HNH trên YouTube

HNH trên Picasa

Số tài  khoản BLL HNH

TÁC GIẢ, TÁC PHẨM
"Ra Khơi" Đặc san đầu tiên của học sinh Trường Hàm Nghi
Cập nhật: 8h49' 22/09/2007 (GMT+7)

Năm học 1971 - 1972 để Kỷ niệm 16 năm thành lập trường, được sự chấp thuận của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Duy Khác, Hiệu Đoàn trường và Khối Báo chí mà Trưởng Khối lúc bấy giờ là anh Trần Trọng Đàm, học sinh lớp 12B1 (*), được sự Cố vấn của thầy Nguyễn Văn Diên, giáo sư Việt văn đã thực hiện một tờ đặc san kỷ niệm. Tờ đặc san được đặt tên là RA KHƠI. Đây là đặc san đầu tiên của trường. Thời điểm đó, trường Hàm Nghi ra được tờ báo in là một sự tiến bộ vượt bậc, bởi đây là niên khóa đầu tiên nhà trường có quyết định trở thành trường Tổng hợp ở Huế. Lúc bấy giờ chỉ có hai trường lớn là Đồng Khánh và Quốc Học mới ra báo in và chỉ ra mắt vào những dịp kỷ niệm 50 hay 70 năm thành lập trường mà thôi. Để chuẩn bị cho nội dung tờ báo, từ tháng 10 năm đó, khối Báo chí đã tổ chức thi làm báo cho tất cả học sinh các lớp.Các bài viết được thực hiện dưới hình thức chép tay vào giấy pelure rồi đóng tập, mỗi lớp tham gia một tờ báo.Từ đó các anh trong Khối Báo chí tuyển chọn những bài báo hay, đúng chủ đề để đưa vào đặc san của trường.Hai tháng sau, tờ báo hoàn thành.Đặc san  in với khổ  16x24 và được thầy Đinh Cường vẽ bìa, nội dung là bức tranh vẽ hai bàn tay nâng cao cánh Chim Lạc trên bầu trời xanh. Bài vở của đặc san cũng khá phong phú và đủ thể loại từ tùy bút, truyện ngắn, thơ, phóng sự...Trong đó, ngoài những bài viết của các thầy cô, còn có những bài nổi bật của học sinh như tùy bút " Hàm Nghi mái trường tôi" của Tôn Thất Thọ (11B2)** nói về lịch sử truyền thống của ngôi trường được mang tên của một vị hoàng đế đã từ bỏ ngai vàng để dấn thân kháng chiến chống xâm lăng. Nhưng ấn tượng nhất phải kể đến là truyện ngắn " Lửa Trường Sơn" của Nguyễn Văn Thêm(11B1)***, tác giả đã kể lại hành trình gian khổ và những chuổi ngày nằm gai nếm mật của vua Hàm Nghi ở núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, từ đó nhà vua đã phát Hịch Cần vương để kêu gọi sĩ phu cả nước nỗi dậy chống thực dân.Truyện ngắn của anh Thêm đã truyền cho chúng tôi lòng kính phục trước hành động yêu nước và dũng cảm của nhà vua. 

Tôi còn nhớ, cuối đặc san là một bài Phóng sự rất cảm động của anh Trần Trọng Đàm, viết về ngày thầy trò Hàm Nghi đi ủy lạo đồng bào bị lũ lụt ở ấp Tà Rầu, quận Nam Hòa (cũ), một ngôi làng nhỏ về phía thượng nguồn Sông Hương. Phóng sự có tựa là" Một ngày ở ấp Tà Rầu". Thời điểm đó, Huế bị trận bão lũ khá nặng, Những ngày sau đó, Khối Xã hội của Hiệu đoàn trường đã tổ chức một chuyến đi ủy lạo giúp đỡ đồng bào.Từ sáng sớm, thầy trò Hàm Nghi đã tập trung tại trường, đi bộ ra Phu Văn Lâu để  đi thuyền ngược dòng Hương lên phía thượng nguồn. Hành trang mỗi người mang theo là gạo, áo quần cũ... cùng những dụng cụ như kềm búa, cuốc xẻng... để sửa sang nhà cửa cho đồng bào. Bài phóng sự đã thuật lại một ngày công tác xã hội rất có ý nghĩa của thầy trò Hàm Nghi đối với đồng bào bị thiên tai bão lũ.

Ngoài ra, đặc san còn có nhiều bài văn, thơ... có nội dung rất phong phú của nhiều thầy cô và bạn bè các lớp,  nhưng thời gian đã gần 40 năm trôi qua, tôi không thể nhớ hết, mong các thầy cô và các bạn có bài trong đặc san thông cảm cho.

Kể từ năm học đó,nối tiếp truyền thống của "Ra Khơi", năm học 72-73 trường cũng ra tiếp một đặc san nữa, lúc này anh Nguyễn Văn Thêm(12B1) là Trưởng Khối Báo chí thực hiện.

ĐÃ 36 năm trôi qua, với nhiều biến động và thay đổi của cuộc sống, chắc cũng ít ai còn giữ lại được tờ đặc san đầu lòng của Hàm Nghi. Riêng tôi đã cố gắng nâng niu giữ gìn nó được hơn 4 năm, nhưng đến năm 1975 do phải thường xuyên đi dạy xa nhà, khi trở về , nó đã không còn nữa. Nhưng cho đến hôm nay, hình ảnh của tờ đặc san  vẫn còn mãi trong ký ức tôi, bởi  nó đã gắn với ngôi trường Hàm Nghi, nơi đã ôm ấp và dạy dổ tôi từ thời niên thiếu và từ ngôi trường đó, hôm nay tôi được nên người.

Đặc san RA KHƠI kỷ niệm trường "Hàm Nghi 16 tuổi" đã được thực hiện bằng tất cả nhiệt huyết  của những chàng trai 16, 17. Chúng tôi viết để tưởng nhớ một vị vua yêu nước, thương dân, người đã dám hy sinh cả bản thân và ngai vàng điện ngọc để lên đường cứu nước. Và chúng tôi đã thực sự tự hào vì  được học tập trong ngôi trường mang tên Người, một ngôi  trường giàu truyền thống, mà trước đó đã được mang tên Quốc Tử Giám, nơi đã đào tạo nhân tài cho cả nước ở thế kỷ trước.

TÔN THẤT THỌ


(*) Anh Trần Trọng Đàm hiện là Bác sĩ ở Q11. TPHCM.

(**) Anh Tôn Thất Thọ sau chuyển vào Sông Bé làm Hiệu trưởng trường Trung học Cơ sở.Hiện dạy học ở TPHCM.

(***) Anh Nguyễn Văn Thêm là nhà nghiên cứu Văn học Dân gian, hiện ở Huế.Anh thường viết bài dưới bút hiệu Liễu Thượng Văn (hoặc Trần Hạ Tháp).Ngoài  ra anh còn đang nghiên cứu một công trình Toán học rất có giá trị , công trình mang tên:" LÝ THUYẾT PHÂN BIỆT TƯ CÁCH SỐ "đã được giới thiệu trên Báo Tuổi Trẻ TPHCM ngày 2-8-2006. Trong bài giới thiệu đó, có trích một đoạn cảm nghĩ của Giáo sư Toán học HOÀNG TỤY, chúng tôi xin trích ra đây để chúng ta tự hào có thêm một nhà Toàn học xuất thân từ HN "...Tôi rất quý trọng và khâm phục anh Thêm, phải có đam mê và dũng khí mới dám đánh đổi mấy mươi năm đời người cho công việc nghiên cứu này,Vừa rồi tôi có đi dự một hội nghị ở Mỹ và đọc được một cuốn sách của một nhà Toán học Nga đang làm việc ở Ý, có nhắc đến vấn đề mà anh Thêm nghiên cứu.Tôi đã gởi cuốn sách này cho anh Thêm tham khảo.Anh Thêm cần có sự hổ trợ của các nhà chuyên môn  toán học để anh có đủ kiến thức toán cơ bản, nhằm đi sâu nghiên cứu hơn về mặt toán học..."

(Tuổi trẻ 2/8/2006)



: : TIN ĐÃ ĐƯA : :

LIÊN KẾT