"… Sứ mệnh lịch sử dân tộc giao cho hậu thế chúng ta biết nhận ra trong bức tranh thời đại đầy biến động và phức tạp ấy những điểm tối, sáng đan xen nhau. Đan xen giữa những vị hoàng đế công trạng khác nhau, thậm chí tương phản nhau đối với dân tộc... Quá khứ chờ đợi thế hệ đang sống một sự cư xử công bằng." - Trần Thanh Minh ( “Quá khứ chờ đợi lẽ công bằng”.
Mộ vua Hàm Nghi ở nghĩa trang Thonac (Pháp). Ảnh minh hoạ: diendan.org. |
|
Cám ơn anh Trần Thanh Minh với bài viết rất xúc động “Quá khứ chờ đợi lẽ công bằng”. Anh đã nói lên điều mà những người Huế cùng thời với anh, chịu nhiều ảnh hưởng của những vị vua yêu nước triều Nguyễn như anh rất trăn trở nhưng chưa có dịp để nói. Nhưng liệu chúng ta có công bằng khi chúng ta lên tiếng về sự đơn sơ của lăng mộ hai vua Thành Thái và Duy Tân mà chúng ta bỏ quên vị vua yêu nước Hàm Nghi.
Một hình ảnh dấn thân rất đáng trân trọng và học tập cho thế hệ hôm nay và mai sau, đó là hình ảnh vị vua trẻ tuổi Hàm Nghi dám rời xa cung vàng gác tía, từ chối cuộc sống xa hoa trong lâu đài điện ngọc để bôn tẩu lên vùng căn cứ Tân Sở cùng toàn dân kháng chiến. Núi non Tuyên Hóa (Quảng Bình) ngàn năm vẫn còn lưu truyền những huyền thoại về Nhà vua yêu nước đã cùng sống và chiến đấu trong lòng nhân dân. Mấy ai không chạnh lòng khi nhớ đến hình ảnh Nhà vua bị quân giặc giải đi đày, Ngài đã từ chối mọi ưu đãi, mặc áo vải đi chân không như một thường dân, vì theo Ngài: Nước đã mất thì làm gì còn Vua.
Một việc làm của vua Hàm Nghi rất đáng để lịch sử trân trọng và ghi nhận đó là việc Nhà vua ra chiếu “Cần Vương”. Dám hy sinh lợi ích cá nhân và dòng tộc vì quyền lợi của đất nước, trong lịch sử nước ta và thế giới xem lại có mấy ai? Hưởng ứng chiếu “Cần Vương” của Ngài, biết bao anh hùng nghĩa sĩ đã dựng cờ kháng chiến, khẳng định một chân lý tuyệt vời “Khi nào nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”
Mấy năm trước đây, được đọc một mẩu tin nhỏ và nhìn thấy nấm mồ đơn giản của vua Hàm Nghi tại một làng quê hẻo lánh trên đất Pháp đăng trên báo điện tử VNN mà lòng tôi thắt lại. Chúng tôi đã từng tự hào vì được học trong ngôi trường giàu truyền thống mang tên Hàm Nghi ở cố đô Huế, chúng ta có đường Hàm Nghi đồ sộ trong lòng Thành phố mang tên Bác, hưởng ứng chiếu cần Vương của vua Hàm Nghi, các thế hệ cha anh của chúng ta đã đứng lên đấu tranh để Tổ Quốc được độc lập, non sông quy về một mối, nhưng chúng ta quá vô tình khi mộ phần của nhà vua yêu nước Hàm Nghi vẫn mãi lưu vong?
Phải chăng chúng ta đang xây dựng những tượng đài của các anh hùng dân tộc để giáo dục tinh thần yêu nước thì vấn đề này cũng cần được quan tâm?
Như Trung cựu học sinh trung học Hàm Nghi – Huế.