BẤT TRẢM MÃ. Truyện ngắn của Lê Quang Kết
Truyện ngắn
BẤT TRẢM MÃ
Lê Quang Kết
Sơn lộ vượt
đèo Chuối từ Phú Tân lên làng Công Hinh ngoằn ngoèo, đường dốc hiểm trở. Hai vợ
chồng kẻ gánh người gồng - họ chẳng nói chẳng rằng chỉ lầm lũi bước. Ngoài Trung
hồi ấy có tin lụt bão mất mùa nhiều người phải bỏ làng bỏ xứ tha phương. Thoạt nhìn dễ lầm rằng họ đã luống tuổi nhưng nhìn kỹ lúc
nghỉ bên vệ đường mới đoán chừng họ chỉ trạc ba mươi. Đi đâu mà đôi quang gánh cực
nhọc khổ thế không biết?
Vùng đất này ngày trước là địa
bàn cư trú của người thiểu số bản địa. Già làng kể chuyện : Bộ tộc xa xưa đã có
trận chiến đấu long trời lỡ đất với tộc người lớn mạnh phía Nam. Bất phân thắng
bại họ quyết định trồng tre thành rừng làm ranh giới đặt tên La Ngà. Cái tên thì
giờ vẫn lưu giữ nhưng tre pheo chẳng còn. Nơi đây là đất lành. Thế núi thế suối
thế cây hài hòa cân đối âm dương. Thuật phong thủy dự báo đầy xác tín : Chỉ vài
thập kỷ thôi, chỗ này sẽ mọc lên phố núi tuyệt vời với nghề trà nổi danh khắp chốn.
Ngay giờ mới sơ khai đã có các đồn điền trồng chè với mấy ông chủ Tây oai phong
lẫm liệt. Trong số ấy có một ông Tây trí thức thông thạo đông tây và nghe đồn ông
ta đang nghiên cứu văn minh Trung Hoa tối cổ. Người bản địa thích ông ta, tiếng
lành đồn xa.
Tạm an cư với chòi tranh tre nứa
lá nơi đất lạ, hai vợ chồng người miền Trung cần cù hôm ấy đến xin ông Tây“tối cổ”
vào phu đồn điền trà. Người thông ngôn chỉ mới nói vài câu tiếng Pháp ông ta vui vẻ nhận lời ngay. Tạm thời
mỗi tháng lương chồng tám đồng làm gác dan, vợ năm đồng chuyên hái chè. Sung sướng
hơn bắt được vàng, hai vợ chồng mừng thầm trong bụng- có việc thu nạp, có chỗ dung
thân. Từ đây biết đâu thoát cảnh đói nghèo, thoát đời lam lũ? Tối hôm ấy vui như
mở cờ - họ không tài nào chợp mắt. Đố ai mà ngủ được?
Mấy tháng sau quen hơi quen việc, họ bàn tính chuyện sum vầy
:
- Hay mình thu xếp về quê đưa thằng Khó vào kẻo tội nghiệp mệ ngoại, ai đời
bỏ con cho người già sắp sửa gần đất xa trời cưu mang.
Người vợ ưng bụng lắm nhưng ậm
ừ như thể chẳng đặng đừng.
- Ừ thì tui đi, mình cố sửa mấy tấm phên nứa cho kín tối lạnh gió khỏi lòn.
Cũng mất đêm trăng sáng đến tối
trăng lu chị mới đưa thằng Khó tới đồn điền. Giờ cả nhà vui vầy - mạ với con như
cơm với cá. Thằng bé tung tăng bay nhảy theo mạ hái chè mỗi buổi. Tối tối bên ngọn
đèn dầu cha con lại tập tễnh đánh vần ê a làm vạt đồi vốn yên ắng giờ sôi động hẳn
lên. Chao ôi! Ấm êm quá còn có gì bằng?
Ông chủ
Tây ở mãi tận Sài Gòn, mỗi tháng lên thị sát đôi lần kiểm tra thu chi sổ sách. Công
việc thu hái, chế biến, bán buôn đã có các thầy ký thầy cai. Chẳng hiểu sao lần
này ông Tây lại ở lâu đến thế. Bên ông ta còn có một cụ dáng Nho gia khăn đóng áo
dài đen đi lại miệng luôn lẫm nhẫm: “Thần nông thưởng bách thảo, nhật ngẫu thất thập
nhị độc, đắc trà nhi giải chi” - “Trà vị khổ, ẩm chi sử nhân ích tư, thiểu ngọa,
khinh thân, minh mục.” – “Sài, mễ, do, diêm, tương, sú, trà” - “Trảm mã trà”(1)…
Ông Tây nghe câu nào cũng hỏi hỏi ghi ghi rồi gật gù đắc chí - thích thú lắm.Vợ
chồng người phu chẳng hiểu chi mô tê rứa nhưng bụng nghĩ lung.
Việc gì đến phải đến. Tối hôm ấy
chồng được mời lên. Vợ ở nhà lo. Cực khổ chi ngoài quê còn có bà con chòm xóm, vô
xứ này biết tính răng đây? Chồng về tới chòi đã khuya - im thin thít, gác tay lên
trán thở dài… Sáng mai trước khi lên đồi chè vợ gặng hỏi nhiều lần nhưng chồng vẫn
ậm ừ lầm lì nín thinh.
Có việc quan trọng người chồng phu đồn điền phải đi mấy ngày. Lúc về dẫn
theo một chú ngựa tơ da nâu bờm đen trông xinh xắn. Tối hôm ấy vợ chồng nhỏ to thầm
thì một lúc lâu – nhìn mặt họ lạ lắm. Trông có vẻ buồn lo nhưng bụng ra chiều ưng
ý mãn nguyện.
Chú ngựa tơ bị nhốt nhịn ăn chỉ được uống nhiều nước cho sạch bụng. Trong
khi một đồi chè nổi tiếng thơm ngon lâu nay
chỉ để tiến cung giờ được cắt cử chăm sóc đặc biệt. Hơn một tuần trôi qua- cái ngày
định mệnh đã đến nhưng đồn điền trà bỗng nhiên kháo lên chuyện vợ chồng người phu
và đứa con nhỏ đã bỏ đất lành yên ấm ra đi biền biệt… Họ đi đâu? Về đâu?
Lục Vũ được vua giao soạn “Trà kinh”- có chuyện
giết ngựa đoạt trà. Vệ Linh Công mê tửu sắc, say vũ nhạc, bỏ bê việc nước. Vệ có
người thứ phi là Viên Nhi lăng loàn đồng thanh đồng khí đã nghĩ ra chuyện cho ngựa
gặm trà vào lúc chiều tối. Tinh mơ trảm mã mổ bụng lấy trà pha chế - thứ trà ấy
uống vào thập toàn đại bổ - nhất dạ ngũ giao… Còn người xứ trà truyền tụng : Người
phu được ông Tây giao chuyện “trảm mã”, tiền công thưởng lên tới mấy trăm đồng bạc
Đông Dương - một số tiền quá lớn với người đang cùng khổ tha hương. Anh nhận lời
đi mua ngựa. Vợ chồng thuận lòng dắt ngựa lên đồi trà ngon để chú ngựa non tơ gặm
trà một tôm hai lá đang còn ngậm tuyết. Chỉ có điều đoạn cuối vở kịch khác xa chuyện
xưa Linh Công nước Vệ. Hai vợ chồng người phu nghèo khó ít chữ kia đã quyết định
“bất trảm mã”. Khuya hôm ấy, khi núi rừng im lìm giấc ngủ- họ đã thả chú ngựa non
tơ vô tội tử tù kia về với đại ngàn thênh thang. Người phu nghĩ ra cái điều vô cùng
bình thường, giản dị - giết chú ngựa kia là vô đạo, là bất lương, phi nhân phi nghĩa-
thả chú ngựa về rừng là hợp với lẽ trời, lẽ tự nhiên- thế thôi…
(1)Thần Nông nếm hàng trăm
thứ cỏ, gặp phải 72 loại cỏ độc, uống chè là giải độc được ngay.
Chè vị đắng, uống vào tư duy tốt, nằm ít đi, thân nhẹ nhàng, mắt tinh sáng.
Củi, gạo, dầu, muối, tương, dấm, chè (7 thứ thực phẩm quan trọng của người
Trung Hoa)
Lê Quang Kết, Trường Trung học kỹ thuật và dạy nghề Bảo Lộc.
ĐT: 063 717123- 0907615510- Email:lequang54@gmail.com