Mùa thu năm 1956, tôi theo gia đình chuyển ra Huế. Lúc đó tôi đang theo học lớp đệ lục tại trường PHAN CHÂU TRINH được khoảng trên dưới 2 tháng.
Chỗ ở đầu tiên của chúng tôi nằm trên đường Âm Hồn trong thành nội. Tên nghe có vẻ ma quái rùng rợn. Vào những đêm rằm, mùng một, dân chúng thắp nhang cúng khắp lùm cây, bụi cỏ. Họ khấn vái cho những cô hồn chết uổng mạng qua những cuộc binh biến tại kinh thành; khiến về đêm khung cảnh càng thêm trầm uất, liêu trai.
Từ cửa Thượng Tứ đi vào nội thành theo đường Đinh Bộ Lĩnh rẽ phải, đi ngang qua Tam Tòa (trụ sở tòa sơ thẩm và thượng thẩm Huế), rẽ trái là tới đường Âm Hồn. Nếu từ hướng Tam Tòa rẽ trái là đến trường Hàm Nghi.
Tôi vào học lớp đệ lục B2. Trường mới dời về trụ sở mới là quốc tử giám - nơi học tập của những con cái đại thần thời nhà Nguyễn.
Con đường dẫn vào trường HN trồng một dẫy cây “mù u” thẳng hàng, lá xanh đậm; trái giống trái nhãn, nhưng không ăn được. Khi chín trái có mầu nâu rụng đầy lối đi.
Cổng trường có hình dạng tam quan rất cao, cổ kính và thanh nhã. Tiếp nối là hai hàng tượng đá cao bằng người thật dẫn vào sân. Chính giữa là tòa nhà cổ bằng gỗ xây trên nền đá xanh đã bị hoang phế. Phía phải là một dãy lớp học trông khá khang trang, có những cây cổ thụ làm bình phong.
Trường tọa lạc trên một vị thế rất đẹp, gần cửa ngọ môn, xa nơi dân cư, nên còn giữ được nét u trầm và cổ kính.
Lớp đệ lục B2 thời đó có khoảng trên 60 học sinh. Lớp học khang trang. Bàn ghế hơi cũ nhưng sạch sẽ, ngăn nắp. Các bạn cùng thời có Trương Quang Tấn, Tôn Thất Bình, Bùi Khương (B3), Trần Trọng Thức, Lê Thúc Thái, Mai Gia Lập,Trần Xuân Danh (B3), Vĩnh Hân, Ngô Văn Tỵ, Nguyễn Đăng Tri và nhiều bạn khác mà tôi không còn nhớ tên.
Người bạn Huế đầu tiên của tôi là Trần Trọng Thức, biệt danh T3-T tam thừa vừa là bạn học, vừa là hàng xóm. Nhà Thức ở đầu kiệt 1 (hẻm 1) đường Âm Hồn, nhà tôi ở cuối hẻm. Sáng sáng tôi qua nhà đón Thức đi học. Học xong, lúc về tôi lại ghé nhà Thức chơi. Nhà Thức rộng xây theo lối cổ, có vườn cây bao bọc chung quanh. Gọi là hẻm, nhưng đường rất rộng, xe hơi có thể đi lại dễ dàng. Nhà cửa đều xây theo kiểu biệt thự cổ, có cây trái mọc tươi tốt quanh năm. Nghe nói nhà nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cũng ở trong hẻm này, chỉ cách nhà tôi bốn năm căn.
Tôi vào học lớp đệ lục B2, sau các bạn tới gần hai tháng. Trời mưa dầm dề suốt ngày, vừa mưa và lạnh. Tôi được sắp ngồi hàng ghế thứ ba, tay trái. Dưới nữa còn bốn năm hàng ghế.
Tuy là học trò mới, nói tiếng Bắc kỳ, nhưng tôi được các bạn cùng lớp vui vẻ đón nhận ngay. Không có sự kỳ thị nào thể hiện trong suốt thời gian tôi học. Hơn thế nữa, giáo sư môn sử lại thích giọng Bắc Kỳ, nên thầy hay bắt tôi đứng dậy đọc bài cho cả lớp nghe. Tôi đọc từng đọan, sau đó thầy giảng thêm những điểm quan trọng hay khó hiểu. Nhờ thế, tên tôi được các bạn nhớ ngay và tôi nhanh chóng hòa đồng vào đám bạn Huế hiếu học và thông minh.
Giờ ra chơi chúng tôi thường tản bộ trong khuôn viên trường hay tò mò nhìn những bàn thờ trong chính điện, nơi đó thờ những nhân vật mà chúng tôi không biết rõ lai lịch. Phần lớn ngôi nhà thờ này bị đổ nát và đang trong thời kỳ tu sửa.
Buổi trưa, phần lớn học sinh đều về nhà ăn trưa và nghỉ ngơi để hai giờ lại tiếp tục vào học. Chỉ có một số ít ở lại đá banh trên những bãi cỏ xanh mướt trước cổng trường.
Ba năm học trôi qua rất nhanh. Chúng tôi cùng lớn lên như thổi. Chúng tôi chạy nhảy như bầy sóc trong khu rừng tuổi thơ quen thuộc; sáng sáng đến trường, chiều về đá banh hay đi tắm ở cống Thanh Long, hoặc đạp xe lòng vòng từ cửa Thượng Tứ qua đường Trần Hưng Đạo, rẽ vào Phan thanh Gian hay Huỳnh Thúc Kháng, chui vào cửa Đông Ba, theo đường Mai Thúc Loan, gặp đường Đinh Bộ Lĩnh, rẽ trái lại về cửa Thượng Tứ. Thế là hết một đường vòng.
Nhà Trương Quang Tấn, Bùi Khương ở xóm Lương Y, phải đi từ đường Nguyễn Thành (song song với tường thành), đi ngang qua nhà Tôn Thất Bình, ngay ngã tư Nguyễn Thành và Mai Thúc Loan, đi thêm băng ngang cống Thanh Long xây theo kiểu cầu cổ là đến nhà hai bạn. Nếu không qua cống Thanh Long, mà rẽ trái, đi thêm một đọan nữa là đến nhà Ngô Văn Tỵ; Gọi bạn ra chơi đi câu cá hay đá banh, hay chỉ nói với nhau vài ba câu. Rồi cả bọn lại kéo nhau xuống hồ Tịnh Tâm xem sen nở, rồi nghỉ mệt trong nhà thủy tạ giữa hồ.
Cũng có lúc cả bọn đạp xe qua cầu Trường Tiền, rẽ tay phải xuống đường Lê Lợi, đạp thẳng đến ga xe lửa ăn chè ở mấy quán trước ga. Xong chúng tôi lại đạp lên dốc Nam Giao. Nhờ sức lực con trai mới lớn nên chúng tôi lên dốc ngon lành. Lúc xuống phải cẩn thận, nếu không dễ bị té ngã vì dốc rất cao. Lúc về rẽ phải vào đường dọc theo sông An Cựu, qua Bến Ngự, Phú Cam, đến cầu An Cựu, rẽ trái đạp thẳng về lại Trường Tiền.
Nhiều khi chúng tôi tấp vào kho súng gần cửa Ngăn để thơ thẩn dạo chơi chung quanh những khẩu súng thần công bằng đồng vĩ đại đen bóng, tay vạch theo những hàng chữ nho khắc nổi rồi thả hồn về với quá khứ lịch sử oai hùng thời Quang Trung đại đế phá Thanh, thời Hưng Đạo đại vương diệt Mông. Trong đó chúng tôi là quân hầu giữ ngựa cho các ngài, hay là những tiểu tốt tiền phong xung trận giết giặc.
Năm tôi học thời giáo sư Lê Nguyên Diệm làm hiệu trưởng,học sinh toàn trường trung học Huế gồm các trường Hàm Nghi, Quốc Học, Bán Công, Pellerin, Thiên Hựu được đi cắm trại hai ngày trên khu đồi Vọng Cảnh. Chúng tôi khởi hành từ khuôn viên trường trong thành nội, đi bộ qua cầu Trường Tiền, leo dốc Nam giao rồi rẽ phải theo đường tắt lên Vạn Niên. Cuộc cắm trại đầu tiên trong đời học sinh, nên chúng tôi rất phấn khởi và thích thú. Năm đó Hàm Nghi lại chiếm giải nhất hay nhì (?) về diễn hành toàn trường.
Được sự hướng dẫn của các giáo sư, chúng tôi hóa trang thành một đoàn người Thượng, ăn mặc bằng lá cây, đeo mặt nạ đầu quay ngược ra sau. Đoàn quân đi rất hùng tráng và man rợ, hóa trang nhanh, giản dị, nên đã được chấm hạng nhất. Nghe nói, sở dĩ chúng tôi hóa trang thành người Thượng vì theo truyền thuyết khi vua Hàm Nghi từ bỏ kinh thành lên rừng chống thực dân Pháp, ngài đã được người Thượng đón tiếp ân cần và tích cực giúp đỡ.
Sau đó gia đình tôi chuyển nhà thêm hai lần, từ Âm Hồn chuyển về Đinh Bộ Lĩnh sát hồ Tịnh Tâm, sau đó chuyển về gần chân cầu Bạch Hổ bên tả ngạn.
Tại đây tôi quen thêm một số bạn mới như Nguyễn Văn Tý. Tý, tôi và vài bạn nữa, mùa hè tối ngày bì bõm dưới giòng nước Hương giang sau nhà. Có lúc chúng tôi bơi qua sông lên cồn bẻ trộm bắp tươi. Nhưng cũng chỉ hái được một hai trái là nhiều, còn để sức bơi về. Nơi đó nước chảy xiết vì gần chân cầu Bạch Hổ.
Vào mùa mưa nước sông dâng cao, có khi tràn cả vào nhà và tràn lên đường cái. Lúc đó,chúng tôi vừa sợ, vừa vui. Sợ nước trôi nhà, nhưng vui là có dịp lội nước mưa thả dàn. Những ngày đó, chúng tôi được nghỉ học. Đó là dip chúng tôi kéo nhau đến Đập Đá xem nước chảy như thác từ sông Hương chảy vào phụ lưu.
Suốt năm đệ tứ chúng tôi phải thức khua dậy sớm để lo học thi trung học. Tôi hay tới nhà Vĩnh Hân ở khu bến xe đối diện Thương Bạc, để học chung. Vĩnh Hân học rất chăm. Đặc biệt mệ Hân có một tiểu đồng khoảng 12,13 tuổi đi theo sát đề điếu đóm. Năm đó tôi ít có dịp đến nhà TT Thức. Thức đã dọn về phía góc phải ngoài thành Đại Nội, đầu đường về Tây Lộc, nên từ nhà tôi đến nhà Thức giờ đã quá xa.
Tôi cố gắng chăm chỉ học hành, nhưng không bao giờ được đứng hạng cao. Tôi thường đứng từ 9 đến 15 trong lớp 65 học sinh. Tôi chỉ xuất sắc môn toán. Mấy môn khác chỉ được trung bình.
Các bạn học Huế của tôi không những thông minh, họ còn hết sức chăm chỉ học hành. Huế là đất thần kinh, nên ai ai cũng đều chú tâm cầu tiến.
Năm 1959, chúng tôi là khóa bốn năm 1956 - 1959 đầu tiên tốt nghiệp trung học của trường Hàm Nghi. Thày trò và cha mẹ đều mừng rỡ. Được thế là do công ơn dạy dỗ của các thầy Hàm Nghi và sự khuyến khích và hổ trợ không ngừng của các bậc phụ huynh.
Chúng tôi rất vui mừng chờ đón tương lai mở rộng trên ngưỡng cửa trường trung học đệ nhị cấp - Trường Quốc Học nổi tiếng mà bất cứ học sinh Huế nào cũng mong muốn được vào học.
Các bạn học Hàm Nghi thời tôi sau đó có nhiều người đã đỗ đạt cao và rất thành công trong cuộc sống sau những biến chuyển kinh hoàng của thời thế.
Trước và sau 1975, tôi gặp lại Trần Trọng Thức tại Sài Gòn. Trần Xuân Danh B3 Hàm Nghi đang là giáo sư đại học Melbourne, Úc. Hai năm trước Danh qua Mỹ và chúng tôi đã hội ngộ tại Little Saigon cùng với Bùi Khương đang ở vùng quận Cam (Orange county). Bạn Tý và bạn Mai Gia Lập cũng ở vùng này. Lê Thúc Thái đã về hưu ở Huế. Trương Quang Tấn đang ở Long Khánh, nhưng tôi không có địa chỉ. Còn các bạn khác, tôi không có tin.
Trước thềm năm mới NHÂM THÌN - 2012, tôi xin chân thành gởi đến quý thầy cô trường Hàm Nghi và toàn thể bạn học cùng khóa, và các khóa kế tiếp ở Việt Nam và mọi nơi trên thế giới lời cầu chúc yên vui trọn đời.
Hy vọng sẽ có ngày hội ngộ!!
Nguyễn Viết Đĩnh/ CHS Hàm Nghi 1955 - 1959
Địa chỉ: 10451 Bolsa Ave., Suite 219
Westminster, CA 92683 USA
Tel: 714-531-9553
Email: IPS_92683@yahoo.como