Nguyễn Duy - xin đừng để hoang ruộng thơ mình lâu quá...
TT - Trong khu vườn xanh bóng tre và cỏ vùng Vỹ Dạ, khi Nguyễn Duy cất giọng: Tôi về xứ Huế mưa sa/ Em ơi Đồng Khánh đã là ngày xưa... thì những hạt mưa Huế bỗng nhiên sa xuống, hình như mưa Huế cũng nhớ những câu thơ lục bát của Nguyễn Duy khi thật lâu rồi anh không làm thơ.
|
Nguyễn Duy ký tặng sách cho bạn đọc trong đêm thơ - Ảnh: L.Đ.D. |
Không chỉ mưa Huế nhớ thơ anh mà bao nhiêu bạn bè Huế của anh, những gương mặt văn nghệ đất cố đô cũng có mặt để chờ một đêm như thế này: dịch giả Bửu Ý, các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đắc Xuân, Tô Nhuận Vỹ, Võ Quê, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, Trần Thùy Mai, Nguyễn Khắc Phê... Rồi Văn Công Hùng từ Tây nguyên về, Phùng Tấn Đông từ Hội An ra, Trần Ninh Hồ từ Hà Nội vào... (*).
Vẫn là những bài thơ đã làm nên một Nguyễn Duy rất riêng, một giọng thơ hay một cách... bền bỉ. Từ những bài như Tre Việt Nam đưa vào sách giáo khoa quốc văn đến Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa: Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn... mà nhiều người vẫn hát ru con.
Trong đêm thơ, cùng “song kiếm hợp bích” với Nguyễn Duy còn có một bạn thơ đồng hương Thanh Hóa của anh - nhà thơ Mai Linh. Quê nhà xứ Thanh với bao nhiêu hài hước dân gian, ngạo nghễ và thương khó “đào rau má phá đường tàu”. Ấy vậy mà ngọn lá rau má bé mọn ấy vẫn trĩu nặng nhân hậu trong thơ Mai Linh: Bế bà tôi vẫn dây thừng đòn gánh/ ôm bà tôi vẫn đất trũng đồng chiêm/ và rau má miền Trung muối mặn/ đắp lên mồ như mọi bữa cơm...
Chính từ niềm thương khó quê nghèo Rơm rạ ơi ta trở về đây/ Ráng chiều cháy cái màu rơm rạ cháy/ Đồng hí hoáy cố nhân đi cấy/ Mông nứt đôi nhẫn nại chổng lên trời đã ám ảnh thành dấu hỏi trĩu nặng trách nhiệm công dân của nhà thơ, dồn nén tích tụ trong Nguyễn Duy sau bao nhiêu năm để rồi bùng vỡ với những bài thơ có sức mạnh của trái phá: Đánh thức tiềm lực, Nhìn từ xa Tổ quốc, Kim mộc thủy hỏa thổ...
Câu chuyện sinh nở bài thơ Đánh thức tiềm lực Nguyễn Duy đã từng kể trên Tuổi Trẻ, “vừa đọc vừa nhìn vào biểu hiện trên gương mặt ông Sáu Dân” và sau vụ “xuất bản mồm” ấy bài thơ đã thật sự cắm một “cột mốc thơ” trong thời điểm công cuộc đổi mới vừa manh nha.
Đó cũng là những bài thơ được nhiều người muốn Nguyễn Duy đọc lại, không chỉ để nhớ về ngày hôm qua mà cả những nhắc nhở với bây giờ: Xứ sở linh thiêng sao thật lắm đình chùa làm kho hợp tác/ đánh quả tù mù trấn lột cả thần linh/ Giấy rách mất lề/ tượng Phật khóc đức tin lưu lạc/ Thiện Ác nhập nhằng/ Công lý lênh phênh... (Nhìn từ xa Tổ quốc).
Thơ Nguyễn Duy là thế, và trước những chuyển động của thời cuộc càng cần có những bài thơ mang ấn chỉ Nguyễn Duy, vậy mà anh nỡ lòng gác bút hơn một thập niên, khi bao nhiêu người yêu nước yêu thơ thèm nghe những âm vang giản dị mà thâm hậu như: Bao triều vua phế đi rồi - người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ...
Trịnh Công Sơn nhận xét rằng: “Hình hài Nguyễn Duy giống như đám đất hoang, còn thơ Nguyễn Duy là thứ cây quý mọc trên đám đất hoang đó”.
Người nông dân khi canh tác lâu trên một mảnh đất vẫn thường để ruộng hoang vài năm cho đất phục hồi mỡ màu. Có lẽ Nguyễn Duy đã để hoang ruộng thơ của anh quá lâu rồi, những 12 năm - kể từ khi tuyên bố gác bút năm 1997, nay vừa tròn một con giáp - mà người đọc lại đang vô cùng sốt ruột chờ mọc lên từ đám ruộng thơ của anh những “thứ cây quý”. Anh Duy à, vậy thì lại bắt đầu thôi, đánh thức những câu thơ “tiềm lực” của mình...
(*) Đêm thơ “Đối thoại tháng 9” của Nguyễn Duy và Mai Linh tại Newspace Arts Foundation tối 11-9.