Như Thanh Niên đã thông tin, sau khi một hướng dẫn viên du lịch phát hiện chum cổ trong động Phong Nha, Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đã báo cáo lên cơ quan chức năng và đoàn cán bộ chuyên ngành của tỉnh Quảng Bình đã đến khảo sát.
Nhận định ban đầu
Trao đổi với PV Thanh Niên, Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình Trần Anh Tuấn cho biết: “Khi đoàn tiếp cận khu vực có chum và khảo sát ban đầu thì phát hiện đó là cái vò đựng, cũng không phải thạch nhũ chảy xuống bịt kín miệng vò mà là bùn đất”. Nguyên do, về mùa mưa, nước lũ trong động Phong Nha dâng cao, năm này qua năm khác đã lắng bùn nhiều.
Đoàn khảo sát đã tiến hành bốc dỡ toàn bộ lớp bùn đất bên trong vò, lau chùi vệ sinh bên ngoài nhưng không phát hiện bất cứ một hiện vật nào khác trong vò. Ông Tuấn cho biết thêm, vò đựng có hai đường gờ, làm bằng gốm sành, bên ngoài không có men mà có lớp áo gốm, không phải gốm cao cấp, chỉ là đồ dùng sinh hoạt của người dân bình thường. Vò được làm bằng tay và bàn xoay, là loại gốm của người Việt, dụng cụ được sử dụng phổ biến vào thế kỷ 16-17 trở về trước chứ không liên quan đến gốm của người Chăm hoặc nền văn hóa Sa Huỳnh. Theo nhận định ban đầu của đoàn khảo sát, có nhiều lý do để cái vò hiện diện ở đó, như bị nước lũ cuốn trôi rồi mắc kẹt vào ngách đá, là nơi người dân cất giấu của cải trong chiến tranh hoặc là đồ dùng sinh hoạt dưới nhiều hình thức khi vào đánh bắt cá trong hang động…
Ông Tuấn khẳng định: “Đó là đồ cổ và trong đó không có gì, chúng tôi đã nói rõ với Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng để thông báo cho du khách cũng như dân địa phương biết để khỏi xâm phạm làm hư hỏng hiện vật”.
Tuy nhiên, khu vực phát hiện cái vò gần với hang Bi Ký. Trong động Phong Nha có nhiều ký tự, chữ người Chăm, nhiều nhất là ở hang Bi Ký. Khoảng những năm 1920 -1930, người Pháp vào khám phá đã phát hiện nền móng bằng phẳng và bàn thờ người Chăm trước cửa hang Bi Ký. Ở khu vực ngoài cửa động Phong Nha cũng có bàn thờ nhỏ của người Chăm, ở đó có tượng, tuy nhiên sau bị đổ xuống sông Son. Người Pháp cũng có dự tính xây dựng nhà nghỉ, khu vực nuôi dê núi phục vụ khách ở thôn Phong Nha.
Khi biết thông tin phát hiện ra vò gốm cho đến khi đoàn vào khảo sát cái vò, người dân địa phương xì xào: “Họ vào tìm vàng của vua Hàm Nghi”.
Chiếc chum cổ trong động Phong Nha - Ảnh BTTH Quảng Bình cung cấp
|
Giai thoại về kho báu
Vua Hàm Nghi tên thật là Ưng Lịch, công tử thứ 5 của Kiên Thái Vương Hồng Cai, sinh ngày 17.6 năm Tân Mùi (1871), là em cùng cha khác mẹ của hai vua Đồng Khánh và Kiến Phước, được hai quyền thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường lập lên làm vua ngày 12.6 năm Giáp Thân (1884) lúc mới 13 tuổi.
Sau thất bại trong việc tấn công quân Pháp ở trấn Bình Đài, ngày 23.5 Ất Dậu (1885) kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi được Tôn Thất Thuyết hộ tống cùng các quần thần thân tín xuất bôn, xuống chiếu Cần Vương, đạo ngự đến Tân Sở (Quảng Trị), sau đó ra Hương Khê (Hà Tĩnh). Lúc đó ở Hà Tĩnh đang nổ ra khởi nghĩa Phan Đình Phùng, quân Pháp truy đuổi quân nghĩa quân nên vua tôi lui vào Quảng Bình, chọn Minh Hóa làm căn cứ địa.
Ngày 14.11.1888, Trương Quang Ngọc làm phản, ám sát con trai của Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Thiệp - cận vệ nhà vua, giao vua cho Pháp, thế là sau 3 năm 4 tháng, cuộc xuất bôn chống Pháp của vua đã bị thất bại, nhưng chiếu Cần Vương và ý chí của vua Hàm Nghi đã khơi dậy tinh thần yêu nước và quyết tâm chống Pháp của nhân dân cả nước. Ngày 26.11.1888, vua bị đày sang Alger và mất tại đó năm 1913.
Theo tài liệu mô tả thì vua Hàm Nghi khi đến tổng Thanh Lạng (Quảng Bình), bô lão và chức sắc trong vùng đến yết kiến. Lúc đó vua mặc áo vàng, ngồi trên kiệu có 4 người khiêng và 4 cận vệ luôn bên cạnh. Cùng đi còn có Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn (Đề Soạn). Đoàn hộ tống khiêng 50 thùng lớn cùng nhiều thứ chở trên 5 voi, 3 ngựa (mà sau này nhiều người đoán trong đó chứa các vật quý), có 100 lính gươm súng đi kèm. Thoạt đầu, vua ở nhà ông Đinh Hiền, sau đó đến Khe Ve (cách thị trấn Quy Đạt của huyện Minh Hóa ngày nay 5 km) ở tại nhà ông Đinh Xớn. Tại Khe Ve, quân sĩ xây thành đắp lũy để kháng Pháp. Những dấu tích như đồn Thác Dài, hang Quan Tán, hang Vua... hiện vẫn còn.
Nhiều tư liệu ghi lại rằng, những năm 60 của thế kỷ 20, một người đi rừng ở Dân Hóa (Minh Hóa) phát hiện ra hai đống kim loại màu vàng nằm cách nhau một chiếc đòn gánh (người ta bảo do người gánh bị chết), ông lấy về lát hiên nhà thay cho gạch, sau mới biết đó là vàng. Ít lâu sau, mưa lũ làm bật gốc một cây cổ thụ để lộ rất nhiều vàng. Được tin, Ty Văn hóa Quảng Bình cho người lên thu lại. Tất cả các tư liệu này đều ghi qua lời kể mà chưa có cơ quan nào xác nhận hoặc có ý kiến phản hồi. Tuy vậy, suốt hơn trăm năm qua, đã có không ít người nung nấu ý đồ khám phá kho báu trong lòng đất Minh Hóa. Điều đáng nói là, cũng như các giai thoại, câu chuyện tìm kho báu của vua Hàm Nghi thỉnh thoảng lại rộ lên với những phát hiện mới khiến nhiều người rất kỳ vọng. Có người còn bỏ công sức, sưu tầm tài liệu để vẽ một bản đồ về cuộc hành trình của vua Hàm Nghi rồi đi đến kết luận: có một kho báu đang nằm trong lòng đất Minh Hóa (!?).
Mất tiền mở lại cửa động
Những năm 1990 -1991, có một “đơn vị đặc biệt” vào đào bới trong lòng sông Son đoạn trước cửa động Phong Nha, người ta nói đơn vị này cũng tìm vàng. Bấy giờ, chúng tôi có hỏi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Sự, ông Sự xác nhận có đơn vị này tìm kiếm gì đó nhưng không cho tỉnh tham gia. Kết quả không biết thế nào, chỉ biết một cột thạch nhũ đẹp nhất đã bị sụp xuống lấp cửa động. UBND tỉnh đã phải chi gần 150 triệu đồng (lúc đó tương đương 75 cây vàng) cho Công ty xây dựng thủy lợi tỉnh để chẻ cột thạch nhũ, giải phóng cửa động. |