XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ
(Kính tặng thầy VVD, TKĐ và bà con,
các bạn quê hương Liễu Cốc Hạ)
Trước Tết Quý Tỵ, từ Mỹ về đến Sài Gòn, Trần Kiêm Đoàn liền gọi điện thông báo và hẹn tôi gặp nhau ở Huế. Dù mới gặp nhau hồi tháng 4/2012 ở Huế khi vợ chồng anh về VN đúng dịp Festival Huế 2012 và đặc biệt là kỷ niệm lần thứ 55 ngày ĐHSP Huế, nhưng tôi vẫn phấn khởi OK ngay không đắn đo. Về để anh em gặp nhau của hai kẻ ở cách nhau nửa vòng trái đất và nhất là về để trao tận tay anh cuốn sách, chính xác là tuyển tập thơ văn Phố núi và Quê hương mà tôi vừa mới in xong có anh góp sức bằng mấy lời giới thiệu rất hay.Vậy mà tôi lại không về được. Một vụ tai nạn giao thông đã làm tôi phải ở nhà không đi đâu được. Cú va chạm vào chiếc xe tải nhỏ băng ngang đường làm đầu xe máy của tôi nát, còn tôi thì bị thương ở mặt và bụng:
Đầu óc quay quay như chóng vụ
Mặt mày trăng trắng tuyết hoa rơi
Bạn bè thăm hỏi, mừng còn khỏe
Lối phố ấp a tưởng “lặn” rồi
Tôi vẫn chủ quan gọi điện thông báo cho anh Đoàn hẹn thế nào cũng về Huế tháng sau dịp ngày kỵ của mạ tôi. Nhưng rồi tôi lại thất hẹn một lần nữa. Đi sao được với khuôn mặt của Chí Phèo, bụng như Trư Bát Giới và huyết áp có khi lên đến 182/12, đầu nhức như búa bổ, đành ca bài Xuân này con không về.
Về Huế, về nhà. Dù đã xa quê đúng 40 năm, cuộc sống đã ổn định nơi quê người, nhưng khái niệm Về quê vẫn luôn đâu đáu ở trong lòng. Bây giờ, ở quê, cha mẹ chẳng còn, anh em người ở, người tha hương như tôi, nhưng ước mong trở lại quê nhà vẫn là nỗi niềm ray rứt:
VỀ LẠI QUÊ HƯƠNG
Về lại quê hương chùm khế ngọt
Mà sao lòng lại thấy nao lòng
Anh em ly tán người đôi ngả
Cha mẹ xa rồi khuất nẻo trông
Nhà vắng đìu hiu, nhang khói lạnh
Vườn hoang cỏ mọc, nắng chiều vương
Ước gì trở lại ngày xưa cũ
Nghe tiếng cười vang khắp xóm làng
AyunPa, 14/4/2012
Đó là tâm trạng của tôi khi về Huế hồi tháng 4/2012. Lần đó, tôi đã gặp lại vợ chồng Trần Kiêm Đoàn sau gần 30 năm xa cách từ khi anh vượt biên sang định cư ở Mỹ. Gặp nhau mấy lần, cùng nhắc lại chuyện ngày trước, hơn nửa đời người mà vẫn tưởng như mới hôm qua. Chị Đoàn, “Con yêu bánh nậm”,”Cô em Đông Ba”… ngày nào, nay vẫn còn giữ những nét xuân sác và tính cách cũ. Lần đó, do thời gian ở Huế của cả hai không nhiều, tôi cũng có nhiều việc riêng phải lo, nên những điều cần tâm sự, giải bày với anh Đoàn chưa thể nói hết. Tự an ủi:-Thôi thì gặp nhau thấy mặt nhau, nói chuyện được với nhau vài câu cũng là quý lắm rồi, còn hơn chỉ nghe giọng qua máy điện thoại hay mấy dòng chữ trên email.
Đành là thế, nhưng nếu gặp được nhau thì vẫn hay hơn. Vậy mà lần này, tôi vẫn không về được Huế của tôi! Trong những ngày xuân đầy buồn chán, bức rứt này, tôi đã bắt gặp một bài thơ của Trần Kiêm Đoàn viết khi đang ở bên Mỹ để họa lại một bài thơ của một đồng hương Huế ở Mỹ:
VỀ HUẾ
(Họa và kính chúc thầy Bùi Ngoạn Lạc thường an lạc)
Phương Đoài mây trắng ngỡ phương Đông
Nhớ Huế bên tê vẳng tiếng lòng
Núi Ngự mây trôi còn nhuộm tím…
Sông Hương bèo dạt có đơm bông?
Tha hương tóc trắng duyên thiền quán
Viễn xứ canh tàn nghiệp ngộ thông
Bắt chước Trang Chu đời hóa bướm
Gõ sừng mà hát khỏi chờ mong.
Trần Kiêm Đoàn
Sacramento, mùa Thanksgiving 2012
Bài thơ tuy Trần Kiêm Đoàn viết họa lại một bài thơ khác của thầy Bùi Ngoạn Lạc, nhưng đã có những tác động đến bản thân tôi, làm tôi xúc động vô cùng. Khi viết những dòng thơ này thì tác giả còn ở Mỹ, núi Ngự, sông Hương xa vời vợi tưởng chừng chỉ còn: “Gõ sừng mà hát khỏi chờ mong”. Vậy mà giờ đây anh đã có mặt ở quê nhà, còn kẻ cũng ở phương Đoài, tha hương ngay trên đất nước mình lại không về được.Vì vậy tôi đã có mấy vần thơ họa lại như sau:
ĐƯỢC VỀ HUẾ
(Họa lại bài thơ Về Huế của Trần Kiêm Đoàn)
Hai kẻ phương Đoài nhớ cõi Đông
Quê hương đâu đáu mãi trong lòng
Sông Bồ dòng sữa thời thơ ấu
Thừa Phủ đò ngang nụ kết bông
Viễn xứ xa xôi người đã đến
Tha hưong ta vẫn với ngàn thông
Mừng ai chẳng phải mong thành bướm
Chỉ có non Đoài ta nỗi mong.
AyunPa ( Gia Lai), Cuối đông Nhâm Thìn
Hà Nguyên Tường
Lời thơ thì có vẻ nhẹ nhàng, nhưng đàng sau là biết bao nhiêu là nỗi đau buồn của người viết. Không về được quê, cứ tưởng với người đã đến cái tuổi « Lục thập nhi nhĩ thuận », đã qua thời « Ngũ thập tri thiên mệnh », thì việc về Huế hay không chắc không là gì cả. Vậy mà !
Tôi là người Huế. Điều đó không ai phủ nhận. Bấy lâu tôi vẫn cứ đinh ninh như vậy không có gì băn khoăn. Cứ nghĩ xứ Huế quê hương của mình tuy đẹp và nên thơ nhưng mà quá nghèo, vì vậy chỗ nào sống được thì cứ sống, miễn sao đừng có quên quê cha đất tổ là được. Bởi vậy tôi yên tâm chọn Tây Nguyên làm quê hương thứ hai của mình và vẫn luôn luôn tự tin rằng mình là người Huế rặc. Ở xa không về thì tham gia hội đồng hương Huế với nhau hay liên lạc qua thư từ, thơ văn với anh em đồng hương ở các tỉnh, viết bài cho các trang web của cựu học sinh Hàm Nghi, Quốc Học Huế, tưởng thế là mình đang là dân Huế rồi, vẫn còn chút Huế ở trong mình. Hóa ra không phải vậy.
Trước hết, một quyển sách đã làm thay đổi nhận thức về Huế trong tôi, đó chính là cuốn Chuyện khảo về Huế của Trần Kiêm Đoàn.Trong tay tôi có hai bản về tác phẩm này, một bản phôtocopy bản in từ Mỹ và một bản in tại NXB Thuận Hóa-Huế. Không đặt vấn đề về chỗ khác nhau của một số bài viết thì cả hai tác phẩm đều tập trung nói về những kỷ niệm, những sinh hoạt đặc biệt của Huế và chỉ có Huế mới có : các loại thức ăn Huế : bún bò, chè Cồn, chè hạt sen, cơm hến.v.v. thậm chí là cả chuyện ngủ đò trên sông Hương. Đọc những bài viết này, tôi chợt bồi hồi rồi tự hỏi :-Mình có phải là dân Huế không ? Tôi cũng như TKĐ, cùng làng với nhau, cùng đi trên con đường dứt ( chữ Nhứt đọc trại), cùng tắm con sông Bồ mỗi chiều mùa hè, cùng học với nhau trường Hàm Nghi, Quốc Học, rồi ĐHSP, ĐHVK Huế. Vậy mà sao tôi không biết chi hết về những điều anh Đoàn nói.Nói về các món ăn hay các thú giải trí ở Huế, tôi thấy thứ nào TKĐ cũng tỏ ra thành thạo như một người thành phố Huế , thậm chí là như một người có tay nghề về các lĩnh vực đó.Các bạn có thể đọc những bài viết trong đó thì sẽ thấy rõ điều tôi muốn nói. Dĩ nhiên dụng ý của TKĐ là « vẽ mây nẩy trăng », nói chuyện ăn uống là để nói về những kỷ niệm của anh với bạn bè, anh em, đặc biệt là với cô bé Đông Ba nay là người chia nửa cuộc đời với anh. Sau này trong « Từ ngõ Huế xưa », anh cũng nhắc lại những chuyện đó. Hóa ra, những ly chè sen hồ Tịnh, tô bún mụ Rớt.v.v. đã trở thành máu thịt của anh, là Huế của anh, dù có đi xa nửa vòng trái đất, đã mấy mươi năm, nó vẫn «thâm căn cố đế», còn mãi mãi trong anh.
Gần đây, trong những ngày bị tai nạn giao thông, tôi đã đọc và xem một loạt thơ văn và hình ảnh về Huế của cô bạn đồng hương, đồng môn sư phạm của tôi : « cách cách » Huyền Tôn Nữ Huệ Tâm. Đọc bài viết về những kỷ niệm của bạn thời thơ ấu với hồ Tịnh Tâm, tôi thấy mình xót xa như khi đọc các bài viết của TKĐ. Một thời thơ ấu học bậc tiểu học( trường Trần Cao Vân) rồi trung học Đệ nhất cấp (Hàm Nghi), hầu hét các năm tôi đều ở trọ tại nhà một người bà con ở đường Mã Khái ( sau đổi là Tăng Bạt Hổ, rồi là Lê Văn Duyệt và bây giờ là đường Nhật Lệ ) rất gần hồ Tịnh Tâm. Vậy mà đọc văn của HT, tôi tưởng chừng như đọc cổ tích.Xem các hình ảnh HT chụp với các bạn ĐK cũ, tôi thấy mình có lỗi với mái trường Quốc Học đáng yêu của tôi. Hai trường gần gũi nhau đã tạo những kỷ niệm dẹp cho các học sinh hai trường.Tôi không chắc mình cũng là một trong những học sinh QH mỗi lần ra chơi, đứng bên cửa sổ nhìn qua bên kia để mong một cánh tay vẫy chào từ các khung cửa sổ của dãy lầu bên kia đường:
Người chi mô mà lạ rứa hí
Giờ ra chơi cứ ngó miết người ta
Và reo lên khi thoáng thấy đi qua
Tụi bạn tưởng có răng rồi mới rứa
(Vô danh- Nguồn Internet)
Bâng khuâng, nuối tiếc là thế, nhưng Huế vẫn là của chung nhiều người, còn trong tôi, ngoài Huế ra, tôi còn có Liễu Cốc Hạ, một góc quê hương nhỏ bé nhưng vô cùng thân thương của tôi. Đó là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, là nơi có nhà cửa, ông bà cha mẹ, người thân của tôi, là nơi có con sông Bồ ôm ấp tuổi thơ của tôi.Như lời bài thơ ở trên, đến nay, ông bà, cha mẹ chẳng còn, anh em người mất, người còn thì ly tán, nhà cửa hoang vắng, nhưng đó mới chính là quê hương thực sự của mình. Cái mong muốn: “Ước gì trở lại ngày xưa cũ” là một khao khát thường trực trong tôi. Mỗi đêm, trong giấc ngủ, hình ảnh cái nhà xưa vẫn luôn luôn hiện lên trước mắt. Mắt thì nhắm theo giấc ngủ, nhưng tôi vẫn như rõ mồn một từng vị trí của nhà trên, nhà bếp, đây là bàn thờ ông bà, đây là chiếc giường nơi ông nội nằm, sát cửa sổ là bộ bàn ghế uống trà, tiếp khách hàng ngày, dưới nhà, cái bếp đun rơm còn bừng lửa; trước nhà là bức bình phong có bể cạn nuôi cá cảnh, và xa hơn là dãy tre liên vườn nhà tôi, nhà ông Hoàng, ông Bích, chạy dọc cho đến cuối xóm giữa. Tôi chợt bàng hoàng,trong giấc mơ, nhưng tôi cũng nhận ra đó chỉ là hình ảnh ngày xưa cũ, còn bây giờ thì chẳng còn chi. Cả làng chỉ còn mấy cây tre trước nhà thờ họ Trần, ngoài ra chẳng có nhà nào còn tre. Những ngôi nhà vườn xưa cũ, bây giờ đã bị chia thành lô đất nhỏ để mọc lên những căn nhà hộp, trước có tường rào kiên cố dọc theo đường xóm bê tông phẳng phiu. Phố đã về làng rồi! Ngay cả nhà tôi, vì khó khăn, nên mạ và em trai của tôi đã bán bớt gần nửa đất để lấy tiền sửa sang nhà cửa, mồ mả ông bà. Hình ảnh đụ rơm vàng, hàng cây cau cao vút đong đưa theo gió chiều, hình ảnh cây khế cạnh bờ ao gần nhà ông Hoàng giờ chỉ còn trong nỗi nhớ. Tất cả đều không còn nữa. Vậy mà tôi không thể nào quên, không thể nào quên được.
Cuối năm 2012, khi tôi xuất bản tuyển tập thơ văn Phố núi và Quê hương, có người đã nói với tôi -Sao không là “Phố núi là quê hương”?thì tôi chỉ cười trừ. Như lời thơ của Đỗ Trung Quân “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi…” Tôi đã đến với Tây Nguyên lúc còn trẻ, và đã chọn Phú Bổn này làm nơi ở lâu dài:
Nghĩ câu “cát bụi mà thôi”
Non xa đành chọn làm nơi cuối cùng!
Hàng tre xưa khuất gió sương
“Dại, khôn” hai chữ mơ mòng vấn vương!
(Cảm ơn ai)
Nhưng Phú Bổn- AyunPa này không thể là quê hương của tôi được. “Quê hương mỗi người chỉ một…”, đó chính là cái làng Liễu Cốc Hạ nhỏ bé bên dòng sông Bồ của tôi.
Khi tôi bắt đầu cho bài viết này thì được Phạm Quý Mễ từ Sài Gòn thông báo tin vợ chồng thầy Võ Văn Dật cũng có về Việt Nam ăn tết. Tôi thật sự choáng. Thế là không chỉ không gặp được Trần Kiêm Đoàn mà còn không gặp được thầy cô cũ của mình. Lúc tôi học ở trường Hàm Nghi ( Huế) thì thầy Dật dạy tôi môn Việt văn lớp đệ ngũ2 và tứ 2, còn cô Minh Lệ thì dạy tôi môn Toán. Thầy Dật là hình ảnh tôi ngưỡng mộ khi thầy còn dạy học ở Huế và là tấm gương tôi kính phục về việc tự học nâng cao trình độ, nghiên cứu và biên soạn lịch sử. Có một người tôi mến phục là Trần Kiêm Đoàn, nhưng thầy Dật là người tôi kính phục. Vậy mà, cuối cùng, trong tôi, lần này cả hai người tôi “phục” đều không gặp được.Đành tự ngẩn ngơ với dòng thơ: “Viễn xứ xa xôi người đã đến/ Quê hương ta vẫn với ngàn thông”.
Mong quê hương và các bạn rộng lượng…
AyunPa, Tam nguyệt, Quý Tỵ
Hà Nguyên Tường