HNH trên YouTube

HNH trên Picasa

Số tài  khoản BLL HNH

CHS HÀM NGHI HUẾ TẠI ĐÀ NẴNG
CHS Hàm Nghi Huế tại Đà Nẵng tham quan Bạch Mã
Cập nhật: 7h34' 14/08/2014 (GMT+7)
Được tin cựu học sinh Hàm Nghi Huế tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chuyến đi “Về thăm lại trường xưa”. Anh em cựu học sinh Hàm Nghi Huế tại Đà Nẵng rất vui mừng và hăng hái tham gia.
Chúa nhật ngày 22-6-2014, họp mặt tại quán café Bằng Hữu số 132 đường Nguyễn Hoàng Đà Nẵng, nhà của Trưởng ban liên lạc cựu học sinh  Hàm Nghi Huế tại Đà nẵng, HN Nguyễn Khoa Đình, Anh em đang sốt sắng đóng tiền, bàn chuyện thuê xe đi Huế, HN Hoàng Tiến Hùng điện thoại cho HN Trương Công Mỹ, Trưởng ban liên lạc cựu học sinh Hàm Nghi Huế tại thành phố Hồ Chí Minh, được biết chuyến đi đã hủy, chưa có lý do cụ thể. Thông tin đến làm vỡ hết niềm vui, HN Nguyễn Ngọc Chanh, Thủ quỹ, buồn bã gửi tiền lại cho từng người một, nhưng nỗi nhớ Huế vẫn không tắt, một số anh em quyết tâm không rút tiền, tiếp tục bàn tính về Huế tham quan thắng cảnh Vườn Quốc Gia Bạch Mã.
Chúng tôi còn lại bốn người quyết về thăm Bạch Mã, thắng cảnh du lịch của Huế thân yêu.
 

HN Nguyễn Ngọc Chanh và thân hữu Trần Đăng Mạnh trước Hải Vọng Đài
HN Nguyễn Ngọc Chanh và thân hữu Trần Đăng Mạnh trước Hải Vọng Đài

Chiều thứ 7 ngày 28-6-2014, chiếc xe con nhỏ bé xinh xinh hiệu Toyota dòng Vios của HN Hoàng Tiến Hùng lần lượt lăn bánh đón từng bạn. HN Hoàng Kim Sanh, HN Nguyễn Ngọc Chanh (Nguyễn Ngọc Lòn), Thân hữu Trần Đăng Mạnh (Hiệu trưởng trường tiểu học Hàm Nghi tại Đà Nẵng) băng hầm vượt đèo ra đến thị trấn Cầu Hai, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế vào lúc 17h00. Chúng tôi gọi điện cho HN Võ Hữu Thuận (Niên khóa 73-74) đang sinh sống tại Cầu Hai. HN Thuận đón chúng tôi, bố trí phòng nghỉ ở khách sạn. Mọi thủ tục cá nhân xong, chúng tôi cùng HN Thuận đi giao lưu những món đặc sản của Cầu Hai. Chúng tôi chia tay và cám ơn HN Thuận, HN Thuận phải về nghỉ sớm để sáng mai đi làm công tác phát thanh suốt cả ngày chúa nhật trên huyện. Chúng tôi về khách sạn nghỉ ngơi, xem worldcup nhưng sáng mai vẫn dậy sớm.
 

HN Hoàng Tiến Hùng với Khách sạn Morin
HN Hoàng Tiến Hùng với Khách sạn Morin

Chúa nhật ngày 29-6-2014, 6h sáng chúng tôi đã thức dậy đi điểm tâm café vì nghe nói lên Bạch Mã sớm mới thấy được những vẻ đẹp huyền bí của nó. 7h15 chúng tôi đã đánh xe vào Trung tâm du khách nằm dưới chân núi Bạch Mã, cách Quốc lộ 1A 3km.
 
Đến Trung tâm du khách, chúng tôi gởi xe con tại bãi đậu, vào mua vé (40.000 đồng/ người) cộng thêm một chuyến xe chuyên nghiệp lên xuống đỉnh núi 900.000 đồng/chuyến (số lượng người từ 1 đến 13 khách). Du khách đến Bạch Mã quá thưa thớt nên bốn anh em chúng tôi phải thuê nguyên một chuyến.
 
Chiếc xe 16 chỗ hì hục đưa chúng tôi lên những con dốc uốn lượn ngoằn ngèo, quanh co bám theo sườn núi và cứ mãi tiến lên. Đường lên đỉnh núi dài 16km toàn dốc nghiêng 200 , 300 có đoạn dốc Phượng Hoàng nghiêng khoảng 450. Chiếc xe vẫn miệt mài bò lên, lên mãi không tìm đâu ra một đoạn đường phẳng hay con dốc là là cho xe hít thở không khí ban mai. Với đường dốc này, đi xe nhà thì đau lắm, tài xế không quen đường lại càng nguy hiểm cho xe lẫn người. Đi rồi mới thấy, quyết định thuê xe chuyên nghiệp hoàn toàn đúng và được an tâm thưởng ngoạn hết những cảnh núi rừng nguyên sinh của Bạch Mã. Tài xế ở đây gần như là họ thuộc hết những con dốc, khúc quanh, cầu cống, rảnh nước nơi những con suối băng qua đường dốc. Bác tài lái xe rất tự tin và còn cung cấp cho chúng tôi về những thắng cảnh. Chúng tôi vừa ngắm nhìn trời nước rừng núi bao la vừa nghe bác giới thiệu.
 

HN Hoàng Kim Sanh và Trần Đăng Mạnh trước Bạch Vân Tự
HN Hoàng Kim Sanh và Trần Đăng Mạnh trước Bạch Vân Tự

Vườn Quốc Gia Bạch mã được kỹ sư trưởng ngành cầu đường, người Pháp, M. Girard phát hiện vào ngày 28-7-1932. Đến năm 1942 khu nghỉ mát ở lưng chừng núi được xây dựng hoàn chỉnh với quần thể 139 biệt thự, có 2 khách sạn Morin và Bany, nhà hàng tạp hóa Chaffanjon, 1 đường ô-tô nhỏ dài 19km nối từ quốc lộ 1A đến khách sạn Morin (có độ cao 1.300m so với mặt biển). Trên đường này có những con đường mòn dẫn đến các biệt thự, các cảnh quang thiên nhiên như Hải Vọng Đài, công viên Rừng, công viên Đá Hát, trại huấn luyện hướng đạo Đông Dương, các suối thác Hoàng Yến, thác Bạc, thác Ngũ Hồ, thác Đỗ Quyên,…
Ngày 15-7-1991, Chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng (nay là Thủ Tướng Chính Phủ) ban hành quyết định số 214/CT phê duyệt thành lập Vườn Quốc Gia Bạch Mã trực thuộc Bộ Lâm nghiệp với diện tích 22.031ha. Ngày 2-1-2008 Thủ Tướng Chính Phủ có quyết định số 01/QĐ-TTg điều chỉnh mở rộng Vườn Quốc Gia Bạch Mã tổng diện tích 37.487ha gồm 34.380ha thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế và 3.107ha thuộc tỉnh Quảng Nam.
Ngày nay Vườn Quốc Gia Bạch Mã vẫn còn các mảnh tường đổ nát được xây bằng đá Granit dọc theo các tuyến đường mòn, dấu tích một thời vàng son và nổi tiếng của Bạch Mã như một Sapa, Tam Đảo, Đà Lạt của Miền Trung.
Hiện nay Trung Tâm Dịch Vụ - Du Lịch Sinh Thái và Giáo Dục Môi Trường đã cho sửa chữa một số khách sạn như Đỗ Quyên, Sao La, … để đón du khách tham quan nghỉ mát tại Vườn Quốc Gia Bạch Mã.
Bạch Mã là rừng cây nguyên sơ với nhiều loại quý hiếm như Chò đen to đến 2,3 người ôm, những cây Dương xỉ cao 3 hay 4 mét trông như Tuế nguyệt chen chúc giữa rừng già. Xe đưa chúng tôi đi ngang qua các cánh rừng, thác Trĩ Sao, biệt thự Đỗ Quyên nằm ở cây số 16, qua biệt thự Sao La, chùa Bạch Vân Tự (có tượng phật đá quý rất to), bãi cắm trại , biệt thự Cẩm Tú, biệt thự Phong Lan, Bưu điện, khách sạn Morin-Bạch Mã và đến bãi đỗ xe ở cây số 19. Xe thả chúng tôi xuống, tự đi bộ theo đường mòn ngang qua đường hầm đào đổ bộ lên đánh phi trường, qua sân bay và cuối cùng đến Hải Vọng Đài ở độ cao 1.418m so với mực nước biển. Hải Vọng Đài có nhà lục giác, phía trên là đài quan sát, tấm bia đá và tháp chuông. Tôi và anh Mạnh đánh một hồi chuông báo hiệu anh em cựu học sinh Hàm Nghi Huế đã đến Hải Vọng Đài-Bạch Mã. Từ đây nhìn ra biển, chúng tôi thấy đập Truồi, Quốc lộ 1A, đầm Cầu Hai, chợ Cầu Hai, …. Nhìn về phía tây chỉ thấy núi rừng trùng trùng điệp điệp sang đến nước bạn Lào. Chúng tôi nghỉ chân, vừa ngắm cảnh vừa ăn bánh mì và uống bia (tự mang theo). Đang thưởng ngoạn cảnh trời non nước nhìn về cố đô, bỗng một đám mây nhè nhẹ mơ màng phủ lấy chúng tôi, không khí trong lành se se lạnh, mát đến tận đáy lòng, tôi hít một hơi thật dài, thật sâu như muốn mang hết hương vị núi rừng Bạch Mã vào tận con tim để yêu mến và thương nhớ cố đô nhiều hơn nữa. Đất nước ta thật hùng vĩ, xinh đẹp bao la vô cùng. Chúng tôi mỗi người mỗi góc ngắm nhìn non nước, lắng nghe chim hót, voọt gọi, hoa mời, bướm lượn trong khung cảnh thiên nhiên hữu tình đầy thi vị.
 
Chúng tôi tiếp tục thả hồn, đi bộ trở về đường mòn, xuyên qua những rừng cây khóm lá núi đồi Bạch Mã. Bốn anh em cứ thả bộ chuyện trò cười đùa thư giản không hề biết mệt. Trên đường xuống, chúng tôi đi sâu vào từng khách sạn, từng biệt thự, xem cấu trúc, bố trí công năng xây dựng của người Pháp. Khuôn viên khách sạn nào cũng có nơi lửa trại, nơi ngắm nhìn mây trời, non nước, vực thẳm bao la, nơi nào có sườn đồi thẳng đứng không thấy đáy vực thì đã có bảng hiệu đầu lâu 2 xương chéo treo sẵn. Chúng tôi lên Bạch Vân Tự với những bậc cấp rất dốc, uốn lượn gấp khúc để nhìn thấy ngôi chùa đang sơ khai chuẩn bị xây dựng, chúng tôi leo lên chồi Canh, vọng gác của kiểm lâm, xuống những con dốc gần như thẳng đứng phải bám thật chặt vào dây cáp lang cang để tìm thác Đỗ Quyên. Nhưng xuống mãi vẫn chưa thấy thác, xa quá, sức khỏe có hạn, chúng tôi đành phải đi lên ngồi nghỉ tại biệt thự Đỗ Quyên nghĩa là bốn anh em đã trèo đèo lội suối vào khoảng 9, 10 cây số rồi, và thời gian đi bộ đã hơn 4 tiếng đồng hồ, thắm mệt, chúng tôi gọi xe lên đón về.
 
Về đến Trung Tâm, chúng tôi lái xe qua thác Trượt Thủy Điện, cách Trung Tâm 1km về hướng nam. Lúc này đã 12h trưa, chúng tôi ngồi đây vừa lai rai vừa ăn trưa vừa rửa mắt nhìn nước chảy trong mát mà giá rất rẻ. Hôm nay, ngày Chúa nhật bà con, bạn bè, gia đình từng nhóm từ Huế về vui chơi tắm suối rất đông. Các cô gái, bà mẹ trẻ, trẻ em thi đua nhau trượt trên phiến đá rộng có nước chảy tràn qua thật thú vị. Các ông, các chú, các thanh niên quay cuồng nâng lên hạ xuống nói đùa rất vui vẻ. Thác Trượt Thủy Điện không thua gì suối Voi, còn được cái là gần Huế hơn (Bạch Mã cách thành phố Huế 40km). Ăn trưa xong, chúng tôi về trả phòng và thẳng tiến vào Đà Nẵng.
 
Xe lên đèo Phước Tượng băng qua Nước Ngọt đến Thừa Lưu, chúng tôi rẻ về biển Cảnh Dương. Lúc này trời đổ mưa rất to như chúc mừng hai trong số bốn anh em chúng tôi lần đầu tiên đi chơi, xa nhà qua đêm. Trong quán Hòa Bình dưới cơn mưa, chúng tôi vẫn nhìn thấy cái đẹp êm đềm của biển Cảnh Dương. Mưa càng lớn, nhân dân Cảnh Dương càng ào xuống biển tắm, nhảy múa trong bể nước ấm áp trời ban tặng. Dĩa ghẹ nóng hổi, thịt chắc từng múi, vừa được mang ra, chúng tôi say sưa thưởng thức và ngắm mưa. Có người lo gọi về hỏi Đà Nẵng có mưa không, có người được cháu nội điện hỏi ông đã về chưa và đến đâu rồi. Trời mưa giảm hạt, chúng tôi ra xe chạy về cảng Chân Mây vòng thẳng vào Lăng Cô, không qua đèo Phú Gia. Về đến Đà Nẵng lại thấy đói bụng, bốn anh em phải ăn mì quảng cá lóc rất ngon tại quán Mai Phương ở gần cầu Phú Lộc Đà Nẵng.
 
Trời đã hết mưa, tôi lái xe vòng biên thành phố Đà Nẵng đưa từng người một về đến tận nhà. Chuyến đi thật thú vị, cả bốn anh em cựu học sinh Hàm Nghi Huế tại Đà Nẵng hẹn nhau mùa hè sang năm phải mời thêm được một số cựu học sinh Hàm Nghi Huế cùng tham gia.
HN Hoàng Tiến Hùng, đt 0905202216


: : TIN ĐÃ ĐƯA : :

LIÊN KẾT