Biên khảo: Thơ gửi lại - Lời người sắp ra đi.
THƠ GỞI LẠI- LỜI NGƯỜI SẮP ĐI XA.
Khi những trang thơ Hải đường say nắng (NXB Thuận Hóa - Huế, 2009) chưa ráo mực và tập thơ Ngôi nhà trên đồi Monterey Hills (Hoa Kỳ, 2010) chưa chắc đã được tất cả bạn đọc yêu thơ trong nước biết đến, thì vào đầu xuân Tân Mão (2011) nầy, nhà thơ Kiêm Thêm lại ra mắt bạn đọc tập thơ Thơ gởi lại.
Nửa thế kỷ làm thơ, khi ở trong nước hay lúc đã sang định cư ở nước ngoài, nói như Trần Kiêm Đoàn (Kiêm Thêm-Con Đường Tình Một Đời) thì: “Có thể nói nghiệp thơ đến với Kiêm Thêm ngang với tuổi đởi của mình” vả vì vậy “Hình như hạnh phúc của Kiêm Thêm là được sống chung thủy với chính mình”. Trong quãng đường dài đó, Kiêm Thêm như con ong cần mẫn hút mật để dâng cho đời những vần thơ sôi nổi, thiết tha. Cứ những tưởng, theo quy luật thời gian, bây giờ là giai đoạn nhà thơ sẽ chững lại, viết ít hơn. Ngược lại, đến tuổi “xưa nay hiếm”, ba tập thơ (gần 200 bài thơ) liên tiếp ra mắt bạn đọc, quả là một sức bật mạnh mẽ, đáng nể. Tất cả đều mang dáng dấp, tiếp tục in đậm phong cách thơ của Kiêm Thêm trước nay, nhưng mỗi tập thơ trong giai đoạn cuối đời nầy vẫn mang những sắc thái riêng, khác nhau. “Thơ gởi lại” là một tiêu biểu.
Đây là một tập thơ khác với những tập thơ trước của Kiêm Thêm từ nội dung đến vần điệu diễn đạt của nhà thơ. Điều đó, người đọc có thể bắt gặp ngay từ cái nhan đề của tập thơ hay như ở trong hai câu đề từ được in trang trọng ở trang bìa:
thiết tha biết bao
được ngày thuở trước
Đọc từng trang thơ, bài thơ, đúng là lời gởi lại bằng thơ, thể hiện tất cả những cảm xúc, suy nghĩ của một người đang cảm thấy gần đất xa trời. Những tâm sự đó không phải là không có ở những tập thơ trước, nhưng đến Thơ gởi lại thì nó chiếm lĩnh, bao trùm toàn bộ các bài thơ, dù là nói về điều gì, cái gì.
Trong tập "Ngôi nhà trên đồi Monterey Hills”, Kiêm Thêm đã bắt đầu nói đến chuyện di xa (khoảng 10 bài). Có những bài được nhấn mạnh bằng nhan đề cụ thể, rõ ràng (Dặn dò, Thời kỳ ấy rồi) hoặc bàng bạc qua những bài thơ nói về cuộc sống hiện tại. Năm ngoái, khi đọc tập thơ, khi bàn về điều này tôi đã tự nhủ: Nói thì nói vậy, buồn và đau xót, nhưng Kiêm Thêm vẫn chưa sẵn sàng. (Ngôi nhà trên đồi Monterey Hills- Tình Yêu, Quê Hương và…) Nhưng nay với “Thơ gởi lại”, nhà thơ có thể đã sẵn sàng một tâm thế của người sắp đi xa mãi mãi.
Đông Phương có quan niệm “Ngũ thập tri thiên mệnh”, Kiêm Thêm là người Á Đông đang ở giai đoạn của tuổi “xưa nay hiếm”, nên việc nghĩ đến chuyện đi xa là một điều không lạ. Cái tâm thế đó được nhà thơ thể hiện trong từng bài thơ, dù đó là thơ nói về tình yêu, là thơ viết về quê hương “nơi sinh ra ta”, nơi có sông Hương, núi Ngự muôn đời mến yêu, có con sông Bồ của tuổi thơ. Ở đây, thơ Kiêm Thêm có tính chất triết lý khi bày tỏ những cảm xúc và suy nghĩ của mình về cái chết sắp đến. Nhà thơ triết lý trong nỗi buồn, khi nuối tiếc, xót xa, nhưng trên hết vẫn là một thái độ chấp nhận, an nhiên tự tại.
Tập thơ bắt đầu bằng bài thơ Vạn chuyện cổ tích buồn.
Sao chiều nay nghe nặng nỗi buồn
đời xót xa đau từ quá khứ
ngày tháng không tên buồn bã hồn tôi
biết đã mất rồi một hồi thinh lặng
chuông giục ngân vang nhớ về dĩ vãng
hiện tại đong đầy một khối tịch liêu.
Không cần phải suy nghĩ xa xôi. Những từ ngữ và cụm từ đầy cảm xúc: “nghe nặng nỗi buồn”, “đời xót xa đau”, “buồn bã hồn tôi”, “hiện tai…một khối tịch liêu” dù không muốn cũng đã gợi những nỗi niềm và suy nghĩ như nhà thơ đã hai lần chốt lại ở cuối bài thơ:
mọi chuyện nay đã thành cổ tích
và:
chuyện cổ tích ấy rọi sáng vạn đời.
Cớ điều, cổ tích của dân gian thường có hậu, nhưng cổ tích của Kiêm Thêm nghe sao có vẻ buồn xót xa như thế.
Những lời lẽ đấy triết lý đó không hề có trong tập thơ Ngôi nhà trên đồi Monterey Hills nhưng lại tiếp tục xuất hiện trong những trang thơ tiếp theo dù là nhà thơ nói về điều gì:
Năm và tháng đã qua
hết rồi vòng tay hơi ấm
dẫu đã muộn màng
(Em có chờ tôi)
Nhà thơ Nguyên Sa trong lời bạt tập thơ Hải dường say nắng (HĐSN) đã có nhận xét rằng thơ Kiêm Thêm là thơ triết lý: triết lý cuộc đời, triết lý về tình yêu, triết lý Phật giáo, triết lý về Huế và triết lý về bản thân. Có thể đúng như vậy với HĐSN, nhưng với Ngôi nhà trên đồi Monterey Hills, thì chắc là khác. Đây có thể xem như một tập hồi ký, tự sự bằng thơ, kể và miêu tả bức tranh hạnh phúc trong tình yêu của nhà thơ, mối tình đẹp, trải qua gần 50 năm. Lời thơ vì vậy cũng trở nên rộn ràng, sôi nổi như tấm lòng của nhà thơ.
Còn trong tập “Thơ gởi lại”, những gì mà nhà thơ muốn nói như trong các tập thơ trước vẫn còn, nhưng đã thay đổi. Vẫn là một Kiêm Thêm với những bài thơ nói về tình yêu, về quê hương, đất nước.v.v. nhưng giờ đây chỉ còn là những vần thơ giàu triết lý dù là nói về đề tài nào, lĩnh vực nào.
Giờ đây, trong toàn tập thơ, cái không khí chung toát lên là những nốt nhạc buồn, tiếc thương và xót xa, đau khổ. Những cung bậc tình cảm đó đã được nhà thơ song hành với những suy nghĩ triết lý. Nói cách khác, ở đây chất trữ tình là con đò đang chở nhà thơ trong cõi mênh mang của cuộc đời và chất triết lý làm cho cảm xúc thơ đi vào chiều sâu.
Chính vì vậy, trong thơ của KT, bài nào ta cũng bắt gặp những dòng thơ trăn trở, đau xót, nuối tiếc dù đó là một kỷ niệm nhỏ:
Nghĩ tới một bông bưởi xưa
…………………………………….
Không mong gì nưa chiều hôm trước
trở lại đây dầu chút phù du
là thôi chia biệt bên sông cạn
nắng đã mòn hơi sương khói tan
một đống tro tàn của mai sau
thôi đã qua một thời cổ lụy
mai mốt hồn tôi về thăm lại
bông bưởi xưa có đợi chờ tôi
(Bông bưởi xưa)
Hay:
Tôi thắp nén nhang tưởng nhớ
một mùa hạ qua đây
đốt một hương trầm thương dĩ vãng
tiếc buổi chiều nay đã phai phôi
(Nắng đã qua)
Hoặc khi nhà thơ nói về tình yêu- một đề tài quen thuộc , bao trùm trong thơ của mình, thì cũng không còn những câu chuyện tình đẹp cùng những lời thơ rộn ràng như trước mà bây giờ chỉ là những dòng thơ nhẹ nhàng thoáng u buồn, nuối tiếc bởi người xưa không còn. Và người tình trong Thơ gởi lại, không chỉ là một con người cụ thể, có tên, có tuổi, có địa chỉ cụ thể (như ở trong tập thơ Ngôi nhà trên đồi Monterey Hills) mà đó là những cô gái không tên với đại từ nhân xưng “em”, “người con gái chèo thuyền”.v.v. cũng có bài thơ nhắc đến tên người vợ thuỷ chung, yêu quý Tất cả đều âm vang những niềm lưu luyến, tiếc nhớ:
Tình thì rất đẹp. Nhà thơ nhớ lại những ngày xưa, rất xưa:
tôi lẻo đẻo theo em đến đó
đi cùng con đường mùa phượng nở
có tiếng ve kêu
và nắng
lòng xôn xao khi biết yêu em
(Dưới hàng phượng vỹ)
Có lẽ đây là bài thơ về tình yêu hồn nhiên trong sáng duy nhất trong tập thơ. Vậy mà ngay trong những phút giây đẹp đẽ đó cũng đã xuất hiện nỗi buồn, lo lắng. Và trong những bài khác cũng là những nuối tiếc, xót xa vì biệt ly:
ai ngờ người ấy là dĩ vãng
dưới rặng thông chất chưa cũ càng
về lại thăm một vùng bóng tối
nhớ lại ngày xưa hai đứa mình
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
có vạn thương thương và nhớ nhớ
như hồi chuông ngân mãi trong đời
dội vang núi đồi và lũng thấp
đâu có ngờ một kiếp đi qua.
( Bóng một người)
Bỏ lại đằng sau/Đoạn chót có lẽ là bài thơ mà nhà thơ như đang tổng kết lại những tháng ngày hạnh phúc của mình khi ở quê hương mới, với người tình, người vợ thủy chung, và với những tháng ngày cho thơ:
tôi đã mượn hồn em biết bao thổn thức
viết vạn lời thơ âu yếm từng ngày
có đôi lúc nước mắt chảy ra
nuốt cho trôi với bao hờn tủi
rồi tôi sẽ bỏ em bơ vơ một mình
để lại mối tình với bao lận đận
chôn cất hơi thở, tẩm liệm niềm đau
mà ai trong đời cũng đã nếm trải
( Bỏ lại đằng sau/Đoạn chót)
Thì cũng chính trong bài thơ nầy, cuối cùng là sự an phận với hạnh phúc hiện tại và sẵn sàng cho chuyến đi xa mãi mãi:
Thanh Vân, các con, cháu mấy lời để lại
có sao đâu chuyện mất hay còn
ai cũng đi qua đó
cảm ơn hạnh phúc
( Bỏ lại đằng sau / Đoạn chót)
Không có gì là mâu thuẫn, là phi lý cả. Trong mỗi con người, tình cảm và lý trí tuy song hành trong đời người nhưng chưa chắc đã nhất quán. Huống hồ, chỉ riêng trong tình cảm thì “vì chưng hay ghét cũng là hay thương”. Biết làm sao mà bắt Kiêm Thêm cứ phẩi nhất nhất một chiều trong tình cảm của mình được.
Bài thơ nầy cũng như tất cả những bài thơ khác trong tập thơ vì vậy chính là cái làm cho tập thơ khác với những tập thơ trước đó ra mắt bạn đọc trước đay, một, hai năm. Chát triết lý đó làm cho thơ Kiêm Thêm đi vào chiều sâu, không đơn điệu, phù hợp với tâm thế của một người cao tuổi, đã qua thời kỳ biết “ tri thiên mệnh”
Viết đến đây, tôi lại nhớ đến lời của Trần Kiêm Đoàn đã nói về Kiêm Thêm ở trên, cũng như suy nghĩ của tôi khi đọc tập thơ trước đây ( Ngôi nhà trên đồi Monterey Hills). Trong tập thơ về tình yêu nầy, nhà thơ cũng có đến 10 bài thơ nói về việc chuẩn bị đi xa, tưởng là không còn thơ nữa. Nhưng tập thơ mới nầy ( Thơ gởi lại) tuy là hoàn toàn nói về việc “sinh ký, tử quy”, nhưng còn sống là còn cầm bút. Tôi tin, với sức bật hiện tại, Kiêm Thêm sẽ cho bạn đọc yêu thơ Kiêm Thêm những vần thơ hay hơn nữa. Chắc chắn là được.
Gia Lai (VN) tháng 3/2011
Hà Nguyên Tường