HNH trên YouTube

HNH trên Picasa

Số tài  khoản BLL HNH

TIN TỨC THỜI SỰ HÀM NGHI
Những cuộc tìm kiếm kho báu của vua Hàm Nghi
Cập nhật: 20h44' 18/08/2007 (GMT+7)

 

Lẫy và khoá trong tráp gỗ

Sau tết Ất Dậu, một người báo cho tôi một thông tin bí mật về một người “bí mật” đang có trong tay bản đồ kho báu của vua Hàm Nghi. Rằng, bản đồ này xuất phát từ ông cụ, kỵ gì đó bên ngoại, từng là cận thần của vua Hàm Nghi, truyền lại cho con cháu đang ở Pháp, rồi những người này thông qua một thuỷ thủ gửi về nước cho gia đình. Vậy là một lần nữa, vấn đề kho báu được coi là bí ẩn lâu nay lại được đề cập đến.

Cuộc xuất bôn của vua Hàm Nghi.

Vua Hàm Nghi tên thật là Ưng Lịch, công tử thứ 5 của Kiên Thái Vương Hồng Cai, sinh ngày 17/6 năm Tân Mùi (1871), là em cùng cha khác mẹ của hai vua Đồng Khánh và Kiến Phước, được hai quyền thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường lập lên làm vua ngày 12/6 năm Giáp Thân (1884) lúc mới 13 tuổi.

Vua Hàm Nghi

Sau thất bại trong việc tấn công quân Pháp ở trấn Bình Đài, ngày 23/5 Ất Dậu (1885) kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi được Tôn Thất Thuyết hộ tống cùng các quần thần thân tín xuất bôn, xuống chiếu Cần Vương, đạo ngự đến Tân Sở (Quảng Trị), sau đó ra Hương Khê (Hà Tĩnh). Lúc đó ở Hà Tĩnh đang nổ ra khởi nghĩa Phan Đình Phùng, quân Pháp truy đuổi quân nghĩa quân nên vua tôi lui vào Quảng Bình, chọn Minh Hoá làm căn cứ địa.

Ngày 14/11/1888, Trương Quang Ngọc làm phản, ám sát con trai của Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Thiệp - cận vệ nhà vua, giao vua cho Pháp, thế là sau 3 năm 4 tháng, cuộc xuất bôn chống Pháp của vua đã bị thất bại, nhưng chiếu Cần Vương và ý chí của vua Hàm Nghi đã khơi dậy tinh thần yêu nước và quyết tâm chống Pháp của nhân dân cả nước. Ngày 26/11/1888, vua bị đày sang Alger và mất tại đó năm 1913.

Giai thoại về kho báu

Theo B.A.V.H mô tả thì khi đến tổng Thanh Lạng, bô lão và chức sắc trong vùng đến yết kiến vua. Lúc đó vua mặc áo vàng, ngồi trên kiệu có 4 người khiêng và 4 cận vệ luôn bên cạnh. Gương mặt vua rất trẻ nhưng hiền dịu và uy nghi. Cùng đi còn có Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn (Đề Soạn). Đoàn hộ tống khiêng 50 thùng lớn cùng nhiều thứ chở trên 5 voi, 3 ngựa (mà sau này nhiều người đoán trong đó chứa các vật quý), có 100 lính gươm súng đi kèm. Thoạt đầu, vua ở nhà ông Đinh Hiền, sau đó đến Khe Ve (cách thị trấn Quy Đạt của huyện Minh Hoá ngày nay 5 km) ở tại nhà ông Đinh Xớn. Tại Khe Ve, quân sĩ xây thành đắp lũy để kháng Pháp. Những dấu tích như đồn Thác Dài, hang Quan Tán, hang Vua... hiện vẫn còn.

Tráp kim loại màu trắng

Nhiều tư liệu ghi lại rằng, những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi, một người đi rừng ở Dân Hoá (Minh Hoá) phát hiện ra hai đống kim loại màu vàng nằm cách nhau một chiếc đòn gánh (người ta bảo do người gánh bị chết), ông lấy về lát hiên nhà thay cho gạch, sau mới biết đó là vàng. Ít lâu sau, mưa lũ làm bật gốc một cây cổ thụ để lộ rất nhiều vàng. Được tin, Ty Văn hoá Quảng Bình cho người lên thu lại. Tất cả các tư liệu này đều ghi qua lời kể mà chưa có cơ quan nào xác nhận hoặc có ý kiến phản hồi. Tuy vậy, suốt hơn trăm năm qua, đã có không ít người nung nấu ý đồ khám phá kho báu trong lòng đất Minh Hoá. Điều đáng nói là, cũng như các giai thoại, câu chuyện tìm kho báu của vua Hàm Nghi thỉnh thoảng lắng xuống nhưng thỉnh thoảng lại rộ lên với những phát hiện mới khiến nhiều người rất kỳ vọng. Có người còn bỏ công sức, sưu tầm tài liệu để vẽ một bản đồ về cuộc hành trình của vua Hàm Nghi rồi đi đến kết luận: có một kho báu đang nằm trong lòng đất Minh Hoá (!?).

Những cuộc tìm kiếm...

Cuốn Di tích - danh thắng Quảng Bình ghi lại lời kể của các cụ già ở Phong Nha (miền Tây huyện Bố Trạch, tiếp giáp Minh Hoá) rằng, có hai vợ chồng người Hoa đến sống ở vùng này, vì không có con nên trước khi lâm chung, họ gửi cho bà con một gia phả nói rõ địa điểm chôn cất vàng ở Phong Nha. Sau đó ít lâu, một đoàn người Hoa lấy danh nghĩa đi du ngoạn đến đây tìm vàng, nhưng họ đã đổi một giá đắt khi bỏ lại mấy mạng người để về tay không. Người ta bảo, vợ chồng người Hoa đã phát hiện ra kho vàng của vua Hàm Nghi, sau đó đúc thành hình các bức tượng người cưỡi ngựa, bôi dầu quả trám rừng rồi thả xuống nước ở một động nào đó.

Khoảng năm 1930-1932, không biết người Pháp có nắm được gia phả của người Hoa kia không nhưng đã tiến hành một cuộc tìm kiếm mới. Lúc tìm kiếm, có rất đông dân trong vùng đến xem, nhưng quan Pháp đưa ba-toong lên hét: “Về hết, không được ai bến mảng tới!”. Sau đó có chừng 20 chuyến xe ô tô bịt kín đi lên đi xuống, không biết có phải chở vàng không?

Những năm 1990-1991, có một “đơn vị đặc biệt” vào đào bới trong lòng sông Son đoạn trước cửa động Phong Nha, người ta nói đơn vị này cũng tìm vàng. Bấy giờ, chúng tôi có hỏi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Sự, ông Sự xác nhận có đơn vị này tìm kiếm gì đó nhưng không cho tỉnh tham gia. Kết quả không biết thế nào, chỉ biết một cột thạch nhũ đẹp nhất đã bị sụt xuống lấp cửa động. UBND tỉnh đã phải chi gần 150 triệu đồng (lúc đó tương đương 75 cây vàng) cho Công ty Xây dựng thủy lợi tỉnh để chẻ cột thạch nhũ, giải phóng cửa động.

“Người hoang tưởng”

Năm 1987, người viết bài này đã được dự một cuộc họp báo rất đặc biệt do tỉnh Bình Trị Thiên tổ chức. Diễn giả chính trong cuộc họp đó là anh Nguyễn Hồng Công, quê gốc Thanh Hoá, thường trú tại 1011 đường Tân Khai, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Nguyên là bộ đội biên phòng phục viên, năm 1984, Nguyễn Hồng Công đến đất Hoá Sơn (Minh Hoá) bắt đầu

Nguyễn Hồng Công trong lòng núi Hoá Sơn năm 1988

cuộc tìm kiếm kho báu của vua Hàm Nghi. Sau khi trình báo với các cơ quan chức năng, năm 1987 anh được Vụ Bảo tồn - Bảo tàng giới thiệu về kết hợp với tỉnh Bình Trị Thiên để tìm kiếm kho báu nói trên. Cơ sở để tìm kiếm anh hoàn toàn không tiết lộ, mà nói chỉ báo cáo cho cấp trên, nhưng những gì anh nói hồi đó đủ thuyết phục tỉnh cử một đoàn công tác có đầy đủ các thành phần để lên Minh Hoá đưa vàng về. Không lâu sau, đoàn lần lượt rút quân, chẳng những không lấy được vàng mà còn mang theo bệnh sốt rét vàng da về thành phố. Năm 1989, Bình Trị Thiên chia làm ba tỉnh, Nguyễn Hồng Công lại xin phép tỉnh Quảng Bình tiếp tục tìm kiếm kho báu. Có tiền thì thuê dân bản địa đào bới, hết tiền tự một mình làm, hết hạn xin gia hạn, chưa có giấy phép cho gia hạn thì cứ thế âm thầm đào. Năm 1993, một trận lũ lớn làm số đất đá đào lên trôi lấp cạn cả một dòng suối. Không nản, Nguyễn Hồng Công tiếp tục đào. Cần mẫn với một sức mạnh kỳ bí, ròng rã 14 năm trời, Nguyễn Hồng Công ngày một tiến sâu vào lòng núi Hoá Sơn với một niềm tin khó lay chuyển: Chỉ ngày mai thôi, cánh cửa kho báu sẽ mở ra, anh sẽ trở nên giàu có như một Alibaba thời hiện đại. Ngày 16/6/1997, Nguyễn Hồng Công gửi lên các cơ quan chức năng Bản tường trình về việc phát hiện kho báu tại xã Hoá Sơn mà theo anh, đây là “bản tường trình cuối cùng”. Bản tường trình chủ yếu đề nghị mức độ “ăn chia”. Trong đó, nói rõ: “Trong 14 năm tìm kiếm, chi phí tốn 242 triệu đồng (chủ yếu là thời điểm trước năm 1990), số tiền này do tôi vay mượn nên phải trả gấp 20 lần (khoảng 5 tỷ đồng). Bản thân xin được hưởng 10% số tài sản thu được như thoả thuận nếu không đóng thuế; nếu chịu thuế xin được hưởng 25%. Số tài sản tôi được hưởng sẽ được thanh toán 50% bằng hiện vật, 50% bằng tiền mặt chậm nhất là 50 ngày kể từ khi chuyển về địa điểm tập kết”. Thế nhưng, một lần nữa, đoàn cán bộ liên ngành được cử lên “mở cửa kho báu” phải lắc đầu quay về tay không.

Nguyễn Hồng Công vẫn không dừng lại, hết thời hạn, anh tiếp tục ở lại trong rừng sâu một mình để đào chui.

Nguyễn Hồng Công là con người kỳ lạ nhất mà tôi được gặp. Không kỳ lạ sao được khi anh chịu từ bỏ thành phố náo nhiệt để lên vùng rừng núi thâm u, hứng chịu nỗi buồn khổ, cô đơn và sốt rét rừng để kiên nhẫn xách từng xô đất dưới lòng núi lên. Càng kỳ lạ hơn khi nghe anh diễn dịch về những dấu tích anh phát hiện với một sự logic lạ lùng. Có lần, tôi bạo mồm khuyên anh nên bỏ hết để về với gia đình, vì không có vàng, đào mãi anh cũng chết; có vàng, mừng quá cũng chết, người ta xông vào hôi của anh cũng chết. Nhưng anh ta chỉ cười, một nụ cười rất bí hiểm.

Năm sau, tôi được điều ra công tác tại Hà Nội nên không có điều kiện theo dõi chuyện tiếp theo. Lâu sau nữa, nghe người ta nói anh đã trở về TP Hồ Chí Minh và ra toà, hình như vì nợ nần gì đó. Thế là “người hoang tưởng” rốt cục đã trở về với thực tại.

Chiếc chìa khoá và bản đồ bí ẩn

Sau “vụ Nguyễn Hồng Công”, cuộc truy tìm kho báu tạm thời lắng xuống. Mãi cho đến ngày 11/5/2003, 4 đứa trẻ chăn trâu nghịch ngợm vào hang bắt dơi, luồn từ nơi này qua nơi khác và phát hiện ra một số cổ vật có giá trị. Trong đó có chiếc chìa khoá và một bản đồ mà theo dự đoán ban đầu sẽ mở ra một hướng mới trong việc lý giải câu hỏi: có hay không kho báu của vua Hàm Nghi?

Địa điểm phát hiện là một hang lèn ở huyện Tuyên Hoá (tiếp giáp Minh Hoá), bao gồm 1 tráp kim loại màu trắng hình tròn, xung quanh có chạm khắc hoa văn tinh xảo (hình vân vũ, quấn thư, chim phượng...) và chạm 4 chữ Hán Giáp - Ngọ - Bình - Nam. Một hộp kim loại hình trụ, trong có đựng một vật kim loại to bằng quả cau (vật này chưa thu hồi được). 3 tráp gỗ lớn bé khác nhau, lồng vào nhau. Tráp ngoài bị mủn. Tráp thứ hai có vẽ một sơ đồ, trên đó có chấm 5 điểm. Tráp trong cùng sơn màu đỏ cánh gián, trong có đựng 2 chìa khoá... Theo đánh giá bước đầu của đoàn công tác liên nghành thì “về giá trị kinh tế hiện hữu không lớn, nhưng có dấu hiệu là các đồ vật cổ rất có giá trị trong nghiên cứu, đặc biệt có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ có nhiều thông tin để xác định một số vấn đề khác, trong đó có thể có những tài sản quý mà cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn...”. Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Quảng Bình cũng “đề nghị tỉnh cho bảo vệ địa điểm phát hiện cũng như khu vực xung quanh để tránh các đối tượng khác đào bới tìm kiếm kho báu như đã từng xẩy ra”. Nhưng vấn đề đến nay cũng chỉ dừng lại ở đó!

Tháng 10/2004, những người đi tìm phế liệu đã phát hiện ở đồng Nghè, xã Thạch Hoá (Tuyên Hoá) hai chục chum vại chôn dưới đất trong có chứa hơn 2 tấn tiền cổ và bán cho người mua phế liệu. Câu chuyện lập tức lan truyền và nhiều người nhanh chân đã đến đào nát một khu vực rộng lớn của cánh đồng nhưng không tìm được gì thêm. Vấn đề kho báu của vua Hàm Nghi một lần nữa được thổi bùng lên.

Năm Ất Dậu này là đúng 120 năm vua Duy Tân hạ chiếu Cần Vương kháng Pháp, câu chuyện về kho báu vẫn còn là một bí ẩn khiến nhiều người không thể từ bỏ lòng tham dù bài học thì đã có. Để kết thúc bài viết này, xin được nhắn gửi với con người “bí mật” nói là có tấm bản đồ trên rằng, câu chuyện về tấm bản đồ từ Pháp gửi về tôi đã từng nghe từ năm 1987 và sau đó được nghe đi nghe lại nhiều lần y một bài như nhau. Vì thế, hãy đừng ảo tưởng...

 

Nguyễn Thế Thịnh


: : TIN ĐÃ ĐƯA : :

LIÊN KẾT