BÊN NHỮNG GIẾNG XƯA
ới
những phương tiện kỹ thuật ngày nay, người ta có thể dẫn nước đến khắp mọi nơi,
phục vụ tận chỗ và vào mọi lúc cho mọi nhu cầu sinh hoạt.
Nhưng
đâu phải vì thế mỗi khi nhớ về, lại không dấy lên trong chúng ta một nỗi tiếc
thương về sự biến mất lặng lẽ của những giếng xưa cùng bao hình bóng.
Những
giếng làng miền Trung ngày ấy vốn được đào theo phương pháp thủ công, số lượng
cùng vị trí tùy thuộc vào sự phân bổ cư dân. Theo lời của những bậc trưởng lão,
lễ khởi công bao giờ cũng hội đủ văn võ bá quan: cụ tiên chỉ áo dài khăn đóng,
ông hương ông lý cau trầu thành khẩn. Mọi việc nhất nhất đều được tiến hành
theo một quy trình hết sức trang trọng.
Miệng
giếng hình vuông hoặc tròn thường được mở trên một thế đất tương đối cao, cạnh
hay đường kính khoảng 1,5m – 2m nhưng sâu cạn không chừng. Ngoài cái giếng cạnh
khu đình cổ nghe đâu đào chưa tới mươi thước ta (thước ta = 4dm) trúng ngay
long mạch “non nước” tha hồ, các giếng còn lại chiều sâu gấp rưỡi hoặc gấp đôi
thế.
Nhằm
tránh bị tuột đất, thành giếng từ dưới lên đều xây bằng đá. Đáy giếng tất nhiên
lót ván, loại gỗ chịu nước nhiều tấm ghép vào nhau. Riêng phần lộ thiên cao
khoảng nửa thân người, mặt ngoài được tô nhẵn hơn với bốn trụ tròn nhô thêm
chừng ba tấc ở bốn góc, chẳng rõ kiểu cách bắt buộc hay xuất phát từ sự ngẫu
hứng của bác thợ cả nào đấy!
Bài
bản vậy song vẫn có giếng nước cung không đủ cầu. Tay
nghề thầy địa cây nhà lá vườn khiêm tốn hay thần thánh cũng có lúc buồn vợ giận
con, say say tỉnh tỉnh: ngỡ đào giếng cũng như đào hố cất dấu rượu, càng sâu
càng tốt?
Tiếc
một nỗi qua cái tên gọi, trời xanh lại “quen thói đánh ghen… nhầm” nên trong số
những giếng có dấu hiệu sẽ tịt ngòi, ngòai giếng Ngọc ở cuối làng còn có tên
tuổi đáng yêu của chiếc giếng sau lưng miếu thờ Ngài Khai Canh: giếng Kiều.
Nhưng
“lạ gì bỉ sắc tư phong” nên ngay cả với sự vật vô tri, tạo hóa dẫu sao vẫn
không quên dành riêng một chút đãi ngộ theo tinh thần hơn thiệt bù trừ: nước
giếng Kiều càng khan hiếm càng ngọt trong và mát, bá tánh uống đến đâu lòng dạ
hân hoan đến đó.
Thuở
chúng tôi còn bé, phần ngầm lẫn phần nổi của giếng đều đã phong rêu. Một loại
dương xỉ tầm gửi bên trong các hốc lõm hàng hàng lớp lớp, có cây còn thè ngọn
dài cả gang tay. Tuy nhiên vốn là họ nhà thảo thân mềm, không gây phiền lụy cho
bất cứ ai nên chúng tha hồ sống lâu sống khỏe.
Đáy
giếng cũng bị lún, mùa khô nước cạn tụ vào góc thấp tựa một vũng nước đọng với
mặt thoáng chừng nửa mét vuông và độ sâu nhiều lắm ngập một ngón tay, rất khó
múc. Phải dùng loại gàu chuyên dụng bằng mo dừa và chỉ những thôn nữ chính gốc
may ra, khi buông không cần nhìn xuống gàu vẫn rơi đúng tầm và ở vị thế nằm
nghiêng. Miệng gàu hướng ra tâm giếng, đáy gàu ngược lại sát góc và thấp hơn.
Đang lúc nước ùa vào, giựt mạnh dây theo một độ lệch nào đó sẽ giữ được một
lượng tối đa. Do mo gàu ngấm nước sẽ mềm có tính gần như đàn hồi, độ chao của
nước trong gàu vì thế không đáng kể. Thậm chí gàu nhỡ chạm thành giếng, nếu là
ban ngày nước bắn ra cũng chỉ lấm tấm những hạt vừa đủ óng ánh bảy sắc cầu vồng
trông càng thêm đẹp mắt mà thôi.
Trường
hợp nghiệp dư như những anh trai khôn học đòi chọn vợ “giếng đông” thì dẫu đầu
hôm thùng trống quảy đi, nửa khuya rất có thể vẫn thùng trống quảy về.
Ấy
thế, phép làng dù bất thành văn dễ đâu cho phép anh nào có mặt tại giếng Kiều
vào lúc đêm hôm kia chứ! Trót nhỡ thương thầm nhớ trộm, hãy tìm hiểu lộ trình
đi về của từng chị rồi giả vờ đứng ngắm đom đóm bay qua ở một hàng giậu nào đó
nhằm mượn cớ tỏ tình. Song liệu có kiên trì chờ đến lúc “trăng… ngang đầu núi”
hầu gặp được người trên vai “nước non” nặng gánh, lại bất ngờ thấy lẽo đẽo theo
sau là một hai thằng em nhóc tì cận vệ?
Mấy
ai đã nên duyên chồng vợ trong những đôi lứa gánh nước và kiên trì chờ trăng
ngày ấy, tôi không biết nữa. Chỉ biết vào những năm tháng tôi xa, dấu binh lửa
đã không ít lần in đậm dọc các lũy tre bờ ruộng. Thay vì ra giếng đêm đêm, một
số trong các chị đã vĩnh viễn yên nằm tại nghĩa trang làng sau những ngày đầm
nước mắt: mẹ khóc con, lũ em khóc chị và bạn bè khóc nhau…
Nhưng
thôi, hãy trở lại với giếng Kiều – đấy là cách tưởng nhớ đến các chị “những
hình tượng một thời” về phẩm cách của phụ nữ quê tôi ngày đó.
Là
giếng cung cấp sản phẩm chất lượng cao nên quanh “Kiều” luôn nhộn nhịp… bướm
ong. Ai cũng muốn mang về dù khuya khoắt một lượng nước tối thiểu. Ngoài việc
nấu ăn đun trà, ít ra còn cho lũ trẻ như chúng tôi tu sống mỗi ngày. Tắm rửa,
giặt giũ hay tưới tiêu đã có nước sông thông qua các con hói nhỏ chạy song song
đến cận bìa làng.
Riêng
chuyện điện đóm thuở ấy ở quê nghèo cứ như là ánh đèn thần nghìn lẻ nào ai dám
mơ, dầu thắp còn hạn chế huống gì. Hễ đêm xuống có trăng hay không, nhà nhà vẫn
dọn bữa ra sân mà sắn khoai là chính. Thức ăn chỉ thuần rau luộc, muối dưa nên
cố tình gắp nhầm cũng khó. Nhầm (!) chăng
là lũ trẻ chúng tôi, những khi có thêm món chả trứng, dĩa thịt kho hoặc tô canh
cá.
Cơm
nước xong chẳng cần văn ôn võ luyện học thêm học bớt, chúng tôi lăn kềnh ra
trên những đống dây lang còn nguyên cả lá lẫn rễ ngắm nghía chị Hằng rồi thiếp
đi. Chừng tỉnh giấc trăng đã lưng lửng ngọn tre và đây đó vẳng lại một thứ âm
điệu xập xình nghe quen từ đầu trên xóm dưới, ngõ hẹp ngõ tắt.
Vâng,
chỉ những cái thùng thiếc rỗng dập vào các quai gióng thép theo nhịp chân đi
mới phát ra thứ âm sắc vui tai đến thế.
Thứ
nhạc hiệu nhắc khéo các chị trong xóm đã đến giờ “họp giếng” rồi đấy ! Và đúng
thế thật, chị tôi đang chải tóc vội chạy ra cổng nhìn ngược nhìn xuôi. Đâu đâu
cũng “kiến kỳ thanh bất kiến kỳ hình”
(1) những đồng nghiệp
gánh nước giếng khuya của chị.
Cuối
cùng cũng gióng cũng thùng trên vai, chị tôi ung dung băng ngang sân chào mọi
người. Qua chỗ chúng tôi chị không quên vẫy vẫy tay trêu, miệng cười rất tươi
như thể những thiếu nữ thị thành ngày nay trên đường ra phố mua sắm thời trang
vậy. Mãi sau này lớn lên hầu như không bao giờ tôi còn gặp được một hình ảnh
nào sống động và ý nghĩa hơn, phản ánh niềm vui cùng nói lên giá trị của sự cần
lao bằng hình ảnh chị tôi với cặp thùng thiếc rỗng đi ra ngõ vào lúc ấy.
Tựa
lòai chim sâu nhỏ bé thiếu khả năng tự vệ thường phải nương thân trong những
lùm cây nhiều gai nhọn để kiếm mồi, người dân quê nghèo tự bao đời đã khéo
thích nghi với sự khắc nghiệt của môi trường. Họ lặng lẽ khai thác theo chiều
ngược lại một cách ung dung từ sự “dè sẻn” của thiên nhiên từng niềm vui nho
nhỏ. Giả sử nuớc giếng Kiều luôn đầy hoặc thay vào đó bằng một giếng khoan, một
máy bơm hiện đại chẳng hạn, làm sao những cô gái trong làng tận dụng được danh
nghĩa để tham dự những buổi họp mặt thắm thiết kéo dài đến tận nửa đêm?
Bài
học “tri túc tiện túc… tri nhàn tiện
nhàn…” (2) các
chị nào được tiếp thu. Song bắt nguồn từ những hạn chế và trong những điều kiện
làm việc vượt quá sức mình, các chị sớm biết cách tự hóa giải mọi nỗi nhọc nhằn
để tồn tại và vui sống.
Lũ
em tôi mắt nhắm mắt mở reo lên vừa lúc chị khuất dạng rồi ngủ tiếp như thể nằm
mê, nhưng tôi thì không: đã bao lần tôi cố thức để được theo các chị ra giếng.
Ở
đấy trên đám cỏ xanh chằng chịt rễ của một thân cây đa cụt ngọn dễ mấy vòng ôm,
các chị tự giác ngồi đánh vòng từng nhóm theo thứ tự đến trước đến sau. Không
vội vã, không tranh phiên. Thay vì lo việc… nước, các chị chẳng ai bảo ai hồn
nhiên nhập cuộc như thể đến đây chỉ để tham dự một buổi liên hoan rồi về. Các
chị bàn bạc, các chị ríu rít cơ man những chuyện trên đời: chuyện nắng chuyện
mưa, chuyện thương chuyện nhớ, chuyện buồn chuyện vui…
Xen
kẽ giữa những câu chuyện tâm tình và gỡ rối ấy là từng món quà vặt, thổ sản của
vùng quê đất cày lên sỏi đá được chuyền tay nhau. Vài trái ổi xanh, từng chùm
khế chua chua ngọt ngọt hay những quả chay đang độ chín tới kèm theo vô số gói
lớn gói nhỏ muối ớt. Có chị còn mang theo cả đùm ốc gạo đã luộc chín, những con
ốc gạo bé tí mà thịt của chúng vừa ngọt vừa bùi được khươi bằng các đầu cây bốm
và những cậu em ngoan ngoãn như tôi mặc sức xí phần.
Chiến
trường ăn uống sau đó luôn được thu dọn nghiêm túc và mỗi sáng mai, đố ai biết
rằng đêm đêm quanh giếng có một cuộc đánh chén rộn ràng của những nàng tiên
nghèo… không cánh!
Tất
cả sinh họat bên những giếng xưa ấy, tự bao giờ đã góp phần không nhỏ trong
việc tượng hình một phong cách sống đậm tính văn hóa và đầy chất đồng nội. Vô
hình chung đấy còn là một trung tâm góp nhặt và truyền đạt thông tin, phát huy
kinh nghiệm ứng xử cũng như vun đắp truyền thống “nhiễu điều” (3) giữa một lớp người đồng hương đồng tộc…
Sự
thường xuyên san sẻ tâm tình còn giúp các chị tự điều tiết “cái tôi” vốn chịu
nhiều ức chế ở tuổi dậy thì. Có phải nhờ vậy mà chứng trầm uất đã thiếu đất
sống trong tập quần của bao cô gái quê mộc mạc? Giềng mối gia đình ở chốn điền
dã cũng thế, hiếm khi xẩy ra những sự cố ngậm ngùi để luôn tồn tại bền vững?
Trường
hợp vào mùa khô hạn, đêm lại quá khuya mà giếng không đủ nước, mọi người tự
nguyện san bớt cho nhau cốt sao vừa đủ nặng thùng nhằm dễ gánh để ra về cùng
lúc. Từng kỷ niệm cứ thế được chắt chiu và gìn giữ như một thứ “hồi môn tập
thể” dành sẵn cho nhau chờ ngày, bởi ai dám chắc trong… “đám xuân xanh ấy” có
kẻ:
…
năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang
(4)
Nhưng,
sẽ ra sao ngày mai – người ở người đi, giọt vắn giọt dài đầy vơi lưng giếng:
Ngõ
cũ không mong người trở lại
Mà
mùi hoa mộc vẫn thơm đưa (5)
*
Năm
tháng trôi qua, chưa hết cấp tiểu học một số trong những cậu bé quê chúng tôi
lên tỉnh học. Rồi chiến tranh và đời
lính, sự mất mát cùng bao mối hiểm nguy rải khắp. Thị tứ phồn hoa hay chân trời
góc biển, ruộng đồng bát ngát hay núi thẳm rừng già… Dễ gì chúng tôi được phép
dừng chân đủ lâu ở một nơi nào đó, hầu mong bắt gặp dù chỉ trong giây lát hình
ảnh của một thời ấu thơ thanh bình bên những giếng nước. Nhưng, những gì hơn
một lần ghi khắc vẫn còn đó. Một dạo tôi về sau nhiều năm xa cách, ngỡ cùng với
khung cảnh “con cò vẫn bay… cùng mùi khói rơm quen thuộc” sẽ nhìn thấy lại
giếng xưa.
Nhưng
đó đây từng chòm cây lá rũ mà giếng xưa đâu và các chị, “những người muôn năm cũ” ấy?
Bao
nhiêu thân phận nữ nhi ngược xuôi nặng nợ cơm áo, dọc đường đạn bom đã nghìn
năm ngủ giấc? Bao nhiêu tráng thôn “cổ lai chinh chiến” mấy ai hẹn về khiến
người người dần phai nhan sắc… “trong nhờ đục chịu mười hai bến nước” vẫn còn
đó một bến đợi không chồng? Bao nhiêu và
bao nhiêu goá phụ muộn phiền cuối đời quạnh hiu, đành quê người đất khách bước
thêm bước nữa?
Đâu
rồi giếng xưa với những dáng người trinh bạch, từng đôi mắt ngước nhìn thành khẩn
song duyên số mãi cứ chập chùng… gói tròn thương tiếc?
Gốc
đa xưa cũng đã mất dấu, thay vào đó là một kiến trúc miệt vườn thời kỳ hậu
chiến chuyên kinh doanh dịch vụ “văn hóa”! Những dòng chữ nguệch ngoạc trên
những bức tường màu sắc diêm dúa, chân dung những mỹ nhân “thiếu mặc” những
siêu “người mẫu đói ăn” cùng hằng hà những áp phích quảng cáo dung tục hạ thấp
nhân phẩm…
Nhớ
về các chị như nhớ về… từng người tình đã bỏ… (chúng) tôi đi, nhân danh mùa
xuân thấm thoắt, chợt dưng tôi muốn khóc nhưng không thể. Sự dị ứng trước trào
lưu thực dụng của một lớp người đang muốn trả thù quá khứ nên hối hả đổi đời?
Mặc cảm dửng dưng của những kẻ vốn từ
lâu bị gạt hẳn sang lề, mất hết sĩ khí và lòng tự trọng?
Hay
do con tim vốn dĩ yếu mềm sau bấy nhiêu bầm dập, nhịp phách nay trót đã vô
thường ?
NGUYỄN VĂN SA
(nguyennguyensa@hotmail.com)
Chú
thích
:
Ngoài
các cụm từ trong ngoặc kép “…” thường là ý mượn từ thơ văn của nhiều tác giả.
(1)
Nghe tiếng chứ không thấy hình.
(2)
Biết đủ xem như đủ, biết nhàn xem như nhàn.
(3)
Tấm vải màu đỏ che trước khung kính có di ảnh người đã khuất trên bàn thờ
(nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng)
(4)
Thơ Hàn Mặc Tử
(5)
Thơ Quang Dũng (Cố quận, 1940)