Trước hết, tôi cảm thấy rất buồn khi vô tình đọc trên báo Thanh Niên một kết quả thống kê của PGS. Vũ Trọng Rỹ, Viện Khoa học giáo dục: “số GV không còn muốn làm nghề giáo ở cấp tiểu học là 40,9%, THCS là 59%, và THPT là 52,4%”. Thế là có ít nhất một nửa giáo viên hiện nay không muốn làm nghề dạy học còn gì. Kết quả làm tôi buồn mãi...
Tôi nghĩ đã làm nghề dạy học mà không chọn được người tài thì làm sao chúng ta cứ lớn tiếng đòi hỏi chất lượng giáo dục nước nhà? Làm sao chúng ta đào tạo được những con người sẽ đương đầu và gánh vác tương lai của đất nước trong thế kỷ này? Và làm sao chúng ta đòi hỏi ngành giáo dục quá nhiều! Nghĩ thế …tôi càng buồn thêm vì ngoài đường chiều nay tôi về vẫn nghe tiếng chửi rủa, nói tục, vẫn lời thách thức, vẫn lao xe như bay của đám thanh niên - có lẽ không được giáo dục của gia đình và đặc biệt là của những người thầy có tài-có tâm-có tầm như ông giáo làng ngày ấy tôi theo học.
Nhiều người thường than vãn bọn trẻ bây giờ thường sa đà vào các tệ nạn, hỗn láo với thầy cô, bất chấp pháp luật, ngang nhiên và ngạo mạn... Tôi chợt nghĩ có phải bây giờ trường học đã quá thân thiện, cho nên học sinh không chịu học bài, làm bài, không còn sợ thầy toát mồ hôi khi mỗi giờ kiểm tra bài cũ đến như thời chúng tôi ngày xưa nữa? Rồi các thầy cô đâm ra chán nản, nhụt chí chăng? Không đâu! Tôi biết chắc đó chỉ là một lý do nhỏ trong cả ngàn câu hỏi mà có lẽ đội ngũ giáo viên muốn gửi gắm cho ngành giáo dục. Và xã hội chúng ta sẽ đi về đâu khi người thầy đã không còn say mê với nghề, cái tâm đã nhạt dần, cái tài cũng ngày càng như lá mùa thu, thì làm gì hi vọng vào cái tầm nữa phải không? Tôi cũng không biết có phải tất cả là do đồng lương quá thấp không? Vì tôi thấy ai cũng kêu như vậy! Nếu chỉ vì đồng lương quá thấp mà chúng ta không mặn mà với nghề, không yêu được nghề, hàng năm không tuyển được sinh viên giỏi vào trường Sư phạm. Thì đó là câu hỏi cần được nhìn nhận rốt ráo và nghiêm túc. Thêm vào đó, mỗi năm chúng ta lại có hàng nghìn thầy cô có tâm huyết đến tuổi về hưu, thì chất lượng giáo dục của nước ta thật sự đáng phải lo ngại thêm nhiều nữa.
Khi tôi viết bài này, đêm cũng đã muộn vì vừa hoàn thành xong giáo án để ngày mai lên lớp với các em. Tôi cảm thấy nghề dạy học thật sự vất vả nhưng cũng vinh dự mà không phải ai cũng có được điều này. Đó là một nghề đặc biệt, nói như một đồng nghiệp của tôi ở trường Hàm Nghi: “Dạy học là một môn nghệ thuật mà ở đó người thầy là người nghệ sĩ tài ba” và tôi lại nhớ mãi câu nói của một triết gia mà tôi đọc đâu đó nghề dạy học: làm người thầy giáo mà không có tâm thì nghề nghiệp sẽ trở thành khổ ải. Và vì thế, dù mới tròn hai tuổi nghề, tôi vẫn luôn cảm thấy thích cái ánh mắt xanh như ngọc của các em học sinh nhìn tôi khi bài giảng vang lên. Tôi thích cái cảm giác ấy và tôi cảm thấy hạnh phúc …. cho nên tôi thích nghề dạy học. Thế thôi!