HNH trên YouTube

HNH trên Picasa

Số tài  khoản BLL HNH

GÓC VĂN THƠ
NHỚ TRƯỜNG XƯA - Tản văn của Nguyên Vũ.
Cập nhật: 19h54' 18/02/2008 (GMT+7)

TẢN VĂN

      NHỚ TRƯỜNG XƯA

      Nguyên Vũ 

Tuổi thơ của tôi có nhiều trắc trở nên tuổi học trò cũng vì thế không mấy bình yên.

Tôi đỗ vào lớp Đệ Thất một trường Trung học công lập ở thành nội với tỷ lệ chọi một với gần mười học sinh khác nhưng chẳng có một chút hứng khởi nào cả. Trong khi các bạn khác đi cùng cha mẹ  nhảy cỡn lên sung sướng khi nghe xướng đến tên mình thì tôi, khi  nghe tên mình được đọc lên, tôi sững sờ với một ít lo lắng. Chiều, khi công việc xướng danh trên  loa phóng thanh đã xong, một nhân viên nhà trường  mang danh sách  những học sinh trúng tuyển dán vào bản thông báo, một lần nữa lại có cảnh chen lấn của một số đông người tranh nhau vào đọc lại tên. Tôi đứng nhìn vào đám đông một lúc rồi lẵng lặng ra về.

Thế là tôi trở thành học sinh trung học.

Năm học đầu tiên tại ngôi trường mới tôi phải thay đổi chỗ ở trọ đến 3 lần. Trường trung học cách trường tiểu học cũ của tôi không xa nên có những buổi nghỉ trống tiết giữa buổi, học sinh được ra chơi ngoài sân bóng thì tôi lủi thủi về trường cũ thăm lại cô giáo lớp Nhất năm trước của tôi để được thấy cô trên bục giảng chạy ra cửa đón tôi, ôm tôi vào lòng, sửa sang lại quần áo cho tôi, nhắc nhủ tôi vài điều rồi cuối cùng lúc nào cũng khuyên tôi cố gắng học hành và giục tôi về trường để kịp tiết học sau. Tôi theo lớp một cách miễn cưỡng, nhiều lần có ý định nghỉ học nhưng chẳng biết sẽ đi đâu, sống với ai. Cho đến hết năm Đệ Lục tôi vẫn chưa thuộc hết tên các bạn trong lớp. Hai người bạn tôi chơi thân  một người tên là T. có bố   đạp  xích lô, một bạn tên P. chỉ có mẹ làm nghề ve chai, không có bố. Các bạn ấy nghèo khổ nhưng sống rất vô tư, hồn nhiên. Tôi thầm ao ước có được cuộc sống như các bạn ấy.

Trường tôi học có cảnh quan rất đẹp. Đây là một ngôi trường tầm cỡ quốc gia trong thời phong kiến nhưng đã hoang phế theo sự suy tàn của nền giáo dục khoa cử Nho học. Hai dãy lớp học song song nhìn vào  cái sân rộng mát rợp bóng me, nhãn, bàng, mù u…mùa nào cũng có hoa trái và tiếng chim ca. Ngôi nhà giảng sách thánh hiền ngày xưa chễm chệ giữa sân với bậc thềm cao bệ vệ, uy nghi có những con rồng đá nhe nanh, giương râu trườn mình hai bên bậc cấp  đá  thanh mát lạnh. Giữa sân có tấm bia đá, nơi đây trường đã   thiết kế  thành bệ trụ cờ mà hàng tuần học sinh tòan trường làm lễ chào cờ. Sử dụng ngôi trường cũ cho nền giáo dục mới các nhà thiết kế ngày ấy chỉ xây thêm một khu văn phòng, một dãy phòng học, nhà thí nghiệm khuất phía sau, nên ngôi trường vẫn giữ được dáng cổ kính trầm mặc như tâm hồn người đế kinh văn vật.

Giờ ra chơi và trước mỗi buổi học học sinh thường chơi đùa ở sân trước rợp bóng cây. Tôi thường tản bộ sân sau, ở đó có một cây bàng còn độ tuổi thanh niên, về thu trái chín rất vàng, mùa đông lá đỏ không thẩm máu nhiều như những cây bàng cổ thụ. Tán cây còn khiêm tốn chỉ phủ kín một góc nhà Di Luân nhìn qua khu văn phòng. Một buổi sáng, khi tôi cúi nhặt một chiếc lá khô bất chợt  nhận biết ở khu văn phòng có một cô giáo nhìn mình. Tôi không học với cô giáo ấy nhưng vẫn thường nghe cô giảng bài ờ lớp kế bên chỉ cách lớp tôi một phên ngăn bằng gỗ tạm thời chia đôi phòng học rộng xưa kia với rất nhiều cột gỗ thành hai phòng học dành cho hai lớp đệ lục. Hai lớp đều dựa lưng vào tấm phên chung. Tôi ngồi cuối lớp nên thường khi tiết văn của cô dạy ở lớp bên ấy tôi vẫn nghe mồm mộp từng lời cô giảng. Tiếng cô sang sảng có vẻ chanh chua thường làm khó chịu cô giáo dạy toán của lớp tôi khi hai cô trùng tiết. Cô thường mặc bộ áo dài trắng bó sát vòng eo nhỏ xíu. Mái tóc uốn bồng bềnh rất phù hợp khuôn mặt khắc khổ có nốt ruồi duyên to tướng. Tôi rất thích cô giáo ấy vì cô giảng rất hay và cô lại còn viết nhiều truyện ngắn đăng trong sách, báo. Văn chương của cô cũng tinh nghịch như dáng dấp của cô dưới con mắt của tôi.

Cuộc sống cứ thế mà trôi qua. Mùa thu tựu trường với lá me bay, mùa hạ nghỉ hè với tiếng ve sầu rền rĩ. Chiến tranh mỗi ngày tàn khốc thêm, các thầy  giáo trẻ lần lược bị gọi nhập ngũ. Ba đứa chúng tôi tuổi còn quá nhỏ nhưng đã có ý muốn vào đời. Cái sân sau của trường vẫn thường vắng vẻ, thỉnh thoảng tôi lại nhìn thấy cô giáo H. dạo  quanh. Hình như có sự quan sát nhau, nếu ngày nào ba đứa chúng tôi ra  sân sau thì sẽ không có cô đi dạo. Chúng tôi cứ  chơi trò trốn tìm ấy cho đến một buổi tình cờ phải đối mặt nhau. Hôm ấy tôi tách khỏi hai bạn kia đi thẳng ra cổng sau, chiếc cổng luôn luôn có khóa và không ai được ra vào. Tôi đứng sát chiếc cổng sắt cao ngang mặt nhìn qua nhà bảo tàng bên kia đường trong lòng ngổn ngang  nghĩ về  ngày ra trường sắp đến. Tiếng chuông vào lớp vang lên tôi vẫn đứng lặng yên. Một tiếng động nhẹ đằng sau làm tôi quay lại. Cô H. cười và trao tôi một chiếc lá khô giục tôi đi vào lớp. Tôi đồng hành với cô một một đoạn với mẩu đối thoại ngắn :

-   Em nhìn gì bên ấy?

-   Nhìn những bức vách.

-   Có gì trên đó không?

-   Trên đó thì không nhưng sau đó hình như có…

-   

Rồi cô nói những gì tôi không nghe hết. Đến lối rẻ, cô vào dãy lớp học ngăn đôi có nhiều cái cột gỗ to tướng của lớp đệ lục, còn tôi đi thẳng lên dãy ngang của lớp đệ tứ.

Ba đứa tôi chuyển sang trường đệ nhị cấp không còn học chung lớp. Các thầy giáo ở trường cũ bị động viên có thầy đã chết trận. Cô giáo tôi mến có nhiều truyện ngắn đăng báo và nỗi tiếng hơn. Một lần tình cờ gặp cô ngoài  phố cô hỏi có còn giữ chiếc lá khô ấy không. Tôi lí nhí không trả lời được. Vài hôm sau, một buổi chiều tan trường tôi lén về trường cũ tìm nhặt một chiếc lá khô của cây bàng ấy. Tôi cất mãi đến mấy năm về sau.

Chúng tôi chưa học hết phổ thông đã phải rời trường lớp. Tôi và T. vào trường đào tạo công chức. P. nghỉ học kiếm sống. Sau một biến động thời cuộc, T. bị gọi động viên, P. thoát ly ra rừng, cô H. vẫn tiếp tục dạy học với  tấm khăn tang chồng trên đầu. Tuổi học trò của tôi không bình yên nhưng đời công chức của tôi có phần suông sẻ. Sau ngày thanh bình, hai bạn tôi từ hai bên chiến tuyến đều không trở về. Cả hai người chưa kịp để lại cho đời những đứa con để nó được lang thang trong đời và mơ được sống cuộc đời trẻ thơ như con của người đạp xích lô   hoặc bà nhặt ve chai. Cô H. có chồng khác và phải sống tha hương.

Một lần về thăm quê, buổi chiều tình cờ đi ngang   ngôi trường cũ ngày xưa tôi đã miễn cưỡng gắn bó. Tôi dừng xe đứng ngoài cổng nhìn vào tìm lại bóng dáng ngày xưa. Tôi hoàn toàn thất vọng. Ngôi trường u buồn của tôi không còn nữa. Tuổi thơ chúng tôi buồn tủi lây đến ngôi trường tôi học. Sân trường rợp bóng cây có cây bàng thanh niên của tôi ngày nào tôi cứ ngỡ nay đã thành cổ thụ còn đâu. Nắng gió lồng lộng trên xác chiến xa, vài con chim lạ đậu trên những mũi súng hoen rĩ. vụt bay lên khi thấy bóng người. Tôi không vào được sân trường để ra chiếc cổng sau. Chiều chưa đen nhưng ở đây đã nhuốm nhiều hoang phế.

Tôi đón hoàng hôn trên ghế đá công viên ven sông. Hai bên bờ sông là  hai ngôi trường tôi học ngày xưa. Ở chỗ con đò ngang ngày trước nay đã có chiếc cầu bắt qua. Tôi ngược công viên về hướng thượng nguồn. Màn đêm buông từ sau chiếm dần khoảng trời phía trước. Phía xa trước mặt ánh nắng vẫn còn hắt trên cao.

      NGUYÊN VŨ



: : TIN ĐÃ ĐƯA : :

LIÊN KẾT