KẾT NỐI YÊU THƯƠNG
(Chuyến hành hương về Huế của CHS–HN sinh sống tại Sài Gòn, tháng 04 năm 2012 )
· Tại sao tôi tham dự chuyến hành hương về Huế.
Khi được thông tin Ban Liên Lạc CHS HN tại Saigon sắp thực hiện một chuyến hành hương về Huế, qua anh Huỳnh Hữu An, người anh họ của tôi, tôi đã làm thủ tực tham dự liền, và tôi là người đầu tiên có mặt đúng lúc 6 giờ sáng ngày 06/04/2012 tại cổng chính công viên Lê Văn Tám.
Tôi đã có quyết định không chút đắn đo, vì chuyến đi đáp ứng được những mong ước của tôi từ lâu, cụ thể là:
- Đi bằng đường bộ về Huế, xe Hyundai 29 chổ ngồi.
- Phần lớn lộ trình qua các tỉnh Tây Nguyên với các địa danh khó quên như Kontum, Tân Cảnh, Dakto, Ngọc Hồi . . . .
- Có giao lưu gặp gỡ với CHS HN (Cựu học sinh Hàm Nghi) tại một số tỉnh thành trên lộ trình.
- Thời gian chuyến đi dự trù là 10 ngày kể từ 06/04/2012.
· Sơ lược và diễn tiến chuyến đi
Tổng số thành viên tham dự chuyến đi lúc khởi hành là 18. Trưởng đoàn là anh Phạm Xuân Tuyến, Trưởng Ban Liên Lạc CHS HN đương nhiệm tại Saigon. Chức sắc trong đoàn là hai bô lão Nguyễn Văn Đức và Bảo An.
v Ngày 06/04/2012.
Xe bắt đầu lăn bánh lúc 7 giờ sáng thứ sáu ngày 06/04/2012, qua cầu Bình Triệu, rồi theo QL14 lên Tây Nguyên. Từ khi lên xe, toàn thể thành viên tham dự đều được ân cần phục vụ: khăn lạnh, nước khoáng, nước trà xanh, cà phê, bánh ít, bánh mì thịt tuyệt ngon lại còn được vui cười, thư giãn qua những câu chuyện hài hước, những câu đố vui, những giai thoại thú vị. Quốc lộ 14 giữa Bình Phước và Đắk Nông không được tốt, nhựa đường bị bong tróc và nhiều ổ gà. Tài xế với vóc dáng tưởng như còn trẻ nhưng lại là tay lái dày dạn, có nhiều kinh nghiệm khiến cho xe vẫn chạy êm, lại biết tính toán để khi nào cũng có nhu cầu đổ thêm xăng nhớt nếu thấy có trạm xăng với toilet tốt, cho nên chưa có nam thành viên nào phải nhăn nhó khổ sở xin tài xế cho ngừng xe chổ vắng bên đường. Khi xe đến trung tâm huyện Nhân Cơ, anh Cao Trình đã đợi ở chổ quy định, hướng dẫn tài xế xe Hyundai theo xe anh đến một nhà hàng đã liên hệ.
Trước khi bắt đầu bửa cơm trưa nóng sốt, Trưởng đoàn đứng lên giới thiệu anh Cao Trình, một CHS HN năng động, xông xáo đam mê núi rừng và sông nước. Xuất thân là giáo viên phổ thông ở Đắk Lắk, nhưng nay đang thực hiện một công trình thủy điện thứ 2 ngay tại Nhân Cơ, với tư cách như là Tổng công trình sư. Rồi trưởng đoàn thay mặt BLL CHS HN tại Sài Gòn, trao tặng anh Cao Trình “Đặc-san Hàm Nghi Yêu Dấu” và chiếc ly sứ Minh Long màu trắng có 3 hàng chữ đậm nét:
KẾT NỐI YÊU THƯƠNG
FESTIVAL HUẾ 2012
BLL CHS TRƯỜNG HÀM NGHI HUẾ TẠI SÀI GÒN
Anh Cao Trình xúc động, cảm ơn Đoàn đã đến Nhân Cơ và dành cho anh một tình cảm đặc biệt. Anh chúc Đoàn được vui và gặp nhiều thú vị trong cuộc hành trình kết nối yêu thương này.
Sau đó anh đưa Đoàn về nhà nghỉ ngơi chốc lát rồi hướng dẫn đoàn đi tham quan công trường thủy điện đang tiến hành.
Rời Nhân Cơ Đoàn lại theo QL14 để đi Buôn Ma Thuột (BMT), đến nơi trời vừa sẩm tối. Các bạn Nguyễn Văn Khánh, Trịnh Xuân Ẩn, Phạm Trọng Thủy, Dương Trung Huy cùng một số CHS HN khác tại địa phương, mừng vui mời đoàn vào Hội quán SABECO đường Trần Nhật Duật để cùng hàn huyên. Buổi giao lưu giữa CHS HN tại BMT và từ Saigon lên thật thân tình, chan hòa tình cảm, biểu lộ qua ánh mắt, nụ cười lời ca tiếng hát mà hai bạn Huy (BMT) và Đức (SG) xứng đáng được toàn thể cảm mến và ngưỡng mộ. Cuộc vui kéo dài cho đến gần nửa đêm, kết thúc một ngày vui, ngày đầu tiên trong hành trình kết nối yêu thương.
v Ngày 07/4/2012
Việc đầu tiên khi xe rời khách sạn là được anh Nguyễn Văn Khánh hướng dẫn Đoàn đến 76 Trần Bình Trọng nơi chị Ngô Thị Cần vẫn duy trì Phòng Mạch đã cùng cố phu quân Trần Hữu Phước chung sức điều hành. Nhìn hình Trần Hữu Phước tươi đẹp mà trang nghiêm, người thân quen nào cũng thừa nhận đó là một tài năng bẩm sinh, được đào tạo bài bản, giàu lòng nhân ái với bệnh nhân, một người chồng người cha tuyệt vời, một người bạn luôn luôn gắn kết yêu thương với bằng hữu, đặc biệt với bằng hữu đã chung đèn sách dưới mái trường Hàm Nghi thuở hoa niên.
Ra khỏi phạm vi nội thị BMT, xe theo đường Xuyên Á AH17, hướng về phía Gia Lai. Nắng mai đẹp rực rỡ. Những bụi cây bờ cỏ hai bên đường trải dài mút mắt. Bướm trắng từng đàn lớn chập chờn bay lượn trong nắng xuân khiến mọi thành viên trong xe đều im lặng, dõi mắt theo, trầm trồ trước vẽ đẹp của tự nhiên. Cả anh tài xế cũng công nhận cảnh quá đẹp, đã đồng lòng dừng xe nhiều lần cho Cameraman Bảo Kỳ và nữ mục sư thân hữu Nguyễn Tường Vân thoải mái ghi hình. Khi xe đến Ngã Ba Cheo Reo, ngay thị trấn Chư Sê, 3 bạn CHS HN Lê Ngọc Tâm, Hồ Khắc Nhân và Hồ Hoàng Vinh đang đón đợi. Theo kế hoạch thì tối hôm nay, thứ bảy ngày 07/04/2012 Đoàn phải có mặt tại Đà Nẵng, để sáng mai Chủ nhật ra Huế sớm, rồi lên làng La Chữ ngay buổi sáng, để cùng giao lưu với các bạn CHS HN đa số từ thành phố Huế lên, do đó các sinh hoạt ngày hôm nay buộc lòng phải rút gọn lại. Đó là một việc khó khăn, bởi vì chẳng những các bạn CHS HN tại Chư Sê có nhiều điều muốn trao đổi, nhiều tâm tình muốn sẻ chia mà Đoàn cũng thấy rộn ràng và cảm kích trước thành quả và tấm lòng gắn bó của các CHS HN tại Chư Sê với trường xưa bạn cũ. Thì giờ eo hẹp nhưng Đoàn cũng vô cùng mừng vui đón nhận những sáng tác mới xuất bản của các bạn Chư Sê: một tập truyện ngắn, tập thơ “Thổi mãi chưa hồng” và tuyển tập 20 ca khúc “Quê tôi ngày mới” và đặc biệt được thưởng thức một bữa cơm “Rau mắm” đặc sản Chư Sê tuyệt vời ngon, rất hiếm có.
Đoàn rời Chư Sê nhưng không theo QL19, qua đèo An Khê quen thuộc để về Quy nhơn mà thẳng lên phía Bắc qua KonTum, tiếp tục theo đường Xuyên Á AH17, qua Đakto, Tân Cảnh, Ngọc Hồi, những địa danh nổi tiếng mấy mươi năm về trước. Xe lướt êm dưới đêm trăng, đèn pha rọi sáng những cung đường nhựa, khi thẳng tắp khi uốn lượn qua nhiều núi đồi vắng lặng mà trước đây đã từng là chiến địa dữ dội, đêm đêm “gió rít hờn ai oán, một mảnh khăn tang một tấc đường”. Đúng là cảnh đẹp mà đau thương đến nao lòng.
Đúng lúc nửa đêm xe vượt qua địa giới tỉnh Kon Tum và huyện Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam. Khi xe qua huyện Đại Lộc, đồng hồ chỉ 1 giờ sáng ngày 08/04/2012. Anh Hoàng Tiến Hùng CHS HN tại Đà Nẵng, đã cùng theo đoàn từ Sài Gòn ra, hướng dẫn tài xế từ Hòa Cầm về phía bãi biển Thanh Bình, mời Đoàn vào nghỉ qua đêm tại ngôi nhà của anh đang sáng đèn.
v Chủ nhật ngày 08/04/2012
Dậy sớm lên xe, đến đường Đống Đa uống cà phê, ăn sáng, đón thêm chị Bảo Kỳ trên đường Hòa Khánh, qua đèo Hải Vân bằng hầm đường bộ, đến Huế đúng giờ ấn định. Xe đỗ lại tại khách sạn Tràng Tiền 62 Lê Lợi, hành lý được chuyển lên phòng. Được nghỉ ngơi chừng nửa giờ, rồi toàn thể được đưa đến làng La Chữ, làng quê nổi tiếng thuộc huyện Hương Trà. La Chữ có nhiều thứ nổi tiếng nhưng với tôi đó là cái đình làng đồ sộ với những cột đình to nhất nước mà người bạn học làng La Chữ tại trường Paul Bert đầu thập niên 40 thời thơ ấu của tôi thường trầm trồ “To thình thình như cột đình La Chữ”, ba thằng ôm không xuể. Và tôi cũng đã có dịp được ôm cột đình vào một đêm lửa trại trước sân đình năm 1945.
Cho nên suốt trên đường, tôi cảm thấy nôn nao và hồi hộp được sống lại thời thơ ấu. Con đường từ Quốc Lộ I đến cổng làng thì thẳng, phẳng và đẹp hơn xưa nhiều. Tôi tưởng đường sá làng La Chữ đã thay đổi nhiều, nhưng may mắn một số con đường trong làng vẫn giữ được dáng vóc xưa: quanh co, khúc khủyu có những rễ cây lớn như trồi ngang qua mặt đường cao thấp không đều, bên đường vẫn những ao, mương be bé, y như hình ảnh vẫn còn trong trí nhớ. Trong một vài nhà bên đường, gian bếp cửa rộng mở, phụ nữ và trẻ em đang làm việc, hình như đang gói bánh hay chuẩn bị một bữa giổ nào đó, vừa chuyện trò vừa nhìn ra đường tươi cười thân thiện.
Buổi giao lưu giữa hai nhóm CHS HN Sài Gòn và Huế hôm nay được tổ chức tại nhà bạn Lê Văn Đậu, đông vui, nhộn nhịp, thân tình. Hai nhóm gặp nhau tay bắt mặt mừng, thăm hỏi chuyện trò, xúc động như thành viên trong gia đình gặp lại nhau sau thời gian dài xa cách, cùng ngồi quây quần trước ngôi nhà có sân có vườn rộng, cùng thưởng thức những món ăn quê hương, có bánh ướt, bánh nậm, bánh bột lọc đang còn nóng. Quanh bàn ăn còn có bạn đời của các bạn Bảo An, Hoàng Như Bôn, Võ Đức Hiền, Nguyễn Văn Hiểu, Nguyễn Văn Đức, Bảo Kỳ, Lê Văn Đậu. Hoan nghênh các bạn đang “tát cạn bể đông”. Tôi còn may mắn ghi nhận sự hiện diện của một đồng nghiệp vai trên là thầy Lê Quang Ngang và được diện kiến thầy Lý Văn Nghiên mà tôi chỉ mới “văn kỳ thanh”. Với giọng trầm ấm, phát biểu khoan thai, nội lực còn sung mãn, thầy đã nói lên tấm lòng của thầy với trường Hàm Nghi, và cùng với anh chị Nguyễn Văn Đức, thầy Lê Quang Ngang, anh Ngọc, cô Như, thầy đã giúp cho phần văn nghệ giao lưu hào hứng và sôi động thêm nhiều.
Cuối buổi họp mặt, anh Lê Văn Đậu đứng lên, mắt hướng về người mẹ già 93 tuổi đang ngồi ở đầu bàn, xin phép được đọc bài thơ của anh với nhan đề là Mẹ. Bằng những lời thơ rất chân chất, rất đời thường mà thiết tha thương cảm, anh đã làm cho các bạn đứng xung quanh thẫn thờ, xúc động dường như đang hồi tưởng thân mẫu thuở sinh thời mà mình chưa kịp có thời gian phụng dưỡng, chưa một lần pha cho mẹ một tách trà buổi sáng, xới cho mẹ chén cơm nóng buổi chiều và nói được với mẹ những lời yêu thương như anh Lê Văn Đậu đã làm hôm nay.
Như để cùng trân trọng tình mẫu tử toát lên trong bài thơ, anh Nguyễn Văn Đức đã cùng với thân mẫu của tác giả chụp chung một tấm hình ngay trước hiên nhà. Đó phải là tấm hình đẹp nhất và ý nghĩa nhất trong buổi giao lưu.
· Cảm nhận và những điều còn đọng lại sau chuyến đi.
v Con đò và tiếng chuông chùa:
Tôi vẫn nghĩ tuổi thơ là thời gian quý giá trong cuộc đời mỗi con người và những ký ức đẹp thời thơ ấu thường được chúng ta nâng niu và trân trọng. Cho nên ngày đầu tiên khi về đến Huế, sau buổi giao lưu tại La Chữ, tôi như bị thôi thúc về thăm vườn nhà cũ, con đường xưa của tôi. Vườn nhà tôi sát với vườn An Hiên ở thôn Xuân Hòa, nhìn ra sông Hương, gần chùa Linh Mụ. Khi được trao chìa khóa, tôi mở cửa, bước vào ngôi nhà thờ vắng lặng. Tôi thắp nhang các bàn thờ, lặng nhìn di ảnh mẹ và hình dung dáng vẻ anh Lê Văn Đậu rạng ngời yêu thương khi đứng trước mặt thân mẫu đang nghe anh trang trải nỗi lòng.
Khi trời gần tối, tôi theo đường Không Tử nay là đường Nguyễn Phúc Nguyên, lên chùa Linh Mụ, ngồi ở bậc cấp trên cao, nơi tôi thường ngồi trước đây, nhìn ra dòng sông dưới ánh trăng non. Cùng với tiếng chuông chùa ngân nga trong những đêm thanh vắng qua các rặng tre già thôn Xuân Hòa, Xóm Choai, Chợ Thông, Trúc Lâm, tôi còn nhập tâm những mẫu chuyện, những danh ngôn từ các bậc trưởng thượng, đã dẫn dắt tôi qua nhiều đoạn đường chông gai, có hố sâu, có dốc đứng để tìm được niềm vui trong cuộc sống và chút thư thái ở tâm hồn.
Chuyến đi “kết nối yêu thương” của BLL CHS HN tại Saigon đã giúp tôi thấm thía câu
“ Phải tu mười năm ở kiếp trước
Kiếp này mới được đi chung một con đò
Phải tu trăm năm ở kiếp trước
Kiếp này mới được chung chăn gối, nên vợ, nên chồng”
Từ khi bước lên xe tại công viên Lê Văn Tám qua các tỉnh thành và thị trấn có giao lưu, gồm Nhân Cơ, BMT, Chư Sê, Huế, Đằ Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt và Bảo Lộc, tôi đã gặp được nhiều bạn đã cùng chung con đò Hàm Nghi. Ở đâu cũng có những sinh hoạt, những hình ảnh thân thương về quê hương, trường xưa, bạn cũ.
v Một số bạn cùng thuyền
Dù công việc không cho phép tham dự trọn chuyến hành hương, thầy Phan Hoàng Quý vẫn hân hoan tham dự với Đoàn chỉ ngày đầu tiên, để hôm sau ngày 07/04/2012, từ BMT về lại Saigon cho kịp lên lớp tối hôm đó. Anh Hoàng Tiến Hùng từ Đà Nẵng vào, chỉ tham dự với Đoàn từ Saigon ra tới Đà Nẵng, để mời Đoàn vào nghỉ đêm tại nhà, và để tạo sự thuận tiện cho việc tổ chức giao lưu giữa Đoàn với CHS HN tại Đà Nẵng, khi Đoàn từ Huế trở vào. Còn anh Ngô Phú từ Saigon ra Nha Trang để cùng với các bạn Nha Trang đón Đoàn trên đường về, và dự giao lưu tại Nha Trang, rồi theo đoàn lên Dalat, Bảo Lộc để cùng trở về Saigon, kết thúc chuyến hành hương.
v Chút e ngại đời thường & 38 năm cách biệt
Một trong những nỗi bất hạnh ở đời là phải uống rượu một mình, uống rượu trong cảnh cô đơn. Người ta cô đơn không phải vì chuyện ngăn sông cách núi, không phải vì chính kiến chia lìa, mà vì tấm lòng đã nguội lạnh tình đời, vì một chút ngại ngần e sợ nào đó nên con người chỉ xử sự theo kiểu rập khuôn, kiểu bầy cừu.
Anh Trương Văn Hùng, CHS HN vào trường năm 1964, được xếp vào lớp Thất 2, cùng lớp với anh Ngô Phú. Có những điểm tương đồng, hai bạn Hùng – Phú chơi thân với nhau. Trong những giờ ra chơi hay những lúc đến trường sớm, hai bạn thường tản bộ quanh Di – Luân đường, đùa vui trò chuyện về học hành, tương lai bản thân, về tình tự quê hương đất nước.
Mười năm sau, năm 1974, hai bạn tình cờ gặp lại nhau trong màu áo lính tại một doanh trại tại Chu Lai. Anh Phú thuộc lãnh vực kiểm soát không lưu, anh Hùng đang chờ được bố đi đồn trú tại một cứ điểm lẻ loi vùng núi rừng Quảng Ngãi, chỉ nhận tiếp liệu bằng khồn vận. Được gần nhau may ngày, mấy đêm, cùng nằm cạnh nhau “nhìn trăng sao mà suy nghĩ về thân phận’, hai bạn cảm thấy càng gắn bó nhau hơn. Năm tháng sau khi Trương Văn Hùng được bố đi, Ngô Phú được tin cứ điểm nơi Hùng đồn trú đã thành binh địa sau một cuộc đụng độ dữ dội và cũng từ đó bait tin nhau.
Từ mấy chục năm qua, việc mất tích của Hùng vẫn luôn ám ảnh Phú. Phần số của Hùng ra sao? Đã tiêu tùng cùng cát bụi hay đang vật vờ ở nơi nào. Cho nên khi gặp bất cứ một CHS HN nào anh cũng tìm cách gợi hỏi về Hùng. Anh đã nhiều lần tìm cách đến xóm nhà cũ của Hùng, anh cũng đến quy Nhơn nơi Hùng theo gia đình đến cư trú sau vụ Mậu Thân, những người đã từng đi cải tạo hay những việt kiều theo dạng HO về thăm quê hương. Anh đã đặt những câu hỏi cầu may, mong nhận được một tia sáng nào đó về người bạn mình, nhưng họ đều lắc đầu hoặc cho những thông tin rất mơ hồ.
Nhưng anh Phú quyết tâm không bỏ cuộc, không thể nào quên được người bạn học từ thuở hoa niên, đã cùng anh trải lòng và cùng anh chia sẻ những câu chuyện của cuộc đời.
Cho đến vào dịp tết Nhâm Thìn 2012 vừa qua, khi anh kiên trì dò dẫm trong các điện thoại niên giám, tìm các thuê bao mang tên Trương Văn Hùng tại huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Đột nhiên từ đầu dây bên kia của một điện thoại mang tên Trương Văn Hùng có tiếng trả lời:
- Đây là điện thoại của ông Trương Văn Hùng bố con, nhưng hiện giờ không có mặt ở nhà.
- Thế bố con ở đâu?
- Bố con đang cùng ông chú lên Huế bằng xe Honda.
- Cho bác biết số di động của bố con.
- Bố con không có điện thoại di động. Nhưng ông chú thì có.
- Cho bác biết số di động của ông chú.
- Vâng.
Thế là qua số đi động của người chú, hai bạn Phú và Hùng đã nhận được
nhau, đúng sau 38 năm cách biệt.
Sau thời gian cải tạo, anh Trương Văn Hùng đã có nhiều lần qua lại cầu Tràng Tiền, đi dọc theo đường Trần Hưng Đạo, vào cửa Đông Ba, ra cửa Thượng Tứ, ngang qua trường Hàm Nghi, đến Thương Bạc rẻ phải để qua cầu Phú Xuân, về An Cựu, mỗi năm nhiều lần, trong hơn 30 năm mà chẳng có ai nhận diện ra anh.
Với các bạn cùng chung đò với anh năm 1964, anh được xem như không có mặt trong cuộc đời này. Nhưng anh vẫn đi lại trên con đường quen thuộc của thành phố quê hương. Anh cũng đã lập gia đình, có vợ, có con. Hàng ngày giúp vợ mưu sinh, hướng dẫn con học hành. Nhưng anh rất đỗi cô đơn. Cô đơn thì bất hạnh. Nhưng với anh, thà bất hạnh mà giữ được lòng tự trọng, không ai coi thường được mình. Anh muốn luôn ngẩng cao đầu. Có thể một lần nào đó có một bạn cũ đã nhận ra anh, và đã tỏ ra ngần ngại, e dè khi phải trao đổi với anh. Anh hiểu lòng dạ người bạn đó và quyết bảo vệ lòng tự trọng của mình. Anh xứng đáng được bạn bè quý mến và mong được có dịp gặp anh đối ẩm.