HNH trên YouTube

HNH trên Picasa

Số tài  khoản BLL HNH

BÀI HƯỞNG ỨNG "HNYD 10 (2012-2013)"
Tản mạn của một cựu học sinh xa quê, xa trường. Tác giả: Trần Văn Ái
Cập nhật: 6h13' 01/09/2012 (GMT+7)

Năm 1961 tôi thi đậu vào lớp đệ thất (lớp 6) trường trung học đệ nhất cấp Hàm Nghi ở Huế. Từ cửa Thượng Tứ đi vào Thành Nội, trường nằm về phía bên tay trái ẩn dưới những tàng cây thấp lè tè. Hồi xưa đó là trường Quốc Tử Giám để dạy con quan lại làm ở triều đình Nguyễn. Cũng nhìn từ cửa Thượng Tứ, phía bên phải của trường là Tòa Án Huế. Và đối diện mé bên phải của tòa án là trường tiểu học Trần Quốc Toản nơi mà tôi đã theo học năm năm. Trên một thềm đá cao ở giữa trường là một ngôi nhà trệt làm bằng gỗ lim đen bóng với những cánh cửa mở ra xếp vào như quạt giấy. Cổng trường quay ra phía bờ thành và nằm đối diện với căn nhà trệt này. Tượng bán thân vua Hàm Nghi trước cổng trường hồi đó chưa có. Giữa bờ thành và con đường nho nhỏ che đậy bởi hàng cây mù u sát trước cổng trường là một con đường khá lớn xe buýt đi Tây Lộc và cửa An Hòa có thể chạy qua lại được. Con đường này dẫn tới cửa Ngọ Môn của Đại Nội và cửa Ngăn của Thành Nội. Phía bên trái của trường là đường Đoàn Thị Điểm dẫn tới cửa Hiển Nhơn của Đại Nội. Ở mỗi cửa Thượng Tứ và cửa Ngăn đều có 6 súng đồng lớn gấp ba gấp bốn cơ thể những thằng bé 11, 12 tuổi chúng tôi. Những súng này ở trong những gian nhà không có tường vách nhưng có mái che bằng ngói gạch và nềm đá. Mỗi gian đựng 3 súng. Và trước những khẩu súng đồng ở cửa Thượng Tứ là một bãi cỏ rộng lớn thường để làm sân đá banh riêng của bọn lớp đệ thất 3 của chúng tôi.

Ngoại trừ cái trống treo lũng lẵng bên mé phải của ngôi nhà trệt giữa trường dùng để đánh cho học trò biết giờ vào học, nghĩ trưa, và giờ bãi học, ngôi nhà này không biết để làm gì vì ít khi thấy cửa trước được mở. Không biết đó có phải là ngôi xa luân đường hay không?. Nhiệm vụ đánh trống là ông cai trường. Gia đình ông cai ở cái nhà nho nhỏ ở góc phải từ phía cổng trường quẹo phải vào. Nhà của ông cai có bán kẹo bánh nước ngọt cho học trò trong những giờ ngh. Lạ một điều là nhà ông cai không bán vở tập hay bút mực. Học trò ở những lớp lớn đệ ngũ (lớp 8) đệ tứ (lớp 9), lớp cao nhất của trường hồi bấy giờ, rất thường ra nhà ông cai nghĩ ngơi trong giờ học. Hồi đó những ông học trò này thấy đời buồn thiu là đi đăng lính nên coi chuyện đi học là việc miễn cưỡng.

Trường Hàm Nghi không lớn lắm và có bốn bờ thành sơn màu vàng đất sét. Thành không cao nên học trò đôi lúc nhảy thành trốn học. Dãy lớp học đệ thất nằm phía bên trái của trường, gồm chừng bốn năm lớp. Ở phía góc bên trái gần bờ tường sau là văn phòng của trường. Tất cả các cô, thầy đều tụ tập tại đó. Phía bên tay phải của trường là dãy nhà của những lớp cao, phần lớn cho các lớp đệ ngũ đệ tứ và một ít cho đệ lục (lớp 7). Nằm ngang phía sau dãy nhà này là một dãy nhà hơi ngắn, để dành cho các lớp đệ lục. Đứng trước hai dãy nhà bên trái và bên phải của trường là vài tượng đá tạc quan văn quan võ đứng chầu với vài con ngựa bằng đá. Tượng quan nào cũng đội mũ cánh chuồn chuồn, mang hia mũi quắn.

Hiệu trưởng trường lúc đó là thầy Hồ Văn Lê. Chúng tôi rất ít gặp thầy và lúc nào gặp thầy thì lom khom chào thầy rồi chạy trốn. Có lẽ là vì thầy trông bệ vệ oai nghi trong bộ com-lê. Trường có tục lệ phát phần thưởng vào mỗi cuối niên học cho những học trò xuất sắt nhất của mỗi lớp. Các lớp sắp hàng thành đội ngũ hẳn hoi ở bãi sân trước dãy nhà của các lớp đệ ngũ đệ tứ. Thầy hiệu trưởng và các thầy cô đứng trên thềm ngôi nhà trệt giữa trường. Học sinh được thưởng được xướng tên rồi leo lên mấy bực thang đá đến nơi thầy hiệu trưởng đứng và nhận quà. Xong rồi trở lại hàng đứng của mình. Phần thưởng thường là sách giáo khoa cho niên học tới, vở tập, bút mực và viết chì màu. Thầy hiệu trưởng tự tay trao giải thưởng cho những học sinh tối ưu. Sau đó, giáo sư hướng dẫn (cố vấn) của lớp và một hai thầy cô dạy trong lớp trao giải thưởng cho những học sinh ưu tú hạng dưới. Giáo sư chỉ dẫn của lớp đệ thất 3 của tôi là cô Nguyễn thị Minh Lệ. Cô dạy toán cho lớp chúng tôi và vừa hướng dẫn lớp theo kỷ luật của trường. Chúng tôi sợ nhất là thầy giám thị Lê hiếu Kính. Thầy Kính thường đi kiểm soát quanh trường coi có học sinh nào áo quần không nề nếp, đánh lộn, đi ra nhà ông cai trong giờ học, không chào hỏi thầy cô trong trường v.v.. Khi thầy bắt gặp học trò nào vi phạm lỗi thì thầy phạt ngay tại chỗ hay chỉ thị giáo sư hướng dẫn sửa lỗi của học sinh. Vì chưa hiểu sinh hoạt của trường nên tôi hồi đó thấy cô Minh Lệ rất là nghiêm khắc. Nhưng khi cô dạy toán chúng tôi cô dạy rất dễ hiểu. Từ đó tôi có cảm nghĩ tốt về cô. Bởi vì tôi học ở trường chỉ có 3 năm nên sau đó tôi không biết cô ra sao. Bây giờ tôi an tâm được biết rằng cô đang sống bình an ở Mỹ.

Thầy Nguyễn cửu Triệp dạy chúng tôi môn vạn vật. Thầy hiền hòa và dễ dãi nên không đáng sợ lắm. Tôi không nhớ tên thầy dạy sử ký và pháp văn những năm đệ thất đệ lục. Tôi chỉ nhớ thầy Vĩnh Lữ dạy pháp văn và cũng vừa là giáo sư hướng dẫn lớp đệ ngũ chúng tôi. Mùa nghĩ hè thầy dẫn lớp tôi đi cắm trại đêm ở biển Thuận An. Chúng tôi mang tăng, mền, lò, trách, chén, dĩa, đũa theo thầy. Sau khi dựng trại xong chúng tôi đi mua cá ở những bà bán cá tươi vừa đánh được dưới biển rồi chia phe đánh bóng chuyền (volley) và tắm biển. Tối nấu ăn quanh bếp lửa hồng xong thì thầy trò đem viết và giấy ra đánh nhau tiếng pháp. Học trò nào cũng có thể là đối tượng của thầy. Trò chơi bắt đầu khi thầy viết một chữ, bất cứ chữ gì, xuống giấy. Đối thủ của thầy phải viết thêm một chữ sau đó. Hai bên thay phiên nhau gép chữ vào cho đến khi thành một tiếng pháp có ý nghĩa và ai không điền được thêm chữ nào thì bị thua. Bọn học trò chúng tôi thua thầy xiễng liễng mặc dầu bọn chúng tôi cố gắng đánh với những chữ pháp bắt đầu với vần q, u, v, z, y. Để gỡ gạc bọn học trò chúng tôi đề nghị thầy cho chơi đánh chữ ngược. Thay vì mỗi tiếng pháp phải đánh bằng cách lắp chữ theo thứ tự bắt đầu, tiếng pháp sẽ được bắt đầu bằng chữ cuối cùng và hoàn tất với chữ đầu tiên. Lần này thầy thắng ít nên thầy bãi bỏ trò chơi và tất cả đi ngủ. Sau khi thôi học ở trường Hàm Nghi tôi được biết rằng thầy có liên hệ gia tộc với ông Vĩnh Phan, thầy dạy trường trung học nông lâm súc ở gần hồ Tịnh Tâm. Bạn bè cũ còn ở Huế không ai biết tình trạng của thầy Vĩnh Lữ như thế nào bây giờ.

Lên lớp đệ lục cô Trần Thị Kim Tiêu dạy toán và cô Kiều My dạy quốc văn. Cô Kim Tiêu dạy rất hấp dẫn và học sinh ai cũng thích giờ toán của cô. Tôi nghe cô xin đổi lên dạy ở Đà Lạt sau khi dạy ở Hàm Nghi vài năm. Cô Kiều My thì lúc nào cũng thấy cô mang thai nên tôi chỉ thấy cô ngồi đọc những bài quốc văn soạn sẳn cho chúng tôi chép. Cô chỉ đứng dậy khi trống trường báo giờ quốc văn của cô đã hết. Sau này tôi được biết rằng cô là một người đẹp nổi tiếng hồi đó. Có lẽ vì Huế là thành phố nhỏ nên cô nào đẹp thì cả thành phố đều biết ngay. Thời của tôi, người đẹp ở Huế là Liên Hoa, nhà ở sau chùa Diệu Đế. Đáng mừng là cô Kiều My hiện giờ đang ở trên đường Mai Thúc Loan, trong Thành Nội, và vẫn mạnh khỏe. Tôi vẫn còn nhớ cô Hoàng Hoa dạy hóa học. Có lẽ bởi vì giờ cô quá khô khan không vui nên bọn học trò chúng tôi hay chia phe đánh đắm tàu thủy trong giờ học. Trò chơi đánh đắm tàu thủy có thể chơi giữa 2 hay 3 người. Mỗi người kẻ một hình vuông gồm 10 khoảng nhỏ mỗi chiều. Một chiều đặt tên A đến K và một chiều đặt tên số 1 đến 10. Mỗi người chỉ có được 3 tàu và vị trí mỗi tàu được định bởi tọa độ, ví dụ B4, Đ7, I9. Người bên kia sẽ kêu tên số tàu và nếu trùng với số tàu chỉ định của người bên này thì tàu đó coi như bị đánh chìm. Có lần cô Hoàng Hoa viết một phản ứng hóa học trên bảng đen rồi cô hỏi có ai đọc được tên hóa chất sản phẩm không. Ba đứa chúng tôi mãi đánh tàu thủy nên không nghe câu hỏi của cô. Tình cờ một đứa trong bọn tôi hô tên tàu, cô liền kêu tên đó (Đặng văn Thiết, sau này là đại úy địa phương quân ở Thừa Thiên Huế) đứng dậy rồi hỏi tên những đứa đánh tàu chung. Ba đứa chúng tôi bị cô phạt đứng như vậy cho đến lúc hết giờ dạy học của cô. Mới đây nghe bạn bè nói rằng cô đang sống mạnh khỏe trong Thành Nội. Tôi vẫn còn nhớ tên cô Hoàng Thị Sa Đa, và nếu không lầm thì cô dạy hóa học cho lớp đệ ngũ chúng tôi. Cô có tặng tiền để xây lại trường Hàm Nghi hồi 2005. Tôi tin rằng cô vẫn còn sống mạnh khỏe ở Huế.

Với số tuổi 11, 12 bọn trẻ con chúng tôi không có khái niệm nào về âm nhạc và hội họa. Nhưng chúng tôi đã có thầy nhạc sĩ Văn Giảng đảm nhận giờ âm nhạc và thầy họa sĩ Hiếu Đệ dạy giờ hội họa. Hai thầy này chỉ dạy khoảng hai giờ một tháng, hai tuần một giờ, và đây là những môn phụ, khác với những môn chính như toán, hóa học, quốc văn v.v., nên bọn chúng tôi không coi trọng hai môn này lắm. Tuy vậy thầy nhạc sĩ Văn Giảng và thầy họa sĩ Hiếu Đệ đã mở mắt cho tôi thấy những khung trời mới về nghệ thuật. Thầy nhạc sĩ Văn Giảng dạy cho chúng tôi những căn bản về âm nhạc như làm thế nào để biết cung nốt một bài nhạc, những ý nghĩa của dấu thăng (#) dấu trầm (b mol), rồi thầy ra bài tập (homework) là sáng tác một âm điệu ngắn không cần lời. Từ những hiểu biết thô sơ này, sau này tôi tìm đến những âm điệu mới ở jazz, nhạc cổ điển và opera của những cột trụ âm nhạc thế kỷ 18, 19 như Vivaldi, Dvorak, Chopin, Litz, Beethoven, Mozart, Stravinsky v.v.

Thầy họa sĩ Hiếu Đệ thì ít dạy. Mỗi khi vào lớp thì thầy như bận với chuyện riêng ở trên bàn giáo sư của thầy. Đôi lúc thầy nói về những trường phái ấn tượng, siêu hình, trừu trượng v.v. Chúng tôi chẳng hiểu thầy dạy cái gì. Đến khi xa Huế và có dịp đi coi triển lãm tranh của Trịnh Cung, Đinh Cường v.v. ở Trung Tâm Đồng Minh Hội (Centre d’Alliance Française), nằm giữa bịnh viện Grall và Thư Viện Quốc Gia, ở Sài gòn, tôi mới biết ơn thầy. Ở giờ vẽ của thầy, thầy để chúng tôi chuyện trò chơi giỡn trong lớp và tự do vẽ. Khi giờ hội họa hết thì thầy thu bài vẽ mang về và trả lại cho chúng tôi giờ dạy tới. Thường thường thì thầy ít bình luận những bản vẽ của chúng tôi và thầy ghi điểm trên bản vẽ luôn. Có lần thầy ra đề tài vẽ mặt nạ. Bởi vì tôi thích hát bội Huế hồi đó, tôi đã vẽ bốn cái mặt nạ dựa vào mặt của những ông Trương Phi, Quan Công, Tôn Ngộ Không, Lương Anh Bạt v.v. mà tôi được mạ tôi cho đi coi ở nhà hát bội từ cửa Đông Ba đi ra và nằm đối diện với nhà hàng mè xửng Long Hỷ. Ngày thầy họa sĩ Hiếu Đệ trả lại bản vẽ mặt nạ, tôi đang chơi bi-da 3 trái (khác với pool) ngoài cửa Thượng Tứ. Sáng đó khi điểm mặt buổi sáng thì tôi hiện diện, nhưng đến giờ hội họa lúc 11 giờ thì tôi vắng mặt. Không may cho tôi, thầy để ý đến tranh mặt nạ của tôi nên đã kêu tên tôi ra. Thế là sau đó tôi bị thầy giám thị Lê hiếu Kính kêu lên văn phòng trường phạt quỳ quay mặt vào tường rồi bị khiển trách kỹ luật trong sổ học bạ. Đó là năm tôi học đệ ngũ và cũng là năm học cuối cùng của tôi ở trường Hàm Nghi.

Cùng lớp với tôi còn khoảng 59 người nữa. Tôi ngồi ở ngoài cùng bàn thứ ba dãy bên phải. Mỗi bàn có 5 đứa và mỗi dãy có 6 bàn. Ở bàn đầu dãy phía tôi có Lê văn Hòe, rất được cô Túy Hồng cưng vì nó biết nhiều thơ ca Việt nam và những từ ngữ mà bọn chậm lớn chúng tôi hồi đó không hiểu ý nghĩa như “hồi xuân” v.v. Cô Túy Hồng dạy quốc văn lớp đệ thất của chúng tôi. Cùng bàn đó còn có Ngô Quang Ẩn, học hành cũng thường nhưng sau 1975 làm giám đốc đài truyền hình Huế. Nghe Ẩn nói rằng hồi Mậu Thân 1968, Ẩn được đưa ra Hà nội học ở Đại học Bách Khoa ngành truyền thông. Sau tháng 4 năm 1975 Ẩn được đưa về Huế làm ở đài truyền hình và sau đó là con đường phát triển sáng lọi của Ẩn. Hồi 2005 Ẩn đóng góp tiền để giúp xây dựng lại trường. Năm ngoái Ẩn đem tiền hưu giúp cho Đặng văn Thiết. Ngồi đầu bàn thứ hai là Hà Thúc Trí, giỏi tiếng Pháp, người mập và được thầy cô trong trường kính nể mặc dù học lực của Trí cũng không xuất sắc lắm. Sau đảo chính 1963 tôi mới được biết rằng cha của Trí là đảng trưởng đảng Đại Việt và được tự do sống lại ở miền Nam. Ngồi đầu bàn tôi là Lâm, người nổi tiếng trong trường về khả năng toán rất cao. Bây giờ Lâm đã về hưu sau khi làm thầy dạy một trường trung học phổ thông ở Huế. Sau bàn của tôi có Phạm Phú Quốc, Hoàng Đình Dũng. Quốc nhà ở tận trên chùa Thiên Mụ. Bạn bè chẳng ai có tin tức gì về Quốc. Còn Đình Dũng thì đi lính trước 75 và bây giờ sống như người thoát tục không muốn gặp ai cả kể cả bạn học cũ ở xa về thăm. Những bàn thứ năm thứ sáu thường dành cho những ai có học lực thấp. Có ngoại lệ là anh trưởng lớp tên Nhuận ngồi bàn sau cùng ở dãy bên kia. Nhuận cũng đi lính cọng hòa cấp bực thiếu úy và hiện sống ở Kim Long trồng cây sinh trái. Hồi đó đối thủ của tôi là Lâm, Hòe và Trí. Và bạn bè thân của tôi là Phạm Phù Tang (thiếu úy Thủy Quân Lục Chiến, hiện sống ở Mỹ), Võ Đức Hiền (kiến trúc sư đang thất nghiệp ở Huế), Nguyễn văn Thắng (bỏ học nữa chừng rồi đi lính, không ai có tin tức gì), Đình Dũng (sống nhờ họ hàng). Bọn tôi thường chơi đá banh ở bãi cỏ trước cửa Thượng Tứ và bóng chuyền trong sân trường. Lưới bóng chuyền chỉ là sợi dây thép căng giữa hai cành cây và banh bóng chuyền cũng là banh dùng để đá. Những chiều mùa hè về Bao Vinh đi tắm sông và chơi bắt chân. Ai lặn mà bắt chân người khác được thì thắng. Trò chơi kéo dài đến lúc chỉ có một người thắng. Mùa đông khi có những giờ nghĩ bất thường vì thầy cô có những lý do không dạy được thì bọn chúng tôi đi đò qua sông Hương và đi bộ đến quán bán pâté chaud ở gần An Cựu, cách không xa cầu Lòn mấy, để mua những bánh meat pie nóng hổi rồi ra lại bờ sông Hương cạnh đường Lê Lợi ngồi ăn và tán gẫu. Có một lần có một anh sinh viên đại học Huế đến bắt chuyện với chúng tôi rồi ngồi nói say sưa về vua Nã Phá Luân của Pháp, nào là ông vua này đã chinh phục chiếm đất đai của Đức, Phổ bành trướng thế lực Pháp, nào là ông vua này đã từ một tên lính vô danh trở thành một ông vua lừng danh trên thế giới. Anh sinh viên đó cũng nói rằng con người cũng như dòng nước sông Hương này, chỉ bè rác là nổi lềnh bềnh trên mặt nước còn đồ nặng trong sạch thì lắng ở đáy sông. Sau những năm sóng gió 1963-1966 ở Huế tôi mới suy nghiệm ra ý nghĩa câu nói này và nghĩ rằng chắc anh đó đã ra bưng.

Năm 1991 tôi có cơ hội về lại Sài gòn và đã tìm gặp được Võ Đức Hiền. Sau đó tụ tập thêm được Phạm Phù Tang và Nguyễn Văn Lợi, nhà ở gần trường. Lợi cho biết rằng sau tháng tư 1975 giải tán trường Hàm Nghi và dựng thay vào đó một viện bảo tàng quân đội dựng quanh sân trường súng ống thời chiến tranh, và ngôi nhà trệt giữa trường là văn phòng của bảo tàng viện. (Việt nam bây giờ có nhiều bảo tàng viện về chiến tranh hơn bảo tàng viện về hòa bình hay bảo tàng nghệ thuật !). Học sinh cũ của trường bị trưng dụng không công đi phá tường lớp học của trường. Lợi nói rất đau lòng khi phải mang búa đập vỡ thành và lớp của trường cũ của mình. Ở trong đền thờ đức Khổng Tử ở Văn Miếu ngoài Hà Nội có một khoảng dành giới thiệu tất cả các trường Quốc Tử Giám toàn nước. Trong danh sách đó không có tên trường Quốc Tử Giám ở Huế. Năm 2003 một số cựu học sinh vận động xin xây lại trường Hàm Nghi và năm 2005 trường mới được tái lập ở Tây Lộc nhưng là trường cấp hai.

Tết ta năm này tôi về Huế ăn tết sau hơn bốn mươi năm xa Huế. Chỉ nhớ phảng phất vị trí nhà của Võ Đức Hiền ở Gia Hội, tôi đi tìm và may mắn được gặp Hiền lại. Chúng tôi ra hồ Tịnh Tâm và trên đường đi có ghé lại nhà Huỳnh Trọng Tấn để tôi có dịp gặp lại bạn cũ. Nhưng Tấn đi chợ hoa tết ở cửa Ngăn. Tấn là bà con của Phạm Phù Tang, được cha của Tang mang từ nhà quê lên Huế vừa làm giúp việc gia đình Tang và vừa đi học. Tấn học cùng chung lớp với tôi và Tang. Bởi vì cha của Tang là thiếu tá lính chế độ trước 75 nên thường xa Huế. Bởi vậy có sự lục đục giữa bọn anh em Tang và Tấn. Thấy tội nghiệp tôi xin cha mạ tôi cho Tấn dạy kèm bọn em tôi để có điều kiện tiếp tục đi học. Sau này tôi biết rằng Tấn là “người bên kia” lúc Tấn học ban khoa học ở đại học Huế và đã bị bắt đầy ra Côn đảo trước 1975. Sau 1975, Tấn về lại Huế theo học y khoa rồi dạy luôn tại đó. Nhờ được đi tu nghiệp ở Pháp ba lần Tấn để dành một số tiền nhỏ để đủ xây một ngôi nhà hai tầng. Hồi 1975 mạ tôi viết thư nói rằng Tấn có ghé nhà thăm và yêu cầu cha mạ tôi bắt buộc tôi bỏ học để về nước.

Hiền, Tấn và Chầm có nhã ý kêu gọi được 12 bạn học cũ đến gặp tôi. Có những người tôi không nhớ mặt hay tên. Thời gian và hoàn cảnh đã thay đổi hình dạng và ký ức mỗi người. Gần phân nữa số 12 người là lính chế độ trước 75 bây giờ lêu bêu không nghề nghiệp và phải làm vườn trồng cây hay đi thồ bằng xe đạp để sống qua ngày. Những người này ăn nói nhỏ nhẹ và áo quần trông cũ hơn những người theo chế độ mới. Thế nhưng họ vẫn ngồi chung với nhau và góp tiền cứu trợ lẫn nhau khi cần thiết. Tôi thấy ấm lòng khi gặp được gặp những bạn cũ như vậy. Hồi còn học ở Hàm Nghi Chầm sống ở trại mồ côi ở đường Đặng Dung, bây giờ là khách sạn Thành Nội của Tỉnh Thừa Thiên. Hiện tại Chầm đang hợp tác với vài người tiến hành dự án lập đại học “Xanh” (Green) ở Huế và Chầm đang lo tìm giáo sư và người đầu tư vào kế hoạch này.

Trong buổi gặp mặt đầu năm nói trên rất nhiều người hỏi thăm cô Túy Hồng. Họ muốn biết bây giờ cô sống ở đâu, mấy tuổi, làm gì. Tôi cố gắng trả lời với những gì tôi biết như rằng cô sinh năm 1938, chỉ hơn bọn tôi không quá một giáp, di tản ra khỏi Việt Nam hồi tháng tư 1975, có con có chồng và hiện sống ở Oregon nhưng chồng cô đã mất. Không ai biết Oregon ở đâu nên tôi lại giải thích đó là tiểu bang nằm ở phía tây nước Mỹ bên bờ Thái Bình Dương và ở đó cũng có mưa dầm dề đến thúi đất như ở Huế. Tôi ngạc nhiên sao họ không hỏi tin tức thầy cô khác mà chỉ hỏi về cô Túy Hồng. Tấn nhắc đến chồng của cô, nhà văn Thanh Nam, làm tôi nhớ lại cái cảm giác tiếc nuối khi tôi nghe bạn bè cho biết tin cô lấy chồng lúc tôi theo học ở Sài Gòn. Có lẽ bởi vì lúc đó tôi chỉ biết một Thanh Nam như một người viết truyện tình không thua kém bà Tùng Long hồi 1970. Tôi nghĩ một nữ văn sĩ tài năng như cô tại sao lại đi lấy một văn sĩ như Thanh Nam. Lúc đó tôi chưa hề biết Thanh Nam như một thi sĩ mà cô đã tả trong Gió O sau này. Qua những lời cô viết tôi tin rằng cô đã hạnh phúc (dù có phần đau đớn) trong những tháng năm bên cạnh Thanh Nam. Như vậy là quá đủ. Đọc thơ Thanh Nam mà cô gợi lại trong Gió O tôi thay đổi lối suy nghĩ và mến thích Thanh Nam như một thi sĩ tài hoa. Đáng tiếc là tôi không thể có tập thơ “Đất Khách”. Chỉ mượn ở đây những câu :

“Ơi hỡi quê hương bè bạn cũ

Những ai còn mất giữa sa mù”

hay “Ôi bạn ôi ta, chiều đã xế

Phù sinh thương mình ly rượu xuông ”

để diễn tả tâm trạng viết về những ngày vang bóng ở Hàm Nghi của tôi.

Lúc còn học ở Hàm Nghi tôi không biết cô đã là văn sĩ. Tôi nhớ mặt cô hình chữ điền và lối trang điểm không được sâu sắt của cô. Tôi không biết người con gái Huế có khuôn mặt chữ điền cho đến khi Hàn Mặc Tử nói ra như vậy. Như thế cả gái Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử và gái An Cựu (cô Túy Hồng) đều có khuôn mặt chữ điền. Người cô mảnh khảnh trông như gió bão có thể cuốn cô khi nào cũng được. Cô ngồi ở bàn giáo sư hay đứng trên bục gỗ để viết trên bảng đen cũng không dấu được thân hình nhỏ bé của cô. Tôi khâm phục cô như những cô giáo khác dạy ở Hàm Nghi. Trẻ, giỏi và là người lớn trong khi bọn học trò chúng tôi chỉ là lũ con nít ngu ngơ chỉ lo biết chơi và học. Từ những lớp vỡ lòng học công dân đức dục, tính cọng tính trừ và dictée ở tiểu học, bỗng dưng nhảy vọt lên gặp những Tú Xương, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan do cô Túy Hồng dạy ở lớp đệ thất. Thật là một khoảng cách to lớn làm tôi chới với. Tôi mới bắt đầu cuộc đời nhưng đã phải học những cay đắng mà Tú Xương đã trải qua như vì quá nghèo :

“Lúc túng toan lên bán cả trời

Trời cười: thằng bé nó hay chơi”

Hay đi thi nhưng không có tự tin:

“Tấp tểnh người đi tớ cũng đi

Cũng lều cũng chõng cũng vào thi”

Hoặc châm biến những kẻ thi đậu nhưng đi làm cho kẻ thống trị Pháp:

“Một đàn thằng hỏng đứng mà trông

Nó đỗ khoa này có sướng không

Trên ghế bà đầm ngoi đít vit

Dưới sân ông cử ngóng đầu rồng”

Khi cô dạy thơ của Hồ Xuân Hương, tôi lại càng mù mịt những gì cô nói. Đôi lúc trong lớp có những người cười theo lời giảng của cô nhưng tôi chẳng hiểu vì sao; như ở “Cái quạt giấy bài 1”

“Một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa

Duyên em dính dáng tự ngàn xưa

Vành ra ba góc da còn thiếu

Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa”

Hay ở bài “Cảnh làm lẽ” :

“Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”

Sau này lớn lên bạn bè dạy thêm cho biết thế nào là libido, thế nào là thuyết tình dục của Freud tôi mới hiểu những gì cô muốn nói. Ngòai ra, lời dạy của cô chua hơn khế, cay hơn ớt và khó nuốt hơn mít con (tiếng Huế gọi là mít đái). Những đoạn văn của cô mà họa sĩ Tạ Tỵ trích trong “Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay” (nhà xuất bản Lá Bối, 1972) diễn tả đầy đủ phong thái cay đắng tiếng Huế này. Hồi dạy bọn tôi cô còn trẻ, chắc là vừa tốt nghiệp đại học sư phạm Huế, nhưng không biết sao cô cay đắng với đời như rứa. Nói cách khác cô trưởng thành trước tuổi. Và bạn bè trong lớp hồi đó hiểu cô là bởi vì những người đó cũng đã lớn tuổi nhưng để tránh quân dịch nên sửa giấy khai sinh làm nhỏ tuổi lại.

Với cái đầu nhỏ bé và chật hẹp tôi không thể nào thông cảm được tình cảnh của một người vợ chờ chồng đi chinh chiến do bà Đoàn Thị Điểm diễn tả trong “Chinh Phụ Ngâm”. Tôi chỉ biết Đoàn Thị Điểm là tên con đường ở bên trái của trường và giữa đường có một trường nữ tiểu học tên Đoàn Thị Điểm. Tương tự như vậy, tôi chưa có dịp du lịch thăm thắng cảnh hồi đó. Thế giới của tôi là trường Hàm Nghi với bọn bạn bè vừa quen được, là con đường Phan Bội Châu, Trần Hưng Đạo, những con phố chính của Huế, và một Đại Nội meo mốc. Bởi vậy tôi cũng chẵng hiểu nổi tâm tình của bà Huyện Thanh Quan khi bà ghé qua đèo Ngang, thăm chùa Trấn Bắc hay nhớ lại thành Thăng Long. Cho nên khi cô dạy thơ của của bà Đoàn Thị Điểm hay bà Huyện Thanh Quan, tôi chỉ biết chép lại những gì cô đọc rồi sau đó học thuộc lòng để như cô có kêu lên trước lớp trả bài thì cũng được điểm cao. Thế là đủ cho môn quốc văn của thời đệ thất của tôi.

Bây giờ nhìn lại thời con nít ở trường Hàm Nghi tôi thấy những hiểu biết đầu tiên trong đời, dù trừu tượng khó hiểu, ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần sau này của tôi. Bởi vậy tôi đã thấy lòng đau đớn xót ruột xót gan hồi sinh viên khi thấy đất nước ở trong tình trạng nội chiến mà không biết làm gì cho quê hương ngoài chuyện đi đọc sách về triết học châu Âu, đạo Phật, Lão Tử v.v. ở bất cứ thư viện nào ở Sài gòn có thể vào được. Tôi ứa nước mắt và thầm cám ơn những cô thầy, trong đó có cô Túy Hồng, đã mở mắt cho tôi thấy những vẻ đẹp của quê hương qua văn chương, âm nhạc hay hội họa. Tôi, cá nhân, và tôi tin rằng cả luôn những bạn bè còn sống rảit ở Huế, thành thật cầu chúc cô một quãng đời còn lại đầy đủ sức khỏe, với lời lẽ ngọt ngào hơn bớt cay chua hơn hồi dạy ở Hàm Nghi, và với một tấm lòng quảng độ để tha thứ những lầm lẫn của cuộc đời.

Trần Văn Ái CHS lớp 6 niên khóa 61


: : TIN ĐÃ ĐƯA : :

LIÊN KẾT