MỘT CÁI TÊN LÀNG ĐỘC ĐÁO:
Khoảng năm 1969-1970, làng tôi có tổ chức một Đại Trai đàn - Chẩn tế rất nghiêm trang và hoành tráng theo nghi thức nhà Phật. Suốt gần một tuần của lễ, trên máy phóng thanh, ngoài những tiếng kinh, tiếng cầu nguyện của các vị chủ trì lễ, thì thỉnh thoảng lại vang lên những lời thuyết minh về nguồn gốc, lịch sử của làng. Không chỉ những người khách ở các nơi khác đến dự cảm phục mà kể cả những người làng khi biết làng mình đã được thành lập từ lâu đều rất tự hào. Các vị khai canh, khai khẩn là những người đã theo bước chân của chúa Nguyễn Hoàng rời bỏ quê hương Thanh Hóa vượt đèo Ngang vào Châu Ô, Rí để lập nghiệp. Nhà Chúa thì khai sáng cho một triều đại phong kiến hùng mạnh, thoát ly với Vua Lê, Chúa Trịnh ở Đằng Ngoài, còn những lưu dân và binh lính đi theo Chúa, đã tạo dựng nên những làng xã mới trên bản đồ đất nước, trong đó có cái làng Liễu Cốc của tôi.
Người viết bài lịch sử về làng lúc đó là Trần Kiêm Đoàn. Bằng cảm nhận và tài năng của một nhà văn Trần Kiêm Đoàn hiện nay, lúc bầy giờ, tuy chỉ là một sinh viên Văn khoa, nhưng anh đã dẫn dắt người nghe về cái hình ảnh của những vị sáng lập ra làng lúc buổi đầu rất ấn tượng. Đó là hình ảnh những con người lao động, buổi trưa ngồi nghỉ trong hang đá, phía trước có những cây liễu rũ mà lòng thì nhớ khôn nguôi về quê cũ. Chính vì vậy mà tên làng lúc mới thành lập được gọi là làng Liễu Cốc (làng có hang liễu). Lũ trẻ chúng tôi lúc bấy giờ luôn nghênh cái mặt lên, tự hào về cái tên làng đẹp nên thơ, độc đáo như vậy, ăn đứt tên của các làng khác chung quanh như Cổ Lão, Dương Sơn hoặc to như làng Hương Cần cũng không bằng. Cũng có anh ở cái làng to đó, đang học ban Việt Hán ở trường Đại học Văn khoa Huế dẫn lời bài thơ Tống nhân của Nguyễn Du để chứng tỏ làng anh ngon hơn:
“Hương Cần quan đạo liễu thanh thanh
Giang Bắc, Giang Nam vô hạn tình…”
(Nguyễn Du – Tống nhân)
Dịch thơ:
Đường cái Hương Cần xanh liễu xanh
Người Nam, kẻ Bắc xót xa tình…
(Nguyễn Phúc Vĩnh Ba)
Có lẽ hồi đó cụ Tiên Điền đã nhầm vì tưởng con đường cái quan Bắc - Nam (quốc lộ 1 ngày nay) đi qua đất làng Hương Cần. Thực ra, con đường đó đã đi qua đất của 3 làng: La Chữ, Liễu Nam. Liễu Cốc Thượng, mà trong số đó thì hai làng: Liễu Nam (Liễu Cốc Nam), Liễu Cốc Thượng vốn là từ làng cũ của tôi (Liễu Cốc) tách ra.
Lúc đầu, làng tập trung ở khu vực phía trên núi. Dần dần, khi dân số tăng lên, các cụ chuyển về phía đông, sát con sông Bồ ranh giới hai huyện Hương Trà và Quãng Điền ngày nay. Có lẽ ý các cụ muốn làng phải có sông, có núi mới là địa linh nhân kiệt. Người đông, đất rộng nên rồi các cụ lại quyết định chia làng thành ra những làng nhỏ hơn, tên có gọi khác chút nhưng cái gốc vẫn còn: Liễu Cốc Thượng, Liễu Cốc Hạ, Liếu Cốc Nam, gọi tắt là Liễu Thượng, Liễu Hạ, Liễu Nam. Nghe chữ là biết đó là những làng anh em. Làng tôi hiện nay là Liễu Cốc Hạ. Các cụ lớn tuổi trong làng còn kể, ngày trước (dạo trước 1945), hàng năm mỗi kỳ đi chạp mả tổ tiên, bà con trong họ phải bới cơm đi từ mờ sáng để lên đến nơi kịp dãy cỏ các mộ để kịp chiều còn cuốc bộ về nhà, cúng tế. Ngày nay, lớp con cháu chúng tôi có xe máy, chỉ cần nửa tiếng, một giờ đã đến nơi. Ba làng bây giờ thuộc về ba xã khác nhau, nhưng làng nào cũng có bà con, con cháu của các họ. Hàng năm, những dịp chạp mả mồ, cúng tế con cháu các làng tập trung, nhờ đó, sợi giây tình cảm vẫn luôn ràng buộc mọi người với nhau.
Vậy mà lớp con cháu như bọn tôi sau này cũng không mấy người gắn bó với làng xóm. Không phải lòng họ muốn như vậy mà chính là vì hoàn cảnh sống. Trước 1975, có người tập kết ra Bắc, phải 20 năm sau mới có dịp trở về làng, nhưng nhiều nhất vẫn là những người phải đi lính, làm công chức cho chế độ trước 75 ở miền Nam. Gần thì loanh quanh các nơi trong tỉnh hay ra Quãng Trị; xa hơn thì đi vào miền Trung, lên cao nguyên hoặc vào đến miền Nam. Hình như, ở trong mỗi con người đó bây giờ. những cảm nghĩ và lối sống không còn giống như trước. Cái “hương đồng gió nội“ đã “bay đi ít nhiều” ( Nguyễn Bính). Không phải là họ thay lòng đổi dạ, nhưng hoàn cảnh sống khiến họ không thể như cũ được. Sau 1975, một số người làng ra đi định cư ở một phương trời xa lạ ở nước ngoài. Vì cuộc sống khó khăn, nhiểu người đã tha phương cầu thực ở khắp nơi trong nước. Những người ở lại đã làm cho số dân làng ngày càng đông hơn, bộ mặt của làng cũng khá hơn trước. Những người xa quê đã lâu nay mới trở lại không khỏi ngỡ ngàng trước những thay đổi của làng mình. Cũng như họ, tôi dã băn khoăn đi tìm những hình ảnh ngày xưa, nhưng chỉ là hoài công. Bây giờ cả làng hình như chẳng còn mấy cây tre. Các đường xóm được đổ bê tông sạch sẽ, hai bên là hàng rào được xây dựng đàng hoàng bằng gạch với sắt thép. Những ngôi nhà đơn sơ bằng tranh nứa hoặc nhà xây theo lối cổ ngày trước với vườn cây rộng mát, nay đã không còn. Thay vào dó là những căn nhà hộp, nhà tầng theo lối mới, mọc san sát bên nhau. Cả làng như đang trở thành một khu đô thị mới. Trước kia, từ cỏng làng tôi nhìn xuống giáp Chùa của làng Hương Cần chỉ là một con dường dất, một bên là sông Bồ, một bên là đồng ruộng trải dài đến tận quộc lộ 1. Nhưng bây giờ là một khu phố mới sầm uất. Đồng ruộng đã lùi xa để nhường đất cho sự đổi mới của làng xóm.
Những hình ảnh cũ ngày xưa giờ chỉ còn đọng lại trong tiềm thức, hiện rõ trong những giấc ngủ chập chờn của những kẻ xa quê như tôi.
NHỮNG NGƯỜI THÂN TRONG GIA ĐÌNH
Tôi là một người xa quê trên đất nước mình từ sau khi tốt nghiệp đại học đến tận bây giờ khi đã nghỉ hưu. Hơn 60 tuổi đời, tôi đã gắn bó với làng quê hơn 20 năm. Đó là những kỷ niệm đẹp về một giai đoạn đầu của đời người: kỷ niệm về những ngày đi học đầu tiên, về những sinh hoạt bạn bè tuổi nhỏ và cả những kỷ niệm ngọt ngào của đôi lứa… Từ khi lên cao nguyên dạy học cả hai thời kỳ trước và sau 1975, hình ảnh về cái làng nhỏ bé chỉ còn thấp thoáng trong nỗi nhớ không nguôi. Tôi đã ở lại và gắn bó với mảnh đất Tây nguyên nầy. Những người thân yêu trong gia đình lần lượt qua đời trong nỗi xót xa tột cùng của tôi. Có người mình về được lúc lâm chung, nhưng cũng có người không về được. Nỗi đau xót, dằn xé tâm can nhất vẫn là nỗi ân hận vì việc thiếu chăm sóc của mình đối với ông bà, cha mẹ … lúc tuổi già. Bây giờ, khi tuổi đã lớn, khó khăn trong sinh hoạt và cuộc sống, mới nghĩ đến người thân ngày đó. Những ngày giỗ quải, ở nơi xa, mỗi khi thắp nén nhang cúng vọng về mà nước mắt muốn trào ra vì xót xa, ân hận. Tại sao mình không về quê với cha mẹ, ông bà. Có phải là vì công danh không? Đúng như tâm trạng của một nhà thơ:
“…khi tôi biết thương bà thì đã muộn
Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi.”
( Nguyễn Duy – Đò Lèn)
Nói về quê hương, không thể không nhắc đến những người con của làng xóm đã vượt trùng dương xa xôi để đi tìm một cuộc sống mới phù hợp với họ. Cuộc sống có thể đầy đủ về vật chất, thỏa mãn được những yêu cầu về văn hóa, bản thân và con cháu được tiếp xúc và học tập ở những môi trường khoa học hiện đại nhất của thế giới, nhưng đằng sau vẫn là một nỗi đau vô ngần.
Kiêm Thêm, một nhà thơ nổi danh từ những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước đã thảng thốt khi mãi mãi xa quê hương vì tuổi già không cho phép được trở lai nơi “sinh ra ta”
“Lũy tre làng có nhớ tôi không / Mái đình và nơi chốn đã ở / Ruộng lúa và cánh đồng/ Nơi đó khó quên được/…
Muộn quá rồi / Cánh chim bạt gió / Tuổi đã cạn / Như thế là mình mất rồi một tuổi trẻ / Vĩnh biệt cánh đồng / Và quê nhà”
(Kiêm Thêm – Ngôi nhà trên đồi Montery Hills)
Và Trần Kiêm Đoàn, thầy giáo “tháo giày” phải đi xa để tìm cuộc sống mới cho mình. Tác phẩm đầu tỉên Chuyện khảo về Huế có thể coi như những dòng hồi tưởng chân thật nhất về quê hương và những người thân của mình. Trong đó, tôi nhớ, nhà văn đã ghi lại rất xúc động về người mẹ quê của mình, mà trong tâm tưởng của anh chính là một bà tiên giữa cõi Ta Bà nầy. Hãy nghe anh tâm sự khi lần đầu tiên được trở lại quê hương sau 10 năm xa cách:
“Tôi áp má mình lên bàn tay khô khan của mẹ. Mẹ tôi có thể đã lẫn giữa cuộc đời trần thế nầy, nhưng với tôi thì không. Giòng suối thương yêu của mẹ đã chảy xuống đời tôi trong bao năm. Giòng suối không bao giờ khô cạn, nhưng những lớp rong rêu, hoa đá phù vân đã mòn nhẵn, chỉ còn cái lõi tinh anh và giòng nước cứ luân lưu kết thành một kỳ quan vĩ đại nhất: đó chính là trái tim mẹ". (Trần Kiêm Đoàn.- Chuyện khảo về Huế)
Anh đau buồn vì biết rằng đây có thể là lần cuối cùng anh gặp mẹ - Bà Tiên của đời mình. Khoảng cách nửa quả địa cầu và những khó khăn về kinh tế lúc đó không thể dễ dàng trở về lại khi mẹ mất được như những người ở trong nước.
Tôi là người ở trong nước, vậy mà khi ông nội, bà nội tôi mất sau ngày đất nước thống nhất, tôi vẫn không về được. So với những bà con ở nước ngoài có lẽ tôi là một kẻ không ra gì, một thằng hèn. Tôi u uất, đau xót vì những ân hận dày vò trong tâm tư của mình. Những giọt nước mắt chỉ làm ướt mi mỗi buổi tối trong giấc ngủ lại càng làm người xót xa hơn. Có lúc tôi muốn đấm vào ngực, tự xỉ vả sự thiếu sót đến mức hèn hạ của mình. Tôi mang tâm trạng đó trong suốt cuộc sống của mình. Tôi rất tiếc mình không có khả năng văn chương như KT, KĐ để thể hiện tâm trạng đó qua những câu thơ.lời văn cho thỏa nỗi đau xót tột cùng của mình. Vì vậy, bây giờ, quê hương với hình ảnh cái làng quê nhỏ bé ngày nào, những con người thân yêu lúc nào cũng thường trực trong nỗi nhớ của mình: “Lòng quê dợn dợn vời con nước, Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” (Huy Cận)
Vì vậy tôi đành tìm cách khuây khỏa qua những hồi ức về những kỷ niệm cũ. Viết như một lời tạ tội với quê hương. Mà kỷ niệm về tuổi thơ của những đứa bé nhà quê như chúng tôi thì rất nhiều.Trước hết là những kỷ niệm về những người thân trong gia đình. Khi tôi lớn lên, may mắn gia đình tôi vẫn còn đủ ông, bà, cha, mẹ, một bà cô và các em. Tôi đều thương tất cả mọi người như nhau, nhưng đối với tôi thì hình ảnh ông tôi và ba tôi là sâu lắng nhất.
Hồi đó, khoảng năm 1957, sau ba năm mài mòn đũng quần ở lớp năm trường làng (vì xã chưa có trường tiểu học) tôi được ba tôi cho lên Huế học lớp tư (lớp hai bây giờ) tại trường Tiểu học Trần Cao Vân ở trong Thành Nội. Người dẫn tôi lên Huế đến nhà trọ chính là ông nội của tôi. Từ đó, hàng tuần, cứ mỗi chiều thứ bảy, khi tôi vừa xuống khỏi xe buýt Đông Ba - Triều Sơn Tây thì đã thầy ông nội tôi chờ sẵn để đưa tôi về nhà. Hai ông cháu không đi theo đường quan mà băng đồng, lội hói để về nhà cho gần hơn. Tối lại, tôi được ông dùng cái quạt bằng mo cau., quạt mát đưa giấc ngủ. Ba tôi đi lính đóng tại Ka-đít-xết (Km 17, tức thị trấn Tứ Hạ bây giờ) tuy không xa mấy nhưng lại bận rộn, nên tuổi thơ của tôi ngoài việc đi học, còn lại là gần gũi với ông nội. Nhà tôi ở thôn quê, nhưng ruộng đất chỉ có mấy sào ta, nên công việc cũng khá rảnh rổi. Chính vì vậy, ông nội tôi lai có một nghề phụ làm suốt ngày, suốt tháng là đan nôi bội. Nguyên liệu là tre, những hàng tre bọc quanh nhà. Ông chẻ tre vót từng sợi mỏng đan thành những cái bội bán cho người ta đựng hàng ở chợ, nhốt gà vịt. Đây là loại vật dụng không cần bền chắc lăm. Điều quan trọng đối với tôi là ngày ông gánh hàng của mình lên phố (Huế) dể bán. Buổi chiều về, trong cái bị lát của ông bao giờ cũng có một cái giò bò, đuôi bò. Thế là, tối đó cả nhà tôi ngồi xúm xít chung quanh nồi cháo bò nóng và thơm phức. Đây như là một dịp cải thiện sau những ngày ăn uống kham khổ, công việc vất vả. Trừ ba tôi không có mặt, còn ai cũng vui cười. Ông nội bóc từng miếng thịt dính chặt xương bò, nhâm nhi ly rượu trắng mà bà nội mới mua hồi chiều. Sáng hôm sau, ông lại vác rựa tìm chặt những cây tre khác để lại chẻ, lại đan những chiếc nôi, chiếc bội khác, để chờ một bữa cháo bò lần sau. Hàng tuần không quên đi dón tôi về mỗi chiều thứ bảy. Việc chẻ tre, đan nôi bội của ông tôi kéo dài đến khoảng năm 1965-1966 thì nghỉ vì lúc ấy ông cũng dã già (77-78 tuổi), không thể gánh hàng đi bộ lên Huế để bán được. Thế là từ đó, nhà tôi không còn đước ăn món cháo bò khoái khẩu hàng tuần nữa. Thỉnh thoảng có người đi chợ Đông Ba ở Huế, mạ tôi lại gửi mua cái giò về nấu cháo để ông bà nội đỡ nhớ.
Những người khác trong gia đình (bà nội, ba tôi, mẹ tôi…), mỗi người đã để lại trong tôi những kỷ niệm sâu sắc.
Vì công việc nên ba tôi thường hay vắng nhà nhất, nhưng cũng là người đã ghi lại dấu ấn mạnh mẽ trong việc đào tạo tôi. Chính ông là người đã có “sáng kiến” và mạnh dạn đưa tôi lên Huế học tiếp bậc tiểu học, trong khi các bạn khác mãi loay hoay cái lớp năm ở trường làng với thầy Nguyễn Văn Đôn trong thời gian chờ trường tiểu học xã thành lập. Tôi học ở Huế được hơn một tháng thì trường tiểu học Hương Cần được thành lập, nhưng ba tôi khuyên không nên về. Sau này tôi mới thấy giá trị của thời gian trọ và học tiẻu học ở Huế: có những người bạn trai, những bóng hồng trong suốt đời mình khó quên. Nhớ đến ba là tôi nhớ những kỷ niệm khó quên. Ba là người đa tình và đa mang, đi lính ở đâu ba cũng có những người đàn bà khác ngoài mạ tôi. Chính tôi là người đã cùng những thằng bạn cùng lớp phá vỡ nhẹ nhàng chuyện tình của ba tôi với một cô ở trước nhà tụi nó. Sau 1968, ông chuyển đổi vào Cần Thơ và tại đây ông lại dính với một bà chỉ hơn tôi hai tuổi. Hè năm 1972, khi tôi vào Cần Thơ tìm nhà ông. Một cô bé khoảng 15, 16 tuổi mở cửa cho tôi vào và chạy nhanh vào nhà với tiếng hét vang: “Chị hai ơi, có ông nào xưng con anh hai vào tìm nhà!” . Hồi đó tôi có thêm hai em con của bà kia. Nói chung ba tôi không giận, chỉ nói: “- Mạ con mi, giỏi, chỗ nào cũng biết, cũng phá”.
Tuy không gần gũi trong việc chăm sóc tôi học tập, nhưng chính ba là người đã cổ vũ, động viên việc học của tôi chỉ bằng mấy lời nói và cả bằng việc học suốt đời của ông. Tôi nhớ những năm tôi thi đỗ vào trường trung học Hàm Nghi, thi đỗ bằng Trung học Đệ Nhất cấp (TN THCS bây giờ), rồi thi đỗ Tú Tài I, Tú Tài II… gặp ai ông cũng khoe. Nào: “Nó vừa thi đỗ càng - cua vào trường Hàm Nghi”, “Nó vừa thi đỗ Đíp - Lôm …” Những câu nói đầy tự hào đó như chính ông mới là người vừa thi đỗ, càng làm cho tôi thấy mình cần phải cố gắng học tập để cha mẹ vui lòng – con học tốt là niềm vui lớn của bậc sinh thành. Ông cũng là tấm gương cho tôi trong việc học tập. Tuy chỉ học hết bậc tiểu học, đỗ Pri-me (bằng Tiểu học) trước năm 1945, nhưng ông vẫn luôn cố gắng học thêm: chương trình văn hóa bậc trung học đệ nhất cấp (không thi tốt nghiệp hay có thể là thi không đỗ), học chữ Hán, tiếng Anh và sách luật…Thời tôi học lớp nhì, lớp nhất (lớp 4, 5 ngày nay), thỉnh thoảng rổi rảnh, ba tôi lại kèm tôi việc học tiếng Pháp. Tết năm Ất Mão (1975) khi chia tay tôi lên xe trở lại Pleiku sau dịp nghỉ tết, tôi còn nhớ mãi hình ảnh ba tôi với lời dặn dò: “Năm nay cố gắng cho ba mạ có dâu có cháu nội bồng” . Nghĩ đến bóng dáng của những bông hoa dang chập chờn ở Phố Núi, tôi dạ da, vâng vâng, hứa với ba. Nào ngờ đó là lần cuối cùng cha con gặp nhau, cái ước muốn rất bình thường của ba không thể thực hiện được. Ngày hôm nay khi tôi viết những dòng nay là The Father ‘s Day (Ngày Hiền phụ). Xin coi đây là một đóa hoa hồng bạch được gửi đến Ba. Có một ngày nào đó, tôi sẽ cùng gia đình đi thuyền trên vùng biển Đại Lãnh (NT) để rải xuống biển những cánh hoa hồng bạch tưởng nhớ. Tôi thầm nghĩ, chắc chắn mình sẽ thực hiện được
Năm 1975, ba tôi mất khi di tản bằng tàu thủy từ Đà Nẵng vào Sài Gòn. Những đồng bạc, chỉ vàng mẹ dành dụm cũng bị ăn trộm rạch túi lấy hết khi cả nhà nằm ngủ trên bãi cát ở biển Cam Ranh. Mất người, mất của, khi trở lại làng, gia đình tôi thay đổi, sa sút ghê gớm. Lúc đó thì tôi đang ở Pleiku chờ quyết định về số phận sắp đến của mình. Rồi tôi lại được chế độ mới tiếp nhận làm nghề dạy học cho đến ngày nghỉ hưu. ( Xem hồi ký Ngày đầu đến Ayunpa).
Sau ba, mẹ và ông nội thì bà nội cũng là người để lại những dấu ấn đặc biệt trong đời tôi. Ngày tôi đưa vợ tôi về nhà trình diện gia đình năm 1979 thì lúc đó bà đã quá già (89 tuổi). Lúc đó bà như một bộ xương khô biết đi. Vợ tôi tỏ ra sợ hãi khi phải đối diện với một người quá già và ốm yếu như vậy. Tuy sắp sửa bước vào ngưỡng cửu thập, nhưng bà vẫn còn đi lại trong nhà, vân nói năng, sinh hoạt khá bình thường. Có lẽ đó là nhờ kết quả của bao năm lao động vất vả đã rèn luyện cho bản thân. Chính bà là trợ thủ đắc lực cho ông tôi trong việc đan nôi bội, động viên ông bằng những ly rượu trắng trong vắt mua ở lò mụ Hoàng mỗi lần ông đi bán nôi bội về. Với tôi, bà có hai kỷ niệm đáng nhớ.
Lần đầu là việc bà dùng ruốc làm món ăn. Ở nhà tôi, làng tôi và hình như nói chung ở Huế, ruốc là chất phụ gia tối cần thiết để làm nâng cao chất lượng món ăn, nhất là với món canh. Một lần tôi thấy bà đang múc ruốc trong cái vịệm sành ra đổ vào trong một cái chén đất. Trong chén lúc nhúc mấy con giòi đang bò. Tôi rùng mình hởi bà: “Ruốc bị hư rồi, răng mệ không đổ đi, mua cái khác”. Bà thản nhiên hòa nước lạnh vào chén và vớt ra những con giòi đổ đi và nói: “ Troai (giòi) mạ ngon, troai con béo, đổ đi mần chi cho uổng”. Từ đó về sau này cho đến tận bây giờ, tôi không bao giờ dùng ruốc trong thức ăn, cũng như cái món ăn có họ hàng với mắm ruốc: mắm nêm, mắm tôm…. Nhiều người chê: Ông là Huế mất gốc tôi cũng chỉ cười trừ. Tôi vẫn cảm nhận vị ngon của tô bún Huế khi có thêm chút ruốt, vẫn suýt soa với món thịt heo ba chỉ luộc kẹp với những lát vả mỏng chấm chén mắm ruốc được tổng hợp bởi ruốc, chanh, ớt, tỏi cay xé…nhưng trong tôi vẫn không quên hình ảnh lúc nhúc của những con giòi ngày nào. Tôi bỏ ruốc, bỏ mắm nêm quá dễ dàng như sau này tôi bỏ thuốc lá, cà phê… khiên có lúc tôi lại tự hỏi, mình có phải là dân “mắm ruốc” không? An ủi cho tôi là những anh bạn đồng hương, đồng môn Trần Cao Vân, hoặc là Đại học Sư Phạm Huế như Lê Văn Trung, Nguyễn Khả Nho, mỗi lần gặp nhau bên quán thịt cầy tơ ở dốc Phan Đình Phùng, Pleiku, đều cùng chọn chung một chén nước mắm ớt thật cay.
Lần thứ hai là khoảng hè năm 1972, có mấy thằng bạn ở Huế về thăm làng. Tôi vừa xong cái Cử nhân Văn khoa, còn bọn chúng đang lên năm thứ năm Đại học Y khoa. Lũ COCC này lại đến nhà lúc “mẹ vắng nhà”, “chợ thời xa”. Lúc bầy giờ bà nội phải ra tay nội trợ để tiếp khách sang của cháu bằng ba món: canh tập tàng nấu với tôm khô, thịt heo rim sườn, thịt gà hầm với ớt sả cay. Nói cho oai vậy thôi. Ngoài món canh, hai món kia chỉ là cà. Mà cà thì không bao giờ thiếu ở nhà quê. Từ những trái cà, người ta có thể chế biến thành mười, mười lăm món để dâng lên nhà vua, huống gì chỉ với hai món. Cà được ngâm với nước muối quanh năm ở trong các vại to cùng với ớt. Bà nội vớt cà, ớt rửa sạch rồi bắt đầu chế biến. Món thứ nhất là những trái cà pháo trằng tinh, còn nguyên gốc, được tẫm nước mắm đường, ớt, bột ngọt. Món thứ hai là những miếng cà dĩa và những trái ớt chỉ thiên to gần bằng ngón chân cái. Chúng được hầm trong nồi với chút mỡ heo với tỉ lệ một ớt, một cà. Vậy mà lần đó, những bác sĩ tương lai của tôi đều làm sạch nồi cơm bảy của nhà tôi, bình quân mỗi anh dùng hơn một lon vun gạo. Gần bốn mươi năm chẳng gặp nhau, chẳng biết, các bạn đó có còn nhớ không?
“CÁI THUỞ BAN ĐẦU LƯU LUYẾN ẤY” (1)
Cũng trong ngày hôm nay, khi tôi đang viết những dòng này thì có điện thoại của một người làng gọi vào thăm hỏi lúc 6 giờ sáng. Một cái tin mà cậu em thông báo làm tôi lặng người: “Mầy hôm ra nhà, chị Chi có hỏi thăm anh không biết bây giờ như thế nào?”. Lạy Phật! Lạy Chúa ! Cảm ơn tất cả các vị thánh thần, Bồ tát, A La Hán! Điều cảm nhận của tôi trong một bài thơ không phải là không thật:
Nếu ngày đó…!
Anh bảo em
Ngày ra trường em đừng vô trong đó
Lên Tây Nguyên đất đỏ có anh
Thì đôi ta chắc đã nên vợ, nên chồng
Em cười: - Ừ nhỉ!
Chuyện cuộc đời của hơn bốn mươi năm về trước
Mà sao bây giờ mới nói cùng nhau
Lời thổ lộ hẹn hò sao quá muộn
Mà tình yêu thì mãi với thời gian.
Ừ! Mấy mươi năm về trước
Phải chi anh nói được tiếng yêu thương
Trách chi em, lỗi dại khờ của tuổi nhỏ
Để chuyến đò không cập bến tình yêu.
Giờ đây
Đôi mái đầu tóc đã bạc
Gặp nhau
“Đôi mắt còn có đuôi”.
Thật ra câu “Ừ nhỉ!” của em là lời nói của em khi tôi đến thăm em tại khu chung cư của bệnh viện Đà Nẵng tại đường Thống Nhất hơn 20 năm về trước. Hồi đó khoảng năm 1990. Lúc đó cả hai đều đã có gia đình, dù không được như ý muốn của mẹ cha, nhưng nhìn chung là ổn định. Con em thì đã bắt đầu vào trường cấp 3, còn con đầu của tôi thì đang học lớp 4 tiểu học. Ngồi nhắc lại chuyện cũ, chuyện ngày đầu tiên ra trường về nơi công tác, tôi mới hỏi: “Tại sao hồi đó có nhiệm sở ở bệnh viện Kontum mà Ch.. lại không lên trên đó?”. Chúng tôi vân gọi nhau bằng tên, Ch.. trả lời:” Hồi đó Ch.. chọn Tam Kỳ, vì trong đó gần nhà hơn, lại có chú Đ.., yên tâm hơn”. Đ.., con người bác họ xa có nhà là nơi ở trọ của tôi hồi tiểu học. Lúc đó, anh đang làm Chỉ huy trưởng cảnh sát Tam Kỳ. Sự lựa chọn rất chi là hợp lý, không thể bắt bẻ được. Ở đó, em sẽ được gần nhà hơn, có người chú có chức quyền che chở. Vậy mà tôi lại buột miệng nói:” Nếu hồi đó Ch.. lên Kontum, năm sau anh cũng lên Pleiku, thì cuộc đời chúng ta chắc đã thay đổi khác ngày nay”. Em hỏi: “Khác sao?”. Tôi cười: ”- Chắc đã nên vợ nên chồng rồi.”. Em cười:”- Ừ nhi!” Chỉ có hai tiếng của em, nhưng cả một cuộn phim dĩ vãng trở lại trong tôi.
Ch.. và tôi là đôi bạn cùng làng. Ch.. là con chú Th.. bạn của ba tôi. Khi tôi được lên Huế học bậc tiểu học ở thành phố thì Ch.. và chị em, bà con, bạn bè trang lứa đều học ở trường xã Hương Cần - mới thành lập sau. Tuy học khác trường, người ở quê, kẻ ở tỉnh, nhưng chúng tôi vẫn thân nhau. Hàng tuần, từ Huế tôi trở về làng thăm gia đình, sinh hoạt Gia đình Phật tử . Đây cũng là dịp để đám trẻ chúng tôi gần nhau hơn. Dịp hè đến, chúng tôi lại càng có điều kiện gần nhau, vui hơn khi được học chung lớp học hè ở nhà chú Phò dạy. Tôi còn nhớ, đó là hè năm 1960. Lớp học hè của tôi có khoảng 12 học sinh, nam nữ đều có nhiều, vậy mà hai chị em Ch.. cùng mấy bà cô họ xấp xỉ tuổi tôi lại thích chơi nhóm với tôi. Tôi nhớ, có lần, trong khi chờ thầy giáo Phò đi Huế về dạy, nhóm chúng tôi rủ nhau ra rào (sông) tắm. Cả bọn rất tự nhiên, cởi hết áo quần, trần truồng nhảy xuống sông tắm, đùa nghịch nhau chán chê rồi mới mặc áo quần trở lại lớp học. Sự việc tương tự lại được tiếp tục nhiều lần về sau cho đến khi lớp hè chấm dứt. Hè năm sau không còn chuyện đó nữa vì chúng tôi đã lên lớp đệ thất, có mấy o nghỉ học để học nghề may; nhưng có lẽ họ bước sang tuổi «nữ thập tam», còn tôi vẫn vô tư cho đến lúc «nam thập lục» mới hiểu vì sao.
Kỷ niệm tắm sông đó đã tạo cảm hứng cho một bài thơ của tôi gần đây, bài Ước gì, họa lại bài thơ Gieo mộng của Quế Hằng ( Hà Nội) :
ƯỚC GÌ
Cả nhóm trưa hè xuống tắm sông
Tung tăng bơi lội nước xanh trong
Mười ba, em vẫn còn thơ dại
Mười bốn, anh nào biết bướm ong
Ngu dại anh soi say lưỡng chỏm
Hồn nhiên em ngắm có đâu ngùng
Ước gì trở lại ngày xưa cũ
Chuyện cũ đã qua vẫn muốn cùng
Cũng chính vì vậy, cho nên khi đã lên học bậc trung học đệ nhất cấp tại trường Hàm Nghi, Huế mà tôi vẫn còn ngu ngơ. Lúc nầy, mối quan hệ của chúng tôi càng gắn bó hơn, Ba Ch.. đã thuê nhà ở đường Huỳnh Thúc Kháng, đưa cả gia đình sang ở đó, chị em Ch.. học trường Bồ Đề. Chính vì vậy, tôi lại có dịp ra thăm Ch.. thường xuyên. Ngược lại, mỗi tuần, khi tôi vừa về đến nhà một hồi thì đã thấy bóng Ch.. thấp thoáng trước nhà với câu hởi : «Lộc đã về chưa ?». Chiều chủ nhật hôm sau, hai đứa lại đạp xe song song qua Huế. Mỗi lần gặp nhau hay đi cùng nhau cũng chỉ là những câu nói, câu chuyện vu vơ, xa hơn là những cái nắm tay nhẹ nhàng, kể cả khi chúng tôi đã học lớp đệ ngũ, tôi tuổi mười lăm và em thì đã mười bốn dương (đã qua tuổi âm nữ thập tam hai năm rồi). Cho đến cuối năm đệ tứ, bước vào lớp đệ tam bậc trung học đệ nhị cấp, lúc tuổi tôi dã là 17 (dương), nhưng hai cánh tay của chúng tôi như chỉ kéo dài thêm thời gian bên nhau, thời gian tay trong tay, nhưng lời vẫn chưa ai nói ra được điều gì, cái điều cần nói. Có lẽ đó chính là điều mãi mấy mươi năm sau này tôi mới nhận ra : »Trách chi em, lỗi dại khờ của tuổi nhỏ/ Để chuyến đò không cập bến tình yêu. » ( Nếu ngày đó… !). Từ khi chuyển sang học bậc trung học đệ nhị cấp tại trường Quốc Học Huế - một ngôi trường lớn nhất của tỉnh và có lẽ thuộc vào loại danh giá nhất của miền Trung, của cả nước thì tôi như càng xa em. Bên cạnh tôi bây giờ là những tà áo trắng thướt tha của các cô nữ sinh Đồng Khánh yêu kiều mỗi ngày sáng chiều trên chuyến đò ngang Thừa Phủ, hay những tà áo xanh tung bay trên cầu Trường Tiền, áo ai cùng nước sông, bầu trời cùng một sắc. Tôi như cánh bướm đang tung tăng giữa khu vườn đầy hoa bưởi với nụ tầm xuân ngan ngát. Đến khi cánh bướm dừng lại bên vườn nhà cô em Thượng Tứ, cô nữ sinh trường Kiểu Mẫu với tà áo xanh làm ngơ ngẩn những chú cá dưới dòng sông Hương, thì hình bóng Ch.. chỉ còn trong ký ức. Tôi đã xa em và nghĩ rằng mình chắc đã xa em mãi.
Những năm sau 1975, tình cờ tôi lại gặp em tại sân ga Đà Nẵng khi tôi dang loay hoay tìm một vé tàu lửa đi Quy Nhơn để sau đó là lên Pleiku. Em đã được chuyển ra công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng, đã có công việc ổn định, nhưng đồng lương thấp kém, nên phải làm thêm bằng việc buôn bán hàng hóa cho khách vãng lai. Hỏi chuyện chồng con thì : « khó nói lắm anh ơi » . Tôi mừng cho em đã được gần nhà hơn trước, được tiếp tục với nghề cũ của mình, nhưng cũng không thể giúp em được gì hơn khi mình cũng đã có gia đình, cái nghề dạy học của anh giáo viên lưu dung nào có hơn gì cái nghề y sĩ của em. Tôi chia tay em với lời dặn dò của em : -« anh Lộc đừng nói với ba má Ch.. về việc làm thêm của em, kẻo hai ông bà buồn. ».
Gần hai mươi năm sau, tôi lại gặp em một lần nữa như đã kể ở trên. Và bây giờ thì lại nghe lời thăm hỏi của em nói với người em trai. Cuộc đời của mỗi người dù thế nào thì đã an bài, nhưng tôi vẫn có cảm tưởng rằng hình như đáng lẽ ra nó không phải như thế. Chính tôi đã tự cắt đứt sợi giây kết nối giữa hai chúng tôi, phải không các bạn?
AyunPa, tháng 7/2011
Hà Nguyên Tường