DOANH NHÂN GIÀU PHẢI SANG
ĐĂNG BÌNH
“Nhiều người cứ nghĩ mình đeo hột xoàn đi xe xịn là giàu sang nhưng không phải. Cái sang ở đây là anh có quan tâm đến mọi người hay không? Anh có biết kính cha thờ mẹ hay không? Anh có làm được nhiều điều mà xã hội trân trọng hay không? Đó mới là sang”, doanh nhân Lê Xuân Hoàng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nam Trân Hân, Chủ tịch HĐQT Phòng khám Đa khoa Sài Gòn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Huế tại TPHCM mở đầu câu chuyện với chúng tôi về quan niệm giàu sang của giới doanh nhân.
Đem y tế kỹ thuật cao về với dân nghèo
Doanh nhân Lê Xuân Hoàng đi lên từ hai bàn tay trắng. Từ Huế vô Sài Gòn lập nghiệp, ông đã từng bồng bế vợ con ăn nhờ ở đậu ở nhà người thân ở cầu Thị Nghè nhưng trời thương cộng với việc chịu khó làm ăn, ông đã thành công ở chợ vải Soái Kình Lâm. Khi thành đạt, ông muốn làm một việc kinh doanh nhưng để đời nên chọn khu vực kinh tế mới Phạm Văn Hai để đầu tư phòng khám. Quyết định này khiến bạn bè nghĩ ông bị khùng!.
“Những năm 2003-2004 ở đó còn heo hút, người dân rất khổ. Tôi đã từng chứng kiến mỗi khi có bệnh nhân cấp cứu thì được hai người gánh trên võng ngồi trên xe lam chạy về Bệnh viện Chợ Rẫy mất khoảng 1 giờ 40 phút vì xe lam không thể chạy nhanh và đường sá rất xấu. Thấy cảnh đó nên tôi đã quyết tâm làm Phòng khám Đa khoa Sài Gòn nhằm đáp ứng nhu cầu khám và chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là cộng đồng dân cư nghèo, lực lượng công nhân làm việc trong các khu công nghiệp như Đức Hòa, Vĩnh Lộc, Lê Minh Xuân, Ponchen với hơn 500.000 người tập trung ở phía tây TP HCM và tỉnh Long An như Bình Chánh, Bình Tân, Bến Lức, Đức Hoà, Đức Huệ...”, ông Hoàng kể.
Cái sự “khùng” của ông Hoàng đã góp phần giảm bớt sự quá tải của các bệnh viện tuyến trên và để đảm bảo vấn đề cấp cứu khám chữa bệnh tại chỗ cho công nhân và dân nghèo tại khu vực.
Hiện nay, Phòng khám đa khoa Sài Gòn là một trong những phòng khám lớn của nước Việt Nam với trang thiết bị hiện đại như: Máy MSCT (CT đa lớp cắt), máy X-Quang kỹ thuật số, máy Siêu âm tim và mạch máu, máy Siêu âm 3D-4D, Máy huyết học tự động 30 thông số, Máy sinh hóa tự động HITACHI, …. “Đem y tế kỹ thuật cao về với dân nghèo”- đó là tâm nguyện của ông Lê Xuân Hoàng.
Song song với đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao thì phòng khám cũng đã nâng cao thái độ phục vụ bệnh nhân với phương châm “Lương y như từ mẫu”. Vì thế số lượng lượt người đến khám chữa bệnh tại đây ngày càng tăng. Phòng khám có đội ngũ tiến sĩ bác sĩ thầy thuốc ưu tú nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành y. Họ trân trọng hình ảnh của họ đối với xã hội nên mong muốn xây dựng trung tâm y tế tốt nhất.
“Ở đây nếu anh làm việc không tốt, bệnh nhân quay lưng với anh thì chúng tôi cho anh nghỉ việc vì chúng tôi không có tiền trả cho anh. Tiền của anh nhận đó là tiền của bệnh nhân, cho nên bắt buộc anh phải đối xử tốt với bệnh nhân”, ông Hoàng nói.
Với số lượng bệnh nhân đăng ký khám lên đến 80.000 người, chưa kể dịch vụ, tức người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế, Phòng khám đa khoa Sài Gòn (địa chỉ 3A35 xã Phạm Văn Hai, Bình Chánh, Tp.HCM) đã được đi báo cáo điển hình của thành phố.
Những việc làm hữu ích
Tối thư tư hàng tuần, doanh nhân Lê Xuân Hoàng xuất hiện trên Chương trình “Người phụ nữ thời đại” của HTV7 để tư vấn về hôn nhân gia đình và giáo dục con cái. Trong đó ông nói nhiều nhất là câu chuyện xã hội ngày càng phát triển, rất nhiều người trở nên giàu có nhưng họ giàu mà không sang. Vấn đề ông đề cập đang là vấn đề thời sự khi mà nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận mà sản xuất kinh doanh bất chấp sự tổn hại cho cộng đồng, như Vedan, Thái Tuấn, Sonadezi, v.v..
“Tôi kiếm 10 đồng thì chia sẻ 5 đồng đối với cộng đồng. Đó là điều mà tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi nhận thức rằng khi chết đi rồi thì hột nút áo cũng không mang theo được nên mình làm cái gì để đời là cảm thấy sung sướng hạnh phúc rồi”, ông Hoàng chia sẻ.
Với quan niệm “giàu phải sang” nên ngoài việc lập phòng khám để phục vụ cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, ông Lê Xuân Hoàng còn có nhiều việc làm hữu ích hướng đến cộng đồng.
Nhằm tôn vinh những đóng góp của các tướng lĩnh cao tuổi đã nghỉ hưu của Bộ Quốc phòng và những người có công lớn đối với đất nước hiện đang khó khăn trong việc đi lại, từ năm 2005, Phòng khám đa khoa Sài Gòn đã tổ chức chương trình trao tặng xe lăn điện cho họ, để vòng quay của những chiếc xe lăn điện, giúp họ tiếp tục lăn bánh trong đời sống xã hội đang ngày một phát triển và là nguồn động viên họ sống vui, sống khỏe, góp phần giúp lớp trẻ được học tập tính nhân văn, nhân bản đầy sức lan tỏa của họ.
Với tư cách là Trưởng Ban tổ chức, ông Lê Xuân Hoàng cho biết đây là giá trị truyền thống mà thế hệ trẻ cần phải nâng niu gìn giữ để đất nước có thêm nhiều gương sáng tiếp nối những điều đó và đất nước mình sẽ mở ra một trang đời mới lấp lánh những niềm vui.
Tổng cộng có 47 vị đã nhận được xe lăn điện của Phòng khám, trị giá mỗi chiếc từ 5.000 USD trở lên, trong đó có đại tướng Võ Nguyên Giáp, thượng tướng Trần Sâm, trung tướng Nguyễn Đôn, trung tướng Nguyễn Văn Cốc, giáo sư Trần Văn Khê, ….
Bên cạnh các hoạt động “uống nước nhớ nguồn” nói trên, ông Lê Hoàng Hoàng còn thành lập quỹ “Lê Xuân Hoàng- tiếp bước đến trường” để tài trợ cho Đại học Huế và các trường phổ thông trong tỉnh Thừa Thiên - Huế, 9 trường ở tỉnh Long An và các trường xung quanh phòng khám gồm Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai, Bình Lợi. Ông Lê Xuân Hoàng cho biết nguồn tạo ra quỹ này chính là của phòng khám, phụ thì có thêm doanh nhân Huỳnh Nghĩa (Chủ tịch HĐQT Công ty phân bón hóa sinh- Bộ Quốc phòng), doanh nhân Phạm Thanh Hà (Phó Tổng giám đốc Khách sạn Caravell), doanh nhân Đặng Quang Hạnh (Phó chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo), doanh nhân Trương Thị Nỡ, một số cơ quan đoàn thể khác…
Tổng cộng có trên 5 tỷ đồng của quỹ này đã được đưa vào sử dụng với mục đích tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống trong sinh viên - học sinh, đề cao đạo lý "uống nước nhớ nguồn", tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức về truyền thống vẻ vang và anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần hình thành nhân cách, đạo đức và lối sống cho những chủ nhân tương lai của đất nước; góp phần chia sẻ, giúp đỡ cho sinh viên - học sinh vượt qua những khó khăn trong sinh hoạt, trong cuộc sống để vươn lên trong học tập.
Tấm gương
Là người con của Huế xa quê đã lâu năm, trên bước đường sự nghiệp của mình, ông Lê Xuân Hoàng đã trải qua nhiều gian khổ và đã tự vươn lên bằng ý chí và nghị lực của mình. Những thành công trong cuộc đời cũng như những việc làm cao cả của anh xứng đáng là một tấm gương cho sinh viên học tập và noi theo để phấn đấu học tập - rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp.