Anh trở về hóa đá phía bên tê. - Trần Kiêm Đoàn
Nhạc sĩ Phương Anh Nguyễn Xuân An của Huế vừa qua đời. Có lẽ rất ít người biết Phương Anh là “ca hiệu” của Nguyễn Xuân An khi anh còn đi học. Thế nhưng người viết những dòng nầy “biết tỏng” vì chính hắn là tác giả của tên gọi nầy khi An “để ý” đến cô nàng tên Phương ở Thành Nội Huế mà “người đau khổ gieo sầu không hay…!” An có vẻ thích thú với tên tôi đặt cho chàng mỗi lần lên sân khấu. Chính tôi là… thủ phạm đưa Nguyễn Xuân An lên sân khấu đồng quê và anh… bị nổi tiếng ở vùng quê hương Hương Cần quýt ngon nhất nước.
Thuở ấy, Nguyễn Xuân An quê ở An Thuận nhưng gia đình lại dọn lên ở Thành Nội, trên con đường Nguyễn Thành có ba tụ điểm đầy tính… lịch sử nhất xứ Huế: Cửa Đông Ba, Chợ Xép và Cống Lương Y! Quê tôi là làng Liễu Hạ, phải ngang qua Hương Cần, dọc theo con sông Bồ xanh mướt mới đến làng An Thuận. Đặc sản của làng An Thuận là cốm. Cốm An Thuận ngon tới cỡ nào thì tôi chỉ còn một ấn tượng mơ hồ. Nhưng nhìn lại kho tàng kỷ niệm ấu thời tôi lại cảm thấy sợ như một “hội chứng hậu chấn thương.” Bởi đã có nhiều lần mấy chú thanh niên Liễu Hạ làng tôi đánh lộn dàng trời với thanh niên An Thuận, làng Xuân An, vì cứ mỗi lần thấy mấy cô nường An Thuận gánh cốm lên làng tôi bán, các chú lại tinh nghịch đón đường hát: “Hỡi cô bán cốm hai lu. Để cho tui gởi… con cu về cùng!...” Thế hệ “gởi c…” ấy hôm nay chẳng còn ai. Tất cả đã rủ nhau đi về đất. Trăm năm chỉ còn lưu lại một thoáng cười cợt, đùa vui. Tất cả đều tan đi, mất dấu; chỉ còn lại niềm vui là bất tử. Ngày thế hệ chúng tôi lớn lên làng xóm lặng mình trong chinh chiến. Chẳng còn ai có đủ nụ cười gởi gắm cho ai. Những lu cốm và những nàng bán cốm hai lu làng An Thuận điểm nụ cười đồng quê cũng phôi pha dần thành kỷ niệm ấu thời.
Năm 1962, khi tôi bắt đầu làm liên đoàn trưởng GĐPT Liễu Hạ, An nhận lời làm trưởng ban văn nghệ cho đơn vị GĐPT. Anh không sinh hoạt thường xuyên mà chỉ xuất hiện hát sân khấu do chúng tôi dựng lên trong những dịp rằm to, vía lớn. Chương trình văn nghệ đồng quê diễn ra thong dong và thông thoáng với những sân khấu lộ thiên. Khán giả là dân làng, dân xã đủ mọi thành phần trẻ già lớn bé lũ lượt rủ nhau đứng trước sân khấu. Sân khấu thường được xây dựng bằng những chiếc bàn dài học trò mượn ở trường học trên những cánh đồng trống lộng gió, ngập ánh trăng sau vụ mùa Đông Xuân. Thế nhưng sân khấu dã chiến vẫn có màn chính, màn phụ và màn gió cánh gà rất quy cách và mỹ thuật.
Nguyễn Xuân An là ca sĩ cây nhà lá vườn vừa hát vừa đệm đàn guitar tuyệt vời đầu tiên ở quê tôi đã hát hàng chục bài xen kẻ các tiết mục khác trong cùng một chương trình văn nghệ mà khán giả vẫn cứ vỗ tay rào rào hô: “Nữa!... Nữa!...” Tiếng hát của An quá mượt mà, phong phú và lôi cuốn trong những bản tân nhạc có hơi hướm dân ca thuở đó như Tình Nước Duyên Trăng, Hò Kéo Lưới, trích đoạn Trường Ca Ngày Trọng Đại… đã làm cho khán giả bảy làng thuộc xã Hương Cần và các làng lân cận ái mộ nhiệt thành. Nghe rồi còn ưng nghe nữa!
Ngày đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963, tôi và Nguyễn Xuân An còn bị tạm giam trong lô cốt quận Hương Trà cũng vì ở trong Ban Huynh trưởng GĐPT Liễu Hạ.
Sau 1963, Nguyễn Xuân An chuyển hướng ít hát nhạc tình mà hát Ca Khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn, nhạc quê hương của Phạm Thế Mỹ, Tâm Ca của Phạm Duy và nhiều nhạc phẩm làm ấm lên tình quê hương đất nước và niềm tự hào dân tộc trong phong trào Du Ca đương thời. Rất có thể chủ quan, nhưng trong đời, tôi chưa nghe ai hát những bản Đại Bác Ru Đêm, Tình Ca Người Mất Trí… hay hơn Nguyễn Xuân An trong thời kỳ còn đi học. Hay và ngọt ngào nhất là bản Thương Quá Việt Nam của Phạm Thế Mỹ. Sau nầy, có dịp về thăm Việt Nam, 4 lần, lần nào cũng được nghe An hát trong tiệc thân hữu tại nhà riêng của Năm Đồng. Lần chót tôi được nghe An hát Thương Quá Việt Nam là vào một chiều mưa đầu tháng 6 năm 2007. Buổi tiệc thân tình có cả Năm Đồng, Phan Thị Châu, Phan Công Trinh, Trương Hoàng Thanh, Nguyễn Trung Dân, Quốc Thái, Đoàn, Lê… Cũng trong dịp nầy Xuân An và hiền thê, chị Hiền, hát chung với nhau những bản nhạc hòa âm rất chi là “phu xướng phụ tùy”.
Trở lại Huế xưa… Sau những năm đầy biến động, An bỏ Huế vào Nam, theo học trường Đại Học Vạn Hạnh. Giữa thập niên 1966, Nguyễn Xuân An trở lại Huế với một tư thế khác. Anh hát nhạc cộng đồng, nhạc tranh đấu và có những “đêm không ngủ”, An phụ trách nguyên cả chương trình hát nhạc đấu tranh tại giảng đưòng C và Tổng hội Sinh viên Huế. Tôi vẫn là khán giả đi dự các buổi trình diễn của An, nhưng tôi “mất” An từ đó. An mỗi ngày một nổi tiếng trong giới thanh niên, sinh viên học sinh của cả miền Nam đồng thời với Tôn Thất Lập, Nguyễn Phú Yên, Miên Đức Thắng… trong khi tôi lại e ngại tránh xa những người nổi tiếng có lẽ vì bản chất nông dân “vườn rau ao cá”, không đủ can đảm mượn hào quang của người khác để thắp sáng mặt mình. Trong tôi, Nguyễn Xuân An là một ca sĩ có giọng ca thiên phú, mượt mà, truyền cảm rất độc đáo.
Vắng đi gần 30 năm, trở lại quê nhà, tôi gặp lại Nguyễn Xuân An vào năm 1992 tại nhà Năm Đồng, vợ chồng người cháu ruột. Hình như cái giao tình “Tình Lúa Duyên Trăng” gác chân lên nhau nằm ngủ dưới trăng đồng quê với An thuở nào chỉ còn lãng đãng khói sương trong tôi và cả trong An. Có lẽ thời kỳ này, Nguyễn Xuân An đã trở thành một nhạc sĩ với những bài hát do anh sáng tác có giai điệu tha thiết, tài hoa. Hai bản nhạc do An sáng tác được phổ biến nhiều nhất là bản “Vị Đắng Cà Phê…” và đặc biệt là bản nhạc “Tạm Biệt Huế” phổ thơ Thu Bồn. Thơ Thu Bồn về Huế đã như một dòng chảy âm thầm mà sâu lắng; nay kết hợp với giai điệu ray rứt buồn, miên man nhớ của Xuân An làm cho người nghe mường tượng một hòn vọng phu vừa hóa đá của cảm xúc vừa đi về phía… bên tê:
“… Nhịp cầu cong và con đường thì thẳng
Một đời anh tìm mãi Huế nơi đâu
Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu…
…Tạm biệt Huế với em là tiễn biệt
Hải Vân ơi đừng tắt ngọn sao khuya
Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng
Anh trở về hoá đá phía bên tê”.
Xuân An ra đi ngày 25-10-2007 ở tuổi 62 tại Sài Gòn. An hơn tôi một tuổi. Ở tuổi nào mà đi mãi không về thì cũng có người cho là quá sớm và như Hemingway thì cho là quá muộn… thế thôi – quá ngọ em về hơi muộn, quá khuya em đến chưa tàn – Những anh chị em thế hệ chiến tranh Việt Nam lần lượt ra đi. Những ly rượu nửa cạn, nửa đầy giở cuộc. Nhắc đến ca nhạc sĩ Nguyễn Xuân An là nhắc đến bản trường ca của cả một thế hệ. Tôi ở bên nầy biển, không đến tiễn bạn ra đi, nhưng rồi ai cũng sẽ gặp lại trong một ngày “hóa đá phía bên tê”. Chúc Xuân An sẽ gặp bạn hiền Thành Nội Nam Giao – như Phùng Quán, như Hải Bằng, như Trịnh Công Sơn, như Bửu Chỉ, như Thái Ngọc San, như Tôn Thất Văn… – trong cuộc hẹn hôm ni và mai tê trùng trùng duyên văn nghệ: “Nghìn năm sỏi đá cũng còn có nhau”.
Trần Kiêm Đoàn
New Castle đêm Halloween 10-2007