HNH trên YouTube

HNH trên Picasa

Số tài  khoản BLL HNH

TÁC GIẢ, TÁC PHẨM
Truyện ngắn: CON GÁI NGƯỜI XƯA. Tác giả: Hà Nguyên Tường
Cập nhật: 20h20' 18/09/2012 (GMT+7)

Ông trố mắt  sững sờ nhìn và thốt lên khi cặp nam nữ đang bước bước vào phòng làm việc của mình:

-Ô! Trà Mi phải không?

Cô gái vẫn mĩm cười, một nụ cười tươi tắn nở trên khuôn mặt tròn trĩnh, Mái tóc cắt ngắn tựa nhẹ trên bờ vai làm cho khuôn mặt càng thùy mị, đoan trang hơn. Đó là Trà Mi ngày xưa của ông. Không phải. Đây là người đại diện của Tổng công ty mà ông đang chờ gặp

Cách đây ba ngày, một cú điện thoại từ Tổng công ty từ TP Hồ Chí Minh gọi cho ông. Giọng cô trưởng phòng tổng hợp  sôi nổi khác với cái giọng từ tốn, nghiêm túc thường ngày:

-Chào bác! Ba ngày nữa, chị trợ lý Tổng giám đốc và anh Phó tổng giám đớc kinh doanh có việc lên trên đó, bác chuẩn bị đón nghe. Khi nào đến, họ sẽ gọi điện cho bác.

Và hôm nay ông ngồi chờ đại diện của tổng công ty.

Ông nghỉ hưu đã bốn năm. Năm đầu tiên thật buồn. Vốn quen chân ngày hai buổi đến trường, bây giờ lại ngồi không. Những công việc có tên và không tên của nghề nghiệp đã lôi cuốn ông, liên tục suốt ngày, suốt tháng, kể cả những ngày gọi là nghỉ hè. Mệt mà vui. Vậy mà, bây giờ nghỉ hưu, rất rổi rảnh sao lại rất buồn.

Trong những ngày như thế thì một người bạn cũ của ông ở thành phố điện ra kêu ông vào gặp. Và sau lần gặp gỡ đó là một loạt công việc làm thay đổi cuộc sống buồn tẻ của ông. Một siêu thị Sách và văn hóa phẩm được ra đời tại phố núi mà ông là giám đốc. Đây là một công ti con của một doanh nghiệp tư nhân lớn ở thành phố. Biết bao gian khổ, khó khăn buổi đầu: lo địa điểm, lo vốn, lo xây dựng rồi là tuyển dụng và điều hành đội ngũ nhân viên kinh doanh của mình. Một năm sau mọi việc đều hoàn thành, công ti khai trương và hoạt động đã tròn hai năm. Đến bây giờ nhớ lại ông vẫn còn có cảm giác như mình đang nằm mơ. Lần đó, Quang-tên người bạn học thời Văn khoa là đồng nghiệp với nhau ở phố núi trước 1975- đã dẫn ông đến tổng công ti siêu thị Phạm Trần. Tiếp và cùng ông thảo luận, quyết định cuối cùng mọi công việc là người đàn ông trung niên đang đi cùng với cô gái bây giờ. Phó tổng giám đóc Trần Thanh Hà đa thay mặt công ti quyết định mọi việc với ông. Một công ti chi nhánh của Phạm Trần sẽ được thành lập ở thành phố Pleiku.Hai phương án đươc thảo luận: Một là tổng công ti sẽ lo tất cả, ông sẽ là người đại diện tổng công ti phụ trách ở đây, Hai là mỗi bên cùng liên kết. Ông đã chọn phương án sau.Không thể chấp nhận kiểu chờ người ta don cỗ. Mọi công việc khởi đầu diễn ra khá suông sẻ. Phía ông sẽ lo toàn bộ phần cơ sở vật chất: địa điểm, nhà cửa, con người …Phía công ti mẹ sẽ lo khâu cung cấp sách,thiết bị, hàng hóa cho ông. Suy nghĩ, đắn đo rồi ông dứt khoát đồng ý và trở lại phố núi để chuẩn bị. May mắn thay ông có một lô đất khoảng một hecta ở khu vực Cầu Sắt, ngày trước mua lại với một giá rất rẻ của một người muốn bán tháo để về quê ở Bình Định. Nay bệnh viện Tỉnh được xây dựng, đường mới rộng rãi khang trang, khu công nghiệp mới cũng ở gần đó. Vì vậy, lô đất trở nên đáng giá mỗi tấc đất là một tấc vàng. Ông đem giấy tờ đất đến ngân hàng vay tiền là có điều kiện để xây dựng. May mắn lại đến khi ông mua được lô đất mặt tiền ở đường Phan Đình Phùng gần nhà mà giá cả có thể chấp nhận được. Thế là sau một năm chạy vạy, lo lắng, xây dựng, công ty đã hình thành. Tổng công ty thì kinh doanh đủ mặt hàng, nhưng ông chỉ chọn hai loại: sách và văn hóa phẩm. Nhờ mối quan hệ nghề nghiệp dạy học trước đây nên khách hàng của ông cũng khá đông, đa số là thanh niên học sinh đến mua sách giáo khoa, sách tham khảo, mua quà tặng người thân trong các dịp lễ lượt. Những người thích cà phê thì có thể lên tầng ba để vừa nhâm nhi li cà phê vừa nghe nhạc Trịnh hoăc những khúc ca tiền chiến quyến rủ. Ở đây, ông đã cố gắng tạo một không khí ấm cúng, thanh lịch như quán café Văn đường Phan Thanh Giản mà ông thường ghé đếm mỗi tối trước 1975. Ấy thế mà quầy bán cà phê lúc nào cũng đông khách. Không chỉ là đám thanh niên mà cả lớp trung trung làm ở các cơ quan, nhiều nhất là các thầy cô ngành giáo dục. Họ đến siêu thị một phần vì cà phê ngon, nhưng một phần cũng chính là vì ông.

Hai năm qua, hoạt động của siêu thị diễn ra trôi chảy, kết quả làm hài lòng cho cả hai bên: công ty và tổng công ty. Công việc bận rộn khiến ông không còn thời gian nhàn hạ để than thở như lúc mới nghỉ hưu. Chỉ có một điều đặc biệt là trong mấy năm quan hệ làm ăn, ông vẫn chưa trực diện với tổng giám đốc công ty, ngay cả tên tuổi cũng lờ mờ. Ông chỉ biết vắn tắt vài dòng, đó là một phụ nữ Việt kiều tên Linda Trần. Mọi công việc ở tổng công ty ở thành phố đều do hai phó tổng giám đôc và một trợ lý tổng giám đốc giải quyết. Từ khi bắt đầu hợp đồng công việc đến nay ông chỉ tiếp xúc với phó tổng giám phụ trách kinh doanh đốc Trần Thanh Hà là người đàn ông đi cùng với người phụ nữ  hôm nay.

-Chào bác! Cháu là Quỳnh Hà và đây là anh ruột cháu, anh Thanh Hà, người mà chắc bác không quên được

 -Tôi xin lỗi. Nhìn cô, tôi lại nhầm tưởng đến hình ảnh một người con gái quen  ngày trước. Cô ta cũng giống và rất giống với cô.

Cô gái vẫn mĩm cười, thong thả cùng ngồi xuống chiếc ghế đối diện với ông.

-Cháu có biết người đó.

-Ô sao cô lại biết. À mà hôm nay chúng ta gặp nhau vì công việc và cháu-à, cô- là đại diện cho tổng công ty mà?

Thanh Hà cười nhẹ và nói:

-Vâng gọi là công tác cũng được mà không phải công tác cũng chẳng sai. Hôm nay hai anh em cháu kết hợp việc công ty với việc riêng để đi Pleiku một chuyến

Ba ngày ở phố núi, cả hai anh em chỉ dành một buổi để xem xét hồ sơ sổ sách kế toán của cơ quan, quan sát cung cách hoạt động của công ty, thời gian còn lại là để đi thăm viếng các danh lam thắng cảnh của Gia Lai, lên đến cửa khẩu biên giới Việt-Lào ở Kontum. Ngoài những lần gặp gỡ buổi trưa tại các nhà hàng ở Pleiku, các buổi chiều, hai vị khách đã được vợ chồng ông mời ăn cơm tối tại nhà ông bằng những món ăn đặc biệt của Huế . Những lần như vậy, cả hai anh em đều đến sớm, Quỳnh Hà thì xắn tay áo vào bếp giúp bà Long làm các món ăn. Điều đáng ngạc nhiên là Quỳnh Hà làm các món ăn Huế không thua gì bà. Chỉ cần đọc thực đơn, xem vật thực đã được bà Long mua sẵn là Hà dễ dàng nhập vai đầu bếp rất tài tình. Ông là người rất kén trong việc ăn uống mà vẫn không chê một chút nào được.

Công việc và các cuộc vui dồn dập nhưng không làm ông thôi bức rứt trong lòng. Quái lạ, tại sao Quỳnh Hà lại giống Trà Mi đến như thế? Nếu không phải vì những biểu hiện của tuổi tác trên khuôn mặt, không vì tên tuổi, nhân thân của Hà hiện nay thì ông tin chắc Quỳnh Hà chính là Trà Mi của ông ngày trước đang ngồi trước mặt mình. Không chịu nỗi sự im lặng mãi, ông phải lên tiếng. Thế là tối ngày thứ ba, sau khi cơm nước xong, mọi người đang ngồi uống nước trà thì ông chợt hỏi:

-Này cháu Hà, hôm trước cháu có nói là có biết người con gái mà bác nhầm với cháu. Vậy người đó là ai, ở đâu?

Câu hỏi dồn dập, cử chỉ của ông Long có vẻ nôn nóng. Không khí chợt trầm lại. Bà Long thì chắc là không vui vì chồng đang nhắc đến một người phụ nữ khác của chồng không phải là mình. Ba mươi lăm năm lấy nhau, bà biết rất rõ về cuộc đời của ông, kể cả chuyện những cuộc tình của ông với những người con gái ngày trước. Ông không dấu bà một chuyện nào dù là song phương hay đơn phương. Bà cũng biết chuyện tình yêu của ông với Trà Mi. Bà không hề ghen vì nghĩ rằng trước khi có gia đình, ai cũng có một thời như vậy. Miễn sao giờ nầy ông là chồng của mình. Và quả thưc, qua 35 năm là vợ chồng, ông luôn tỏ ra thủy chung với bà, dù trong thực tế, không thiếu các cô gái chưa chồng hoặc đã có chồng đem lòng say mê ông. Nhưng lần này khi nghe chồng đặt câu hỏi như vậy với Quỳnh Hà, bà ngỡ ngàng. Hóa ra có chuyện mãi ông vẫn không thể nào quên được. Vì vậy bà lại càng muốn biết rõ hơn.

Thanh Hà và Quỳnh Hà nhìn nhau và cuối cùng Quỳnh Hà trả lời. Giọng của nàng không còn hồn nhiên và khuôn mặt mất đi vẻ tươi tắn như lúc mới gặp ông:

-Đó là Trà Mi, cô bé Thượng Tứ trước 1975 phải không bác?

Ông Long đứng dậy chồm về phía trước rồi lại ôm ngực và thả người xuống ghế. Bà Long nhẹ nhàng đưa cánh tay phải đỡ nhẹ ông.

_Thế bây giờ cô ấy ở đâu, làm gì, có còn khỏe không cháu?

Ông hỏi dồn dập, khuôn mặt thiểu nảo, dáng dấp của một kẻ đang ân hận về một việc làm không tốt của mình.

Bây giờ thì đến lượt Thanh Hà trả lời thay em:

-Thưa bác, bác cứ an tâm đừng buồn phiền. Bà ta tên là Trà Mi vẫn còn sống ở Mỹ, gia đình con cái hạnh phúc, cuộc sống kinh tế đầy đủ. Tuy nhiên, cũng như bác, bà vẫn còn một chút ray rứt về một người đàn ông trong cuộc đời của mình. Mẹ cháu là bạn rất thân của bà nên mới biết rõ câu chuyện. Lần này lên Pleiku, chúng cháu được bà ấy nhờ âm thầm tìm hiểu về người đàn ông đó. Nghe đâu, ngày trước ông ấy có thời lên Pleiku làm việc, bây giờ không biết đi đâu? Mấy ngày qua chúng cháu tin chắc mình đã có chút manh mối. Sáng mai cháu sẽ kiểm chứng lại một lần cuối rồi chiều mai sẽ trở lại thành phố.

Ông Long đứng dậy bước ra ngoài như muốn tìm chút không khí cho thoáng rồi lại thẩn thờ, lẩm nhẩm:

-Ở Pleiku này lại có một người đàn ông nào khác của bà ngoài ta ư?

Đêm đó ông Long trằn trọc không ngủ được. Cuốn phim quá khứ gần 40 năm lại hiện lên đầy đủ trước mắt ông.

Ông quen bà Trà Mi khi ông đang học năm Dự bị Đại học Văn khoa và bà đang là một học sinh lớp đệ tứ trường Đồng Khánh Huế. Ngày hai buổi cùng qua chuyến đò Thừa Phủ khiến họ dần gần lại với nhau, đặc biệt, năm đó Long đang ở trọ tại nhà một người bà con ở thượng thành Thượng Tứ. Lúc đầu chỉ là những lần như vô tình gặp nhau, cùng đi một con đường, qua một chuyến đò. Rồi đến một buổi chiều đi học về, trên con đường đất nhỏ dọc bờ sông từ bến đò xuống cửa Thượng Tứ, Trà Mi đã để yên không rút tay về khi anh nắm bàn tay cô bé. Thế là cả hai đã đến với nhau. Hàng cây dừa dọc bờ sông vung những tàu lá trong gió chiều từ bờ sông thổi lên như muốn dấu điều chúng đã biết. Dù có xe đạp nhưng ngày nào anh cũng chờ trước ngõ xóm để cùng đi, và khi chia tay nhau trước cổng trường Đồng Khánh thì anh còn lội bộ lên giảng đường Văn khoa ở đầu đường Phan Đình Phùng gần cầu Ga.

Những năm sau khi Trà Mi đã lên học Trung học đệ nhị cấp, bảng tên có thay đổi từ màu xanh, màu hồng và cuối cùng là màu tím mộng mơ thì thì tình yêu của hai người vẫn như tờ giấy trắng. Ấn tượng sâu lắng nhất có lẽ là những nụ hôn ngọt ngào có gió rừng thông đồi Thiên An, lăng Tự Đức chứng kiến.

Cho đến mùa hè năm 1972 đã làm thay đổi tất cả. Do ảnh hưởng của cuộc chiến ở Quãng Trị, nhiều người ở Huế cũng đã chuẩn bị tư thế vào Nam để lánh nạn, trong đó có gia đình Trà Mi. Lúc bầy giờ thì nàng cũng vừa thi xong Tú tài, hai em kế tiếp thì đang học đệ nhất cấp. Vì vậy gia đình nàng quyết định cho mọi người vào Sài Gòn vài tháng vừa như nghỉ hè, vừa đở lo chuyện đánh nhau. Hơn nữa, trong ấy đang có nhà của anh rễ của nàng là sĩ quan thiếu tá làm việc ở Bộ Tổng tham mưu.

Một đêm cuối tháng sáu, như thường lệ Long đến nhà Trà Mi thì chỉ có một mình nàng ở nhà. Hỏi ra thì mới biết cả nhà đã vào Đà Nẵng sáng nay, chị Hằng của nàng thì đang về làng nhờ bà o lên coi nhà trong thời gian gia đình đi vắng. Trà Mi rưng rưng nước mắt vì phải xa nhau chưa biết tình hình thế nào. Còn Long thì đang chuẩn bị thi tốt nghiệp Đại học sư phạm vào giữa tháng bảy. Gia đình anh chưa có ý kiến gì về việc di tản. Chính vì vậy  làm cho Trà Mi càng thêm nức nở. Những giọt nước mắt đó đã làm cho Long cảm động và tìm cách an ủi nàng. Lúc đầu là những nụ hôn say đắm của hai thân thể ôm chặt lấy nhau, bàn tay Long nhè nhẹ vuốt ve mái tóc úp gọn trên bờ vai Trà Mi. Rồi sau đó, như một lực vô hình thúc giục, bàn tay Long xoa dần xuống bờ vai, ra trước ngực nàng và rồi chu du khắp thân thể nàng. Long đóng các cửa rồi dìu Trà Mi vào trong giường của nàng mà nàng cũng không có thái độ phản đối.  Tối đó Long ở lại với nàng. Cả hai thân thể thực sự đến với nhau nồng nàn, say đắm. Cả hai không còn nhớ đến chuyện phải đi đâu, ngày mai như thế nào. Hai người đã gần gũi với nhau trọn một đêm và một ngày thật đẹp cho đến tối hôm sau chị của Trà Mi và bà o lên. Hôm sau nữa, hai chị em đi vào Đà Nẵng với gia đình.

Tháng sau, Long thi tốt nghiệp xong thì tình hình chiến sự ở Huế đã ổn định. Long chạy xe Honđa 67 vào Đà Nẵng để tìm Trà Mi, nhưng không gặp. Đến địa chỉ nàng cho thì chủ nhà cho biết hình như gia đình nàng đã đi vào Sài Gòn bằng máy bay quân sự mà anh rễ của nàng đã xin được. Long trở lại Huế để làm các thủ tục tốt nghiệp, chờ nhận quyết định của Bộ Giáo dục bổ nhiệm đi dạy học. Từ đó anh không hề nhận được tin của Trà Mi và gia đình. Từ đó, đời anh gắn bó với nghề dạy học ở phố núi cho đến ngày ngày nghỉ hưu. Ba mươi sáu năm công tác, anh cũng đã kết hợp công tác đi nhiều nơi trên quê hương đất nước. Đến đâu, anh cũng cố ý tìm lại hình  nhưng  bóng người xưa, vẫn biệt tăm. Tìm em, em ở nơi mô!

Ân hận, nuối tiếc. Ông đã có trong tay, gần gũi trọn vẹn một người con gái yêu thương. Vậy mà…

Giờ đây, cái tin do hai anh em Hà cho biết đã làm cho ông ngạc nhiên là vì sao hai anh em Hà có vẻ úp mở? Người đàn ông nào khác trong cuộc đời Trà Mi  ở phố núi này ngoài ông?

Chiều hôm sau vợ chồng ông ra phi trường tiễn anh em Thanh Hà vào thành phố. Buổi trưa ăn cơm, ông Long muốn hỏi kết quả công việc sáng nay của hai anh em nhưng thấy họ không thiết tha với chuyện đó nên đành thôi. Bất ngờ trước khi lên máy bay, sau những lời cảm ơn xã giao, Quỳnh Hà trao cho ông một phong bì nhỏ và dăn:

-Bác chỉ được mở sau khi máy bay cất cánh nghe!

Khi chiếc máy bay rời khỏi đường băng cất cánh bay lên bầu trời, ông mở chiếc phong bì của Quỳnh Hà vừa trao. Một cái cạt nhỏ với mấy dòng chữ nắn nót: Thanh Hà và Quỳnh Hà, hai đứa là con anh đó. Evta!

Evta-Em vẫn thương anh (x). Ông thẩn thờ , đưa chiếc cạt cho bà mà không nói năng.

Chiều tối, một tin nhắn tới: -“Đã vào dến TP. Chúng con nhớ ba lắm. Ba ơi!”

Ayunpa, tháng 5/ 2011
HNT

(x) Evta-Em vẫn thương anh: Tác giả mượn cách chơi chữ của Trần Kiêm Đoàn trong tập bút kí Từ ngõ Huế xưa( NXB Thuận Hóa, 2006).

Hà Nguyên Tường (Hà Văn Lộc)


: : TIN ĐÃ ĐƯA : :

LIÊN KẾT