Trưa nay, giữa cái nắng gắt như đổ lửa của mùa hè, thật bất chợt âm nhạc nhà bên vang lên. Nhưng khác với mọi ngày, không còn cảm thấy chua chát, rát bỏng như bị tra tấn bởi nhạc thị trường nữa. Giọng hát trong trẻo của Vân Khánh cất lên nghe nhẹ cả người, thấy “khỏe” hẳn: “Giữ chút gì rất Huế đi em, nét duyên là trời đất giao hòa, dẫu xa một mai anh gặp lại, vẫn được nhìn em say lá hoa…”. Ca từ của bài hát làm mát cả lòng tôi. Lâu rồi, không được nghe lại ca khúc này và cũng lâu rồi mình mới có một chút đồng điệu về gu âm nhạc với cô bé nhà bên đến vậy. Bài hát đã mở ra trong lòng tôi một khung trời vợi vợi, phiêu diêu, lặng lẽ về một khoảng trắng rất xa mà có thật. Những điều tôi chỉ được biết qua sách vở hoặc qua lời kể của những người lớn tuổi ở Huế, chứ ít khi được cảm nhận trọn vẹn trong cuộc sống thực của chính mình.
Cũng thật ngẫu nhiên, vừa mới sáng nay, anh “bạn già”- tôi thường gọi thân thiết như thế với một chú rất thân ở Huế- vừa kể cho tôi nghe những ký ức đẹp của những cô gái Huế thuở xưa. Câu chuyện cũng rất tình cờ, vì từ bàn bên cạnh có ba hay bốn cô gái tuổi chừng mười tám đôi mươi, chưa đặt chân xuống ghế thế mà đã nói cười oang oang, bàn chuyện rôm rả, áo quần lôi thôi, son phấn lòe loẹt…tự dưng tôi cảm thấy hơi khó chịu. Chúng tôi đành chuyển chỗ để tiện nói chuyện… anh bạn già của tôi than vãn:
- Không hiểu rồi sẽ đi về mô? Văn biết không? Nói thật, ngày xưa thiếu nữ Huế tuyệt vời lắm!” Chứ thời giờ… chịu …bó tay!
- Dạ! –tôi đưa theo lời anh: Em cũng đọc đâu đó người ta nói vậy! Nhưng cũng còn tùy anh ạ! Bây giờ, cũng có nhiều cô bé ngoan và hiền lắm chứ bộ! Học trò của em chẳng hạn.
- Ừ! Đương nhiên là có, nhưng số đó bây giờ hiếm lắm, những lớp 8X còn đậm đà xứ mình, còn đại bộ phận tuổi teen bây giờ đua đòi dữ lắm, làm mất bản sắc…buồn!
Tôi thấy anh trầm ngâm nên rẽ sang câu hỏi khác!
- Anh ạ ! Tuổi teen có lối suy nghĩ khác “luồng” với anh em mình, cho nên nói chuyện với các em mình là đồ cổ rồi- mà đồ cổ thì đang được giá đấy- tôi cười chọc anh.
- Văn cũng vậy! Năm nay lo cưới vợ đi, ở thế mãi không chán à?
- Em đã tìm được ai mua hàng giảm giá đâu? Nên vẫn ở thế thôi!
Anh bạn nhìn tôi cười nhưng không vui. Tôi cũng vậy, vẫn cảm thấy thi thoảng nỗi buồn ứa lên trong mình chút châng lâng, cồn cào khó nói thành lời trọn vẹn… Anh khoe với tôi: ngày xưa những người con gái Huế đi đến trường là một khoảng trời ngập trắng. Họ chủ yếu tản bộ, thong dong… Thiếu nữ thời trước, tước bỏ những phương tiện đi lại- trừ những người ở quá xa phải đi xe đạp mà thôi. Những buổi tan trường ở Đồng Khánh, thì dù những kẻ có tâm hồn chết lạnh như chú mi bây giờ, cũng phải nao lòng trước bước đi thanh thản, thầm kín, e lệ của các cô nữ sinh. Họ đi về hai buổi mỗi ngày dưới những tán cây long não, bàng, phượng đỏ, mù u và làm mất thời giờ của biết bao chàng trai…
- Chắc là trong đó có anh –tôi bật cười vì trông thấy anh háo hức như đang nhập tâm trong lời kể của mình.
- Đương nhiên rồi! Anh cũng đi theo các cô và xin tiền ông già mua dép liên tục (anh cười khoái chí). Nhưng hay lắm nghe! Đi theo vậy thôi, chứ không dám hé môi để chọc mấy cô mô! Bây giờ nghĩ lại, thấy vui vui, thích thích. Cái ngày xưa ấy, sao khoảng cách giữa nam và nữ vừa rất gần, vừa xa đến vời vợi, Văn ạ! Chứ không như bây giờ … khỏe thiệt!
- Vâng! Cái ngày xưa hun hút ấy, không lấy lại được bao giờ đâu anh. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ, nhưng con người thì hay lãng quên. Cho nên cuộc sống nhiều khi chỉ là bài ca dở dang, tiếc nuối. Em cũng đã đọc bài viết: “Diễm của ngày xưa” của chú Trịnh Công Sơn và một số trang văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, trong đó các chú ấy có nói về cô gái Huế, thấy họ thật đáng khâm phục. Nên em có hiểu sơ sơ đôi chút, chứ không được chứng kiến và trải nghiệm như anh. Em được biết ngày trước, các thiếu nữ Huế không chỉ duyên dáng, nhẹ nhàng, dễ mến mà họ còn là những cô gái có tài-nhất là nữ công gia chánh thì không ai bằng. Nhờ bàn tay khóe léo ấy, mà ở Huế có rất nhiều món ăn ngon mà lại rất rẻ. Em cũng được đi khá nhiều nơi nhưng không hiểu sao, đến đâu mỗi khi ngồi vào bàn ăn cũng thấm thía và nhơ nhớ cái vị cay cay, đậm đà trong các món ăn của Huế mình. Cho nên, em thấy các ông chồng ở cố đô sướng ru, lúc nào cũng có bữa cơm ngon để thưởng thức…như anh chẳng hạn! Nhưng rất có thể sau này, thế hệ của chúng em không còn được hưởng những diễm phúc đó? Anh hãy nhìn mà xem, nhiều thiếu nữ bây giờ, đa phần đã lãng quên dần thói quen của lớp người đi trước. Họ cũng sống nhanh, sống gấp cho kịp với thời đại. Cho nên, có lẽ cơm tiệm là nơi quen thuộc và thuận lợi để họ gửi gắm cả gia đình tương lai ở đó.
- Anh ạ! Nhưng nói vậy thôi, em vẫn rất tự hào về xứ Huế của mình! Nếu anh đi nhiều tự dưng sẽ thấy điều đó! Không hiểu sao, khi rời xa nơi này em thấy nhớ Huế dữ lắm! Dù em không sinh ra ở đây. Nghệ An là quê ruột của em rồi! Nhưng ở Huế, có cái gì vừa ám ảnh, vừa da diết mà chẳng gọi được tên, cứ nghe nặng nặng trong lòng khi xa. Như em đây, mấy ngày đầu hè vừa rồi, tranh thủ về quê thăm gia đình, chưa được tuần lễ em đã khăn gói trở vào Huế, mẹ chỉ nhìn em với ánh mắt sâu thẳm: “Thằng này sao sao ấy? Mới về nhà mà con! Nếu phải đi gấp thế thì nhớ kiểu gì tết này phải đem người yêu về đó! Hứa mãi rồi! Nghe chưa con?”. Mẹ chỉ kịp mỉn cười và lặng lẽ nhìn…Thế là, hôm sau em có mặt ở Huế rồi.
Mấy ngày trước, em có ghé vào đường Nguyễn Thái Học xem mấy cuốn sách, tạp chí cũ. Cầm trên tay tập san đã úa vàng, chợt bắt gặp những vần thơ của một cô học trò xứ Huế bây giờ, thấy thanh thản cả người:
Thu xưa yêu Huế qua màu trắng
Nghiêng nón bài thơ hứng nắng chiều
Trúc biếc soi dòng Hương lặng lẽ
Điệu hò mái đẩy sóng phiêu phiêu
Đoạn thơ đó nằm trong bài Màu dĩ vãng của một cô bé tên là Mẫu Đơn học trò cấp 3 ngoại ô thành phố mình. Tuổi teen đấy, hay chưa? Anh có biết sóng phiêu phiêu là gì không? Em thì chịu. Nhưng em thích nhất là hai chữ đó và thích luôn cái cảm xúc xưa xưa trong suy nghĩ của cô bé có cái tên đáng yêu này, nên nhớ mãi…
Quả thật, trong cuộc sống bộn bề, chát chúa, bươn chải, cạm bẫy, đắn đo mưu cầu lợi danh với biết bao sự hỗn độn thời đại bây giờ, thế mà vẫn còn lưu giữ được những âm điệu tha thiết cất lên thật thảnh thơi, vẫn rất đẹp, vẫn làm ta nao lòng, thế thì thật đáng quí và trân trọng biết bao. Dù ta biết rất rõ, đó đôi khi chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi trong một phút giây…
Mong sao “dù là tuổi hai mươi, dù là khi tóc bạc”, những giá trị tốt đẹp của quê mình vẫn không bao giờ nhạt phai, để khi mở lòng mình ra, ta thấy sóng yêu thương tràn ngập. Ta thấy mọi người nhìn ta lưu luyến và khâm phục; Ta thấy có “chút gì rất huế hiền ngoan” đang chảy trong huyết mạch nồng nàn, nóng ấm con tim mình; Để ta thêm tự hào với “chút gì rất Huế trang đài, nón nghiêng”. Và hơn cả, để những điều tốt đẹp, đáng nhớ thấm sâu vào tâm can ta như “chút gì rất huế mặn mà, dạ - thưa”! Chỉ chút nhiêu thôi, đã đủ làm cho lòng ta mê say, ngọt lịm, thổn thức đến tận cùng! Nghe em!
Huế, trưa hè tháng 6/2013
Trần Công Văn
(GV Hàm Nghi –Huế)