như Đà Lạt, với con sông nhỏ gần cạn nhưng du khách vẫn đông. Sự yên tĩnh của một vùng cao nguyên cũng có sức thu hút du khách, họ từ các nước lân cận lái xe đi quanh quẩn các miền nước Pháp để tìm sự thanh thản nhưng ít hao tốn.

          Người con gái cuối cùng của Vua Hàm Nghi, công chúa Như Ly, mang hai dòng máu Pháp Việt, tuổi đã trên 90, hiện sống trong một lâu đài ở tỉnh kế cận, còn những hoàng tử, công chúa khác đã qua đời, hài cốt đều nằm chung trong một ngôi mộ trong nghĩa trang làng Thoniac. Khi chúng tôi vào nghĩa trang, đi tìm từng hàng, để ý những mộ to, cứ nghĩ mộ vua phải rất đẹp và lớn. Tìm thật lâu lòng hơi lo, nghĩ mình đã tìm lầm nghĩa trang, bỗng dưng đứa cháu từ xa kêu lên báo tin đã tìm được mộ. Hoá ra mộ thật đơn giản, trên mộ có ghi tên 5 người : Vua Hàm Nghi (sinh 1871 tại Huế, mất 1940 tại Alger); các công chúa Như Mây, Sala, hoàng tử Minh Đức và bà Marie Jeanne Delorme (1952-1941), vợ vua Hàm Nghi, nhưng không ghi tước vị. Nghe kể lại bà thuộc dòng quý tộc, bố làm chánh án toà Alger.

          Vua Hàm Nghi đã từ bỏ ngai vàng để đi kháng chiến chống Pháp, bị Pháp bắt và lưu đày biệt xứ. Anh bạn Duy đi cùng thuật lại cho tôi nghe lời công chúa Như Ly kể: khi Bảo Đại qua Alger thăm vua Hàm Nghi có mang cho ông một số tiền. Nhưng vua Hàm Nghi khuyên nên đem tiền về cho dân nghèo. Ở xứ người xa xôi, vua Hàm Nghi vẫn giữ trọn vẹn với đất nước. Cho đến nay, những chuyện về hai vị vua yêu nước Hàm Nghi và Duy Tân còn được biết đến quá ít. Cả hai lại bị thực dân Pháp lưu đày và chết trên đất khách. Trong đó, mộ của vua Hàm Nghi thật khiêm nhường trong nghĩa trang của một làng nhỏ bé của nước Pháp. Khi chúng tôi về nhà trọ, nói chuyện với gia đình người Pháp, họ không hề biết trong nghĩa trang làng của họ có chôn cất một vị vua Việt Nam.

          Sáng sớm hôm sau, chưa đành ra đi chúng tôi trở lại nghĩa trang, lòng không khỏi ngậm ngùi như đang thăm viếng mộ người thân và sắp chia tay.

Ngô Công Đức


: : TIN ĐÃ ĐƯA : :

LIÊN KẾT