HNH trên YouTube

HNH trên Picasa

Số tài  khoản BLL HNH

GÓC VĂN THƠ
Tản mạn: Cây mù u tuổi thơ
Cập nhật: 8h37' 28/04/2014 (GMT+7)

Vốn là người gốc ở nông thôn nên vì vậy mà tuổi thơ chúng tôi đã gắn liền với các loại cây cối ở quê. Nhà tôi tuy ở giữa làng, nhưng bên cạnh về hướng đông vẫn có một khoảnh đất rộng khoảng một hecta, trên cao thì trồng khoai, sắn, đậu cà, còn dưới thấp là ruộng lúa. Quanh năm suốt tháng, lúc nào cũng thoang thoảng mùi lúa, đặc biệt là hương vị của lúa chín khi gió nồm mang vào nhà. Ba năm học vỡ lòng và lớp năm ( lớp 1 bây giờ) là quãng thời gian tôi gần gũi với các cây ổi trong vườn nhà, hàng cây sầu đâu cạnh đình làng. Ổi thì để ăn. Những trái ổi trâu to bằng cái trứng gà, trứng vịt, chín thơm lừng đến nhức mũi là món quà tuyệt trần của những đưa trẻ nông thôn của bọn tôi lúc bấy giờ. Còn trái cây sầu đâu tuy có ăn được nhưng chủ yếu là để làm trò chơi. Hồi đó, lũ học trò chúng tôi học ở trường thầy Đôn ở gần đó ( thực ra là hội trường thôn cho mượn), mỗi buổi đầu giờ sáng chiều, bọn tôi thường rủ nhau trèo hái trái sầu đâu. Lúc đầu là ăn vài trái chín, nhưng sau đó hái đầy các túi áo, quần, bụm cả hai tay, rồi xuống đất làm trò chơi ném nhau cho đến khi thầy đến phải vào lớp. Buổi chiều, bọn tôi còn hè nhau xuống rào (sông) để thủy chiến. Những trái sầu đâu nhỏ bằng cái trứng chim sẻ nên chẳng gây thương tích cho một ai.

Cây sầu đâu tuổi thơ của tôi chỉ như vậy, không còn có một ấn tượng nào khác. Vậy mà, sau này khi lớn lên, học đại học, tôi lại thấy nó lại xuất hiện trong văn chương với một cái tên mỹ miều hơn: sầu đông. Đó là hai chữ trong kết cấu nhan đề của một cuốn tiểu thuyết “Mưa trên cây sầu đông” của nhà văn nữ Nhã Ca. Sầu đâu, thầu đâu, sầu đông… chỉ là những tên gọi khác nhau hoặc dân dã, hoặc có tính lãng mạn mà thôi. Trong truyện, nhà văn không phải chủ yếu nói về cây sầu đâu, mà loài cây này chỉ là một sự gợi nhớ, một sự liên tưởng. Ngày nay, dù đã có tuổi, nhưng tôi vẫn không hề quen được cái mùi hương và màu sắc đặc biệt của loài hoa này. Những chùm hoa nho nhỏ màu tím nhạt, rất nhạt, nhưng lại thoang thoảng một mùi hương là là: vừa thơm mà lại vừa nồng như mùi hoa… đi từ xa cả trăm mét chúng ta đã có thể nhận ra.

Giã từ cây sầu đâu, khi lên Huế học tiếp bậc tiểu học ở trường Tiểu học Trần Cao Vân, rồi tiếp theo là trường Trung học Hàm Nghi trong Thành Nội,  tôi lại làm quen với một loài cây khác, cây mù u.

Thật ra, ở Huế không chỉ có loài cây này. Trong các đường  của thành phố, nếu các bạn để ý một chút, sẽ thấy ở mỗi đường đều có một loại cây khác nhau. Các cây được trồng chủ yếu để mang lại bóng mát cho đường phố, có đường trồng cây có hoa như hoa phượng mang lại một màu đỏ rực vào tháng năm khi mùa hè đến như hàng phượng trong các trường học ,nhưng có đường lại trồng một loại cây vừa có bóng mát lại vừa rất kinh tế: cây nhãn ở đường Đinh Bộ Lĩnh ( nay là đường Đinh Tiên Hoàng), đường Đinh Công Tráng, Hàn Thuyên... trước cửa Hiển Nhân, Đại Nội. Món chè sen Tịnh Tâm bọc nhãn lồng là một đặc sản của Huế. Là học sinh Huế, ngoài những con đường hoa phượng mùa hè, không thể không nhớ tới con đường Lê Lợi với hai hàng cây long não có lá  thơm nhè nhẹ và rơi trên vai của các chàng trai ,cô gái học sinh Quốc Học, Đồng Khánh mỗi ngày hai buổi đi về. Những cặp hẹn hò thì lại từng bước nhẹ theo các hàng đoát dọc hai bờ sông Hương.Những cây đoát không hương, không sắc, nhưng lại gần gũi và chứng kiến biết bao mối tình  nhẹ nhàng, nên thơ tuổi học trò.

Nhưng có một loài cây đã gợi cho tôi bào điều suy nghĩ: cây mù u. Không biết vì sao mà người ta lại đặt cho nó một cái tên dân dã, ngộ nghĩnh như vậy. Cây được trồng ở các con đường Tống Duy Tân, Ông Ích Khiêm trước trường Hàm Nghi, và khắp con đường Độc Lập  chạy từ đường Đinh Bộ Lĩnh lên đến đường Lê Huân, qua trước cửa Ngọ Môn. Tôi thật sự biết và gần gũi với cây mù u khi lên học trường Trung học Hàm Nghi, nhưng đã sớm biết loài cây này- thực sự là biết tên, nghe tên- khi còn học lớp ba bậc tiểu học ở trường Trần Cao Vân. Sự thực là hồi đó tôi đã biết tên cây mù u qua một bài học lịch sử lúc bấy giờ.

Khác với ngày nay, thời trước chúng tôi đi học, sách giáo khoa bậc tiểu học và trung học đệ nhất cấp đều là sách do các thầy người địa phương biên soạn. Trong các bài học, có một bài học lịch sử làm tôi nhớ mãi: Cuộc binh biến năm 1885 tại Huế. Tôi còn nhớ bài học được bắt đầu bằng những lời dẫn rất giản dị: “Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng 5 âm lịch, ở Huế có lễ cúng âm hồn rất to. Lễ ấy nhắc ta đến một sự kiện rất quan trọng, đó là…” Và sau đó, cũng bằng cái giọng văn giản dị, khi thì hào sãng, khi thì nghẹn ngào, bài học đã kể lại cuộc binh biến chống lại thực dân Pháp của vua Hàm Nghi và cụ Tôn Thất Thuyết. Có một chi tiết kể về việc nhân dân Huế lúc bấy giờ đã tham gia cùng với binh lính triều đình chống Pháp bằng việc lấy trái mù u rải đầy các đường từ tòa Khâm ( khu vực Morin) sang, đầy các đường từ Huế ra An Hòa sau khi vua Hàm Nghi rút quân ra Tân Sở, Quảng Trị. Những người dân Huế lúc bấy giờ cứ ngỡ tụi Pháp đi giày ống, chấn cứng ngắt chắc chắn sẽ bị trợt té và không đứng dậy được khi đạp lên những trái mù u cứng; và lúc đó ta chỉ việc xông tới mà đâm chết bọn chúng. Kết quả không phải như vậy. Gót giày đinh của bọn thực dân Pháp đã dẫm nát các trái mù u, và quân và dân ta thì đã hy sinh.

 Bài học lịch sử không nêu rõ số liệu nhưng đã viết rằng, số người chết là rất nhiều không đếm hết. Chính vì vậy từ đó ở Huế mới có tập tục cúng 23 tháng Năm. Lễ vật để cúng thì tùy lòng của chủ nhà, có thể chay mặn tùy ý, nhưng tối thiểu phải có xôi , chè, cháo, bánh trái và vàng bạc. Thời gian cúng là từ tối 23 cho đến hết tháng Năm âm lịch. Cách đây năm năm, có dịp về Huế thăm gia đình, tôi chạy xe trên đường Lê Duẫn từ Huế ra An Hòa. Đang chạy tôi bỗng ngớ người, tự nhủ, tại sao nhà nào cũng bày bàn thờ cúng trong sân, trước nhà. Người anh em lái xe mới nhắc: -Họ cúng âm hồn 23 tháng năm đó. Hóa ra là như vậy.

Khi đã trở thành học sinh trường Hàm Nghi, tôi có dịp làm bạn với cây mù u. Như đã nói ở trên, trước trường Hàm Nghi chỗ nào cũng có cây mù u. Tôi thường ngắm hình dáng các cây mù u để tìm xem những dấu vết kỳ lạ đến mức nổi tiếng của nó. Nhưng cây vẫn bình thường không có gì đặc biệt cả, không có hoa đỏ rực sân trường tháng năm như hoa phượng, không có lá thơm nhè nhẹ như hàng cây long não đường Lê Lợi, cũng không có quả ngọt như hàng cây nhãn đường Đinh Bộ Lĩnh.  Thân cây mù u sù sì từng mảng như vảy da cá sấu, lá thì to và tròn như lá cây vú sữa,lá bàng,  còn quả của nó thì tròn và to bằng quả táo, cứng, chẳng ăn được mà chỉ dùng để ném nhau. Đến mùa có trái, lũ học sinh chúng tôi thường hái quả mang vào lớp ném nhau. Trước trường. phía bên kia đường Độc Lập là một sân bóng đá của nhà trường. Lũ học sinh chúng tôi thường dùng trái mù u để ủng hộ đội nhà bằng cách ném trái mù u vào cầu thủ đội bạn khi chúng tấn công xuống cầu môn phe ta. Phe bên kia cũng làm như vậy, nên cái kiểu ủng hộ đội bóng nhà không văn minh lịch sự và không đúng luật này rồi cùng hòa cả làng.

Ngày nay, khi công nghệ thông tin phát triển mạnh, các nguồn tư liệu về cây mù u trở nên phong phú, tôi càng biết rõ hơn về nguồn gốc, tên tuổi, công dụng của loại cây này. Một điều không thể phủ nhận là cây mù u đã có quá trình gắn bó mật thiết với đời sống của nhân dân: làm nhà, làm thuyền, làm dầu thắp sáng, thuốc chữa bệnh, đồ chơi của trẻ con. Cây mù u đã đi vào ca dao bằng những lời ca buồn:

“Bướm vàng đậu ngọn mù u

Lấy chồng càng sớm, lời ru càng buồn”

Người Huế còn nhớ câu: “Văn Thánh trồng thông, Võ Thánh trồng bàng, Trông về Xã Tắc đôi hàng mù u” để nói về sự có mặt của cây mù u tại Kinh thành.

Khi xã hội phát triển, vai trò của cây mù u không còn như ngày trước, nhưng người dân Huế không bao giờ quên được chuyện  trái mù u đã tham gia với người dân Huế trong sự nghiệp chống thực dân Pháp buổi đầu. Hình ảnh các đám cúng âm hồn của nhân dân tự phát cúng trong những ngày cuối tháng Năm âm lịch là một biểu tượng của tấm lòng Huế. Bây giờ cây mù u vẫn còn ở một số đường phố ở Huế, nhưng hàng mù u trên đường Tống Duy Tân đã không còn khi con đường này đã bị xóa khi trường Hàm Nghi đã được chuyển đi nơi khác  để thành lập Viện bảo tàng tổng hợp. Một chút thay đổi, nhưng đã làm cho bao thế hệ học sinh cũ của trường Trung học Hàm Nghi phải nao lòng.

              AyunPa, Tháng Năm AL, 2013

                       Hà Nguyên Tường

Hà Nguyên Tường (Hà Văn Lộc) 0905689490


: : TIN ĐÃ ĐƯA : :

LIÊN KẾT