HNH trên YouTube

HNH trên Picasa

Số tài  khoản BLL HNH

KỶ YẾU
ĐỒNG KHÁNH NGÀY XƯA…Lê Quang Kết.
Cập nhật: 9h27' 14/04/2009 (GMT+7)

ĐỒNG KHÁNH NGÀY XƯA…

                                               Lê Quang Kết

Nhiều người Huế ngày trước thuờng ngâm nga câu hát: “ Cô gái nữ sinh Đồng Khánh kia ơi / Cô đi về đâu tan buổi học rồi? / Cô xuôi Đập Đá hay về Nam Giao / Cô về Bến Ngự hay về Đông Ba / Cô về Vĩ Dạ hay ngược Kim Luông / … Tôi mơ một bóng khi về đơn côi / Áo dài dáng đẹp tóc còn buông lơi / Ghi một kỷ niệm cuộc đời trong tôi”. Nhạc sĩ Thu Hồ ngày đó có lẽ yêu một nàng Đồng Khánh da diết mới viết ra những dòng lãng mạn và yêu thương đến thế! Đồng Khánh ngày xưa…Ôi chao! đẹp lắm, hay lắm, lạ lắm, thơ mộng lắm, tuyệt vời lắm…Đồng Khánh ngày xưa…đã níu chân biết bao lãng tử - biết bao chàng trai hào hoa, lịch lãm trong Nam ngoài Bắc.

Trường ra đời từ năm 1917- mang tên một ông vua triều Nguyễn mệnh yểu Đồng Khánh (1885-1888)- chỉ trị vì có ba năm thì mất. Thầy Tôn Thất Bình nói với dân Văn khoa chuyện cũ cung đình: Vua  Đồng Khánh hay chú ý ngoại diện, thường chăm sóc trang điểm -có tới năm cung nữ chải chuốt bộ móng tay, thay quần áo, thoa dầu thơm, vấn khăn lụa…Có phải vì thế mà tên trường được đặt là Đồng Khánh? Đúng thế không biết! Sau này người ta bảo ông vua nhu nhược- chấp nhận sự đô hộ của người Pháp, phải đổi tên trường - có lúc là Trưng Trắc và giờ đây tên gọi là Hai Bà Trưng. Cách đây hai năm Đồng Khánh tròn chín mươi năm - một chặng dài của bao biến động lịch sử - một khoảng lặng của bao tâm hồn thiếu nữ khi nhớ về trường xưa tình cũ. Chị họ tôi - năm nay đã ngoài 70, học Đồng Khánh từ thuở thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Mắt chị đã mờ - vậy mà ngày nào cũng giở tập lưu bút, mân mê chiếc áo dài trắng cũ sờn vai và tập bưu ảnh nhập nhòa của một thời nữ sinh nhiều mơ mộng. Giọng từ tốn chậm rãi như các mệ trong tam cung lục viện xưa - chị đăm đăm nhìn phía xa xăm : “ Nữ sinh giờ chán lắm, không bằng chút cheo tụi tao Đồng Khánh Huế ngày xưa…”. Rồi chị thâm trầm: “Thầy dạy văn năm đệ nhị đã gieo vào lòng tình yêu văn chương cho chị và cả gia đình - không có thầy chị chẳng biết chi mô… Câu chuyện ngày xưa Trang Tử, cơ nghiệp thiêu rồi ngồi gõ khúc bồn ca…hay là một Thánh thi Cao Bá Quát khinh thế ngạo mạn - một Bà Huyện Thanh Quan quý tộc, đài các - một Hồng Hà nữ sĩ với bản dịch Chinh phụ ngâm tuyệt tác- ai đọc rồi chẳng cần cất công đi tìm nguyên tác…Hiệu trưởng trường Đồng Khánh ngày ấy - cô Thân Thị Giáng Châu- đối với chị là một phụ nữ tuyệt vời- thần tượng cho cả thế hệ chị và lớp lớp phụ nữ thời ấy…”

Tôi học Hàm Nghi - vốn là trường Quốc Tử Giám trong Thành Nội. Ngày đó nam nữ học riêng. Chỉ có một số trường sau này như: Kiểu Mẫu, Gia Hội và các trường tư mới có chuyện nam nữ chung lớp. Ai trong lứa chúng tôi cũng mơ được làm quen với một nàng Đồng Khánh- coi đó là  niềm hãnh diện, tự hào để khoe với bạn bè khi cao hứng. Điều này quả là chuyện khó, mấy nàng Đồng Khánh lạnh như băng – thâm trầm như biển sâu - nói như anh Mường Mán: “ Tội tui lắm! cách cho vài bước / Đừng đi gần hai đứa sóng đôi / Xa xa cho kẻo bạn tui cười / Mai vô lớp cả trường dị nghị…”. Xứ Huế lưới trời lồng lộng, yêu lắm cũng chỉ để trong lòng - không dám mô - họa chăng chỉ là lá thư vụng về và bài thơ viết dở. Có chị Vĩnh Liêm- Đồng Khánh (1957-1964) qua đò Thừa Phủ hai buổi đi về. Chuyện rằng: Có chàng Quốc Học “bốn mắt” để ý chị từ lâu nhưng chẳng dám ngõ lời. Có hôm vừa tới bến - đò đã chống sào, chàng chỉ chờ đợi có thế để đưa tay cho chị bắt, chỉ việc nhảy xuống đò là có thể  kịp buổi học. Nhưng không “nam nữ thọ thọ bất thân” nên đành ngậm ngùi, bất lực  trông theo con đò rời bến- đành chấp nhận trễ buổi học và tất nhiên là hôm đó chị bị phạt cấm túc tới mấy buổi. Sau này chị Liêm bảo: “Sau bao thăng trầm bể dâu nếm đủ mùi vị ngọt bùi cay đắng của cuộc đời, nhớ về kỷ niệm xưa, tui tự trách mình sao quá vô tình trước một tấm lòng. Những lúc buồn tui để hồn bồng bềnh trôi theo dòng Hương giang, ghé lại bến bờ cũ. Ký ức bỗng hiện lên hình ảnh một nữ sinh áo trắng tóc thề đội nón bài thơ có quai ruy băng tím và anh chàng thi sĩ bốn mắt  đang đưa tay ra chực nắm tay cô. Một niềm hạnh phúc nho nhỏ chợt đến, tui mỉm cười và triết lý một mình: Ừ nhỉ, thời gian cũng có hai chiều…”

Bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị của Phạm Thiên Thư được nhiều người thích nhưng lớp nữ sinh Đồng Khánh ngày ấy tâm đắc nhất: “ Em tan trường về / Đường mưa nho nhỏ /  Chim non dấu mỏ / Dưới cội hoa vàng…Anh đi theo hoài / Gót giầy thầm lặng / Đường chiều úa nắng / Mưa nhẹ bâng khuâng…”. Bài thơ chưa kịp phổ nhạc(nhạc sĩ Phạm Duy)đã được chép tay chuyền nhau và nằm ở trang vở đẹp nhất trong cặp sách của các nàng nữ sinh Đồng Khánh. Danh từ riêng Hoàng Thị đã thành danh từ chung cho những cặp đôi học trò đưa nhau về mỗi buổi tan trường nơi xứ Huế mộng mơ… Bữa nớ chàng nào hoàng thị mi rứa? Ngày qua tao thấy mi hoàng thị đó nghe? Chàng và nàng hoàng thị đẹp đôi ghê?Tao méc cho coi- hôm nớ mi và cái anh trắng trắng hiền hiền hoàng thị đó nghe… Không biết chị Ngọ có còn không, giờ đang nơi đâu, nghĩ gì về câu chuyện hoàng thị thuở xưa? Gần đây có người nhận mình là chàng trai đã làm quen với chị những năm Sài Gòn cũ - một Nguyễn Quang Minh nào đó của những năm 1963,1964…Anh Minh ơi! Ngày ấy phải có tới hàng ngàn ngàn chàng trai xứ Huế làm thơ gởi chị Ngọ- mong mình được là Phạm Thiên Thư để được hoàng thị với cô nàng Đồng Khánh trong mơ. Chao ôi, tình yêu tuổi học trò sao mà đẹp thế, hồn nhiên thế, mơ mộng đến thế!?

Mối tình học trò nhiều hoa mộng. Yêu em từ dạo ấy, thuở Đồng Khánh ngày xưa, tình yêu mong manh nhưng trong sáng- đẹp như ánh pha lê. Tan trường, áo dài tung bay trong gió, tập vở ôm nghiêng, mưa Huế lất phất, em dịu dàng nhẹ bước. Có chàng trai lẳng lặng theo sau, từng ngày từng ngày trôi qua, chẳng dám ngỏ lời, chỉ dám tặng em chùm hoa nhỏ. Cô ép vội cành hoa vào trang vở và môi nở nụ cười bâng khuâng…Mùa hạ tới rồi thu sang mang theo nỗi buồn- chàng lên đường nhập ngũ, con đường kỷ niệm xưa nhạt nhòa trong ký ức…Một ngày nào chàng trở lại con đường xưa, lang thang tìm lại dấu chân của ngày tháng cũ nhưng quanh chỉ còn lại những dư âm nghẹn ngào, anh nghe tiếng lòng ngẩn ngơ, nuối tiếc: “ Mười năm rồi Ngọ / tình cờ qua đây / cây xưa vẫn gầy / phơi nghiêng ráng đỏ / áo em ngày nọ / phai nhạt mấy màu?/ chân tìm theo nhau / còn là vang vọng / đời như biển động / xóa dấu ngày qua”. Lời thơ và ca khúc vang lên giai điệu cuối: “Ai mang bụi đỏ đi rồi…”. Thế mà âm vang  trong chàng vẫn còn vọng lại:… Em tan trường về, em tan trường về… Dễ thương lắm, man mác lắm, tha thiết lắm người ơi…

Lục lọi trong thư tịch cổ, một người Pháp sống ở Huế thời bảo hộ đã có một phát ngôn thú vị: “Huế là nơi cái chết mỉm cười, vui tươi thổn thức” ( Le deil sourit, la joie soupire). Đó là nơi thanh thản dạo chơi trên lăng tẩm cung đình triều Nguyễn nếu người lữ khách mệt mỏi lo toan, nhưng lại là điệu buồn ai oán nếu du khách thả hồn theo làn điệu ca Huế trên dòng Hương. Quả là một nhận xét khá độc đáo. Ngược dòng lịch sử, Huế là đất  một chuyện tình - gắn với số phận lênh đênh của nàng công chúa dưới thời Trần- Huyền Trân. Năm 1306, cô ngàn dặm ra đi theo Chiêm vương Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô và Rí. Xin Trịnh Kiểm vào trấn thủ Thuận Hóa, Chúa Nguyễn Hoàng trong lần tuần du trên xứ Hà Khê đã được nữ thần phán bảo: Hãy thắp lên nén nhang xuôi dòng Hương từ Thiên Mụ về, nhang tàn sẽ là đất thiêng nơi dựng đế nghiệp… Dưới triều đại Hoàng đế Quang Trung, Huế lại đón nhận thêm một vị công chúa từ đất Thăng Long thanh lịch của nhà Lê về Phú Xuân làm Bắc cung Hoàng hậu, và cũng nơi này - khúc “ Ai tư vãn” khóc người anh hùng áo vải cờ đào nổi tiếng của bà đã ra đời…Hình như là thế. Đất Huế gắn chặt với huyền thoại và số phận của những phụ nữ tài hoa mệnh bạc. Đến thời hiện đại trước 1975, một huyền thoại mới đầy huyền hoặc thơ mộng lại xuất hiện trên đất Huế- nữ sinh Đồng Khánh. Tan trường áo trắng tung bay, tóc thề trước gió, vành nón nghiêng che trắng cả bến đò Thừa Phủ và Tràng Tiền mười hai nhịp. Tất cả đã làm nên một xứ Huế diệu kỳ.

Ngôi trường mang tên Đồng Khánh đã bất tử trong lòng những ai yêu Huế, hiểu Huế. Đi tới nơi mô những thế hệ Đồng Khánh ngày xưa vẫn mang trong lòng nỗi nhớ khôn nguôi. Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn, Hà Nội, Cần Thơ… và ở nước ngoài : Pháp, Mỹ,  Canada, Anh, Úc… đâu đâu cũng hội hè ái hữu Đồng Khánh- chuyện xưa Đồng Khánh. Nhiều chị nhiều nàng tự nguyện xin được vào hội dù chẳng phải Đồng Khánh ngày xưa…Họ vẫn hồn nhiên nhưng đau đáu về  một thời thiếu nữ thầm lặng mối tình đầu.

Đồng Khánh ngày xưa.. là một thế giới huyễn hoặc của riêng Huế, của cô gái Huế. Tên gọi Đồng Khánh đã không còn, con đò Thừa Phủ đã thuộc về kỷ niệm, những tà áo trắng tinh khôi thuở ấy đã thuộc về dĩ vãng…Tìm đâu bóng dáng những Chiêm nương váy tím cỏ hoa lau lách nguyên sơ với man điệu  buồn. Tìm đâu ngọn nguồn mối tình Khắc Chung- Huyền Trân rỉ máu…Thôi thì … thôi thì…nói như chàng Trịnh -nhạc sĩ của đất Huế đẹp và thơ : Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…

lequangket54@yahoo.com.vn

 

 

 



: : TIN ĐÃ ĐƯA : :

LIÊN KẾT