HNH trên YouTube

HNH trên Picasa

Số tài  khoản BLL HNH

TÁC GIẢ, TÁC PHẨM
MỘT THOÁNG VỚI PLEIKU
Cập nhật: 7h39' 10/06/2014 (GMT+7)

Tản mạn:

MỘT THOÁNG VỚI PLEIKU

Hay  “GÁI MÔ ĐIỆU BẰNG GÁI PLEIME”

Trước năm 1975, cùng với nhiều đồng khóa, tôi lên Pleiku khởi đầu sự nghiệp gõ đầu trẻ ở trường Trung học Công lập Pleiku.Từ ngôi trường mà học sinh hầu hết là nam sinh ( thật ra là có một số em học sinh người Thượng ở các huyện về học theo chế độ nội trú của nhà nước), tôi đã nghe loáng thoáng tiếng ngâm nga của mấy thầy lên trước:

Đường mô dài bằng đường Hoàng Diệu

Gái mô điệu bằng gái Pleime

Không biết từ lúc nào và ai đó đã chuyển mấy câu ca dao của dân tộc (Cầu mô cao bằng cầu danh vọng/ Nghĩa mô trọng bằng nghĩa phu thê/ Ví dầu…) thành như rứa. Câu ca dao trên, ít nhiều cũng đã gây cho tôi một sự tò mò về mấy em gái điệu đà này.

 

<!--[if !vml]--><!--[endif]--> <!--[if !vml]--><!--[endif]-->

Nói thì nói vậy, nhưng thực ra, trong cái năm năm đầu tiên, tôi chỉ mới đi vòng vòng bên ngoài, chủ yếu là lo chuyện dạy học và sinh hoạt với ngôi trường mình đang công tác: Trường Trung học Công lập Pleiku, làm quen với các thầy cô giáo, gần gũi với các học sinh. Mà học sinh ở đây thì hầu hết là nam sinh, là … như thầy, nên cái mối quan hệ cũng dễ đến. Ngoài việc học và tham gia sinh hoạt ở trường, các em đã trở thành những hướng dẫn viên giới thiệu với các thầy giáo trẻ chúng tôi về Phố Núi. Lúc đầu là những buổi du ngoạn các nơi gọi là “danh lam thắng cảnh” như: Biển Hồ nước, đập tràn Phú Thọ.v.v.

Đứng trước cảnh nước non hữu tình của Biển Hồ, thầy Lê Mậu Phúc- một giáo sư trẻ từ Sài Gòn ra, tuy dạy Sử Địa, tiếng là thông thái về địa lý - cũng xuýt xoa, thán phục:

-Tuyệt thật! Hết sẩy! Hết sẩy!!

Nước hồ mênh mông. Xa xa, mờ trong sương khói là màu vàng rực của hoa dã quỳ phủ khắp các triền đồi chung quanh hồ. Xa hơn nữa là những dãy trà  của đồn điền Trà Lipton Pleiku. Nếu không có những cánh máy bay gầm rú và lên xuống ở phi trường gần đó, thì không ai không nghĩ rằng mình đang đứng trước một cảnh tiên trên cao nguyên.

Tiếp theo, các em đã dẫn chúng tôi đi thực tế một số buôn làng đồng bào người Thượng ở ven thành phố. Lần đó, chúng tôi đến là lúc đồng bào đang có lễ cúng tế. Tôi không chú ý đến phần nghi lễ, nhưng đặc biệt quan tâm đến một hình ảnh: các nam nữ thanh niên đồng bào Thượng đang nắm tay thành một vòng tròn, chân từng bước bước đi theo tiếng cồng chiêng và ở giữa quanh một đống củi đang cháy bùng lên là hơn hai chục cái ghè có nhiều cần cắm bên trong. Được sự giới thiệu của một học sinh (có quan hệ giao tiếp nhiều với họ) chúng tôi được già làng mời vào trong ngồi bên cạnh các ché rượu. Đây là lần đầu tiên tôi được uống rượu cần của đồng bào Thượng. Không có ly chén, mà uống theo quy định nước rút xuống một can là được. Nhìn những ca nước suối châm vào cho ngập cái can bằng tre dài khoảng hơn lóng tay, tôi yên tâm nâng cần. Cứ tưởng chỉ là uống nước suối có ga một chút, nào ngờ cái thứ rượu quỷ quái: vừa nhẳn nhẳn, vừa nồng lại vừa ngót ngót, nhấp một hơi rồi bỏ thì thấy tiếc tiếc, lại nhấp tiếp cho đến khi đã vượt qua can tre mới được thôi. Hết ché thứ nhât, tôi lại bị các bậc cao tuổi trong làng nhẹ nhàng mời phải uống tiếp:

-Lệ làng đã uống là phải uống hết các ché ở đây. Nhưng nể các thầy là thầy giáo từ nơi xa đến nên chúng tôi cũng đã xin Giàng cho phép các thầy chỉ uống khoảng năm can là được.

Tôi hăm hở vít cần thứ hai để hoàn thành nhiệm vụ lịch sự, nhưng chỉ đến hết can thứ ba là tôi đã muốn ngất đi:

-Chương ơi! Bát ơi! Thanh ơi! Thầy chịu thôi, chóng mặt quá!

Mấy anh học trò yêu quý này biết khả năng uống rượu của tôi nên xin phép già làng cho tôi bỏ cuộc. Tôi nghỉ ở bên cạnh sau khi được già làng cho nhai một thứ lá đăng đắng có lẽ là thuốc giải rượu của họ. Tôi nhìn quanh, các bạn đồng nghiệp của tôi cũng không khác, không hơn gì tôi. Về sau, khi Pleiku được giải phóng, Thanh bỏ học đi ngành Công An. Có lần gặp nhau, nhắc lại chuyện cũ, Thanh cười:

-Đó là làng cơ sở của bọn em hồi trước 1975.

Hèn gì những người làng đối xử với bọn tôi rất trân trọng. Hồi đó tôi cứ tưởng họ vì nể mình là thầy.

Đầu năm 1974, sau đợt nghỉ tết Nguyên Đán xong, hương xuân vẫn còn vương khắp nơi, mấy anh học trò yêu quý của tôi lại thỏ thẻ:

-Thầy ơi! Đầu năm mới, chúng em mời thầy đi thực tế cho vui.

-Chuyện gì nữa. Rượu là thầy xin thôi trước.

-Thầy có nghe câu ca dao: “Đường mô dài bằng đường Hoàng Diệu/ Gái mô điệu bằng gái Pleime” không?

-Thầy có nghe các thầy Chuân, thầy Cẩn đọc rồi.

-Thơ của tụi em đó. Tụi em chép chơi trên bảng, các thầy giám thị đi qua phát hiện liền tuyên dương bằng việc khiển trách chúng em trước cờ trong dịp chào cờ năm ngoái: -Chăng lo học với hành, chỉ lo thơ với thẩn. Mà dân Trung học Pleiku không điệu à?Hỏi thầy Phúc xem thử!

Thế là từ đó, mỗi tuần hai lần, nhóm thầy trò chúng tôi lại dẫn nhau từ trường Trung học, xuôi đường Hoàng Diệu, rẽ qua đường Trịnh Minh Thế dạo chơi sau tiết học cuối buổi chiều thứ ba và thứ năm. Đi nhanh đến ngã ba Hoa Lư thì cũng vừa gặp các cô nữ sinh trường Pleime ra về. Bầy thiên nga tuy đã rẽ làm hai, một nửa theo đường Lê Lợi về thẳng Diệp Kính, còn một nửa theo đường Trịnh Minh Thế đi về, nhưng đường nào cũng chỉ toàn là một màu trắng. Các anh học sinh trung học của tôi đứng lặng người nhìn theo như những pho tượng. Có lẽ mũi lòng cho tình cảnh đó nên trong hàng ngũ thiên nga ấy có tiếng vang lên:

-“Người đi một nửa hồn tôi mất/ Một nữa hồn tôi bỗng dại khờ”.

Đám học sinh của tôi vốn đã chết lặng vì cảnh, bây giờ lại chết giấc vì tình, không nói gì được. Có anh nhẹ nhàng níu tay áo tôi, nói nhỏ: -Đúng là điệu quá, làm sao bây giờ hả thầy.

Trước tình hình đó, tôi phải xung phong cứu phe nhà :

- Đường mô sâu bằng đường Hoàng Diệu

Gái mô điệu bằng gái Pleime

Thương anh Trung học đi về

Trông theo khuất bóng a tề dáng ai!

Từ bên phe kia lại có tiếng vang lên:

-Hay! Hay! Rất hợp cảnh, hợp tình. A! Mà sao bên phía Trung học lại có chàng nào mới và đáo để thế?

Hồi đó mới ra trường nên còn trẻ, lại có tầm cao trung bình nên các em gái Pleime không phát hiện tôi là thầy giáo.

Lũ học trò của tôi lúc ấy như mới choàng tỉnh dậy, kêu lên:

-Bí mật, Bí mật!

Từ đó trong giới học sinh hai trường lại kháo nhau mấy câu ca dao nói trên, nhưng ai là tác giả thì các em Pleime tuy có điệu đà đấy, nhưng vẫn chưa tìm ra. Lũ học sinh Trung học, thì để bảo về cái oai danh ‘anh Trung học” của mình thì không tội gì nói ra sự thật là thầy mình đã gà hộ bài.

Một năm học đầu tiên trong nghề dạy học rồi cũng đi qua, có buồn, có vui, nhưng chắc vui nhiều hơn. Bước vào năm học sau (1974-1975), tuy vẫn dạy ở trường Trung học, nhưng tôi còn được dạy thêm hai lớp 11 AB ở trường Nữ Trung học Pleime. Nhiều bạn đồng nghiệp trẻ thì trầm trồ:

-Ông Lộc hên thật! Tha hồ mà kén cá chọn canh.

Nhưng thầy Giám học  Nguyễn Quảng Cư thì cười :

-Không dễ đâu thầy Lộc ơi! Tôi đã dạy ở đó tôi biết. Cô và trò đều điệu đà, đáo để cả. Mệt lắm!

Thầy Cư nói vậy thôi, chứ tôi biết khi còn dạy bên Pleime thầy đã câu và đưa một em điệu –cô giáo Thái Thị Lựu- về dinh rồi. Nên tôi  vẫn phớt lờ, coi như mọi sự chẳng liên quan đến mình. Đến giờ thì cứ lên lớp dù là Trung học hay Nữ Trung học. Hôm đầu tiên đến trường nữ, tôi đi vào văn phòng đúng giờ ra chơi. Các cô học sinh đang đi lại trên sân, tụm năm tụm ba, trông thấy tôi chợt xì xào:

-Ông thầy nầy sao trông thấy quen quen, giống như mấy ông Trung học nhà ta?

Khi vào lớp, tôi cảm nhận có chút không khí ngỡ ngàng như khi ở ngoài sân, tôi tự giới thiệu:

-Thầy tên là Lộc, cũng là bạn cùng khóa sư phạm với thầy Tuấn trường mình. Trước đây, thầy cũng muốn về Tây Lương Nữ vương quốc điệu này, nhưng thầy Tuấn lanh chân lẹ mắt,nên thầy đành phải đầu quân làm “anh Trung học” thôi. Mong các em ủng hộ nghe!

A! Một tràng vỗ tay kéo dài và một giọng đọc thơ vang lên: -“Đường mô sâu bằng đường Hoàng Diệu…. / Trông theo khuất bóng a tề dáng ai!”. Thầy, phải thầy rồi! Răng mà thầy cũng điệu như rứa?

Cái giọng Huế nửa nạc nửa mở cùng với mấy câu ca dao cải biên vang lên làm không khí lớp học trở nên sôi nổi lạ thường. Bí mật về tác giả mấy câu ca dao kia đã lộ rồi. Nhưng là thầy thì phải biết giữ lấy sân của mình, đừng để bên kia lấn sang.

<!--[if !vml]--><!--[endif]-->

Một lần, tôi đang vội vàng bước lên hành lang của dãy lớp 11 thì thấy mấy cô áo dài trắng nhà mình đang còn đuổi nhau chưa chịu vào lớp dù trống đã điểm. Từ xa tôi đã thoáng nghe mấy câu đùa của các cô:

-Thầy ơi! Anh hai ơi ơi! Chị hai em dặn chiều nay anh nhớ tới chở chị đi ăn kem Bắc Hương đó nghe!

-Trinh ơi! Có thầy đây, muốn nói gì thì nói đi chứ, sao lại cứ đỏ mặt làm thinh thế.Tối nay nhóm mình mời thầy đi cà phê Văn nghe!

Lúc đó tôi chỉ biết cười trừ, làm thinh: -Hãy đợi đấy!

Quả thật, khi đã vào lớp, chiến tuyến phân biệt rõ rệt. Cầm quyển sổ lớp tôi đưa cây bút BIC chạy lên xuống một vòng rồi xướng:

- Lên dò bài cũ, mời em: Nguyễn Thị Thủy…

Từ cuối dãy bàn thứ ba bên cửa sổ, một tiếng kêu thảng thốt:

-A! Chết em rồi!

Tiếng thầy giáo lại tiếp tục:

-Tiên. Nguyễn Thị Thủy Tiên.

-A!Chết tao rồi Thủy ơi!

Tiếng của một cô bé ngồi đầu bàn thứ hai bên trái.

-Em hãy đọc thuộc lòng bốn câu trong bài Hàn Nho phong vị phú từ câu… và giải thích ý nghĩa của đoạn thơ!

Cô bé đứng nghiêm như chào cờ, mặt thì đỏ gay. Đứng ở trên bục giảng, tách rời khỏi thế giới đám đông của mình, cô bé không còn vẻ tinh nghịch như khi còn ở ngoài cửa lớp nữa.Vậy mà, khi được cho về chỗ ngồi, cô bé còn nguýt lại thầy một cái và hứ khá rõ và kéo dài cả mấy cây số: Thầy…!

Không chỉ gần gũi với các em nữ sinh đang học mà trong năm 1974 này, tôi còn được làm quen với hai cô gái cựu học sinh Pleime vừa mới rời trường không lâu. Một em tên là Thiên Kim, vốn là em gái của người bạn học của tôi thời trung học, nhà lại ở gần nhà trọ của tôi ở Huế. Nay gặp nhau ở đất khách quê người này, biết bao nhiêu là cảm tình lưu luyến. Em ở với bà chị ở cư xá quân y viện Pleiku trên đường Trịnh Minh Thế, thật là thuận cho tôi mỗi chiều đi dạy ở trường Nữ Pleime. Người thứ hai là NL làm nhân viên Ty Nông Nghiệp tỉnh Pleiku. Tình cờ, tôi gặp em trên một chuyến xe lam lên trường, em đang đưa em trai út đi thi vào lớp sáu trường Công lập. Chuyện dễ như thỏ ăn cỏ, với khả năng của một giáo sư sở tại, chuyện cậu bé vào học trường Trung học công lập Pleiku là đương nhiên. Điều quan trọng là chị của cậu và tôi có dịp quen nhau thắm thiết, những tưởng sẽ gắn bó bên nhau mãi mãi. Nào ngờ, sự kiện tháng 4/1975 làm bản thân tôi và gia đình thay đổi to lớn. Tôi dần dần xa em, để mãi còn lưu luyến với mấy câu thơ làm sau này:

Ta gặp nhau rất thật tình cờ

Chuyến xe nhỏ đưa hai linh hồn xa lạ

Từ cỏi nào gần lại, đến bến mơ

Cảm ơn em, cảm ơn thành phố có em

Để thuyền ai neo đậu lại bển sông trăng

                              (Trăng lạnh)

Thật ra, Tây Lương nữ vương quốc không chỉ có các em nữ sinh cũ hay mới mà còn có rất nhiều cô giáo cũng điệu đà không kém. Nhưng số tôi hình như không có duyên với các cô như những bạn đồng nghiệp khác như thầy Nguyễn Quảng Cư, thầy Thân Trọng Tuấn. Một cô giáo đồng hương Huế rất đẽ thương làm tôi chú ý và muốn tiến tới: cô TTH. Nhưng khi tôi vừa bộc lộ ý định đó thì mấy thầy Trung học Pleiku có ý kiến:

-Điệu lắm. Cô đó là cây điệu đà nhất Pleime, trông ông không sánh được.

Tôi cười:

-Đã là gái Pleime, thì cô và trò ai mà chẳng điệu.

Còn thầy LCC thì xen vào:

- Không đước! Ông mà nhắm chỗ đó thì thằng Tình nó chém ông liền.Nó trồng cây si cô ta cả năm nay rồi.

Tình là thiếu úy chính trị, đẹp trai, cùng sinh hoạt trong Ban Hướng dẫn GĐPT Pleiku với chúng tôi. Dù chưa biết cụ thể như thế nào, nhưng nghe nói bạn đã có ý rồi, mình chen vào là bất nghĩa, nên đành bấm bụng rút lui.

May thay, cuối đợt dạy thêm ở trường Pleime, tôi lại được đón tiếp các thầy cô giáo mới ra trường lên công tác ở Pleiku, trong đó ở Pleime có HTA và HTT. Cả hai đều là những cô gái Huế còn nguyên nét Huế. HTA vốn là học sinh trường Đồng Khánh, học sau tôi hai lớp. Nhà em ở sau lầu Hoàng Đệ ở trong Thành Nội. Vậy mà sáng nào khi xe buýt chở em dừng lại ở Phu Văn Lâu thì tôi cũng vừa có mặt để cùng em sang đò Thừa Phủ kịp vào lớp. Có lần đò sang trể, cánh học sinh Quốc Học chúng tôi đành chạy ào vào cổng chính, băng qua sân nhà thầy hiệu trương, thầy giám học cho kịp giờ. Hồi đó, học sinh cả hai trường chúng tôi phải đi cổng sau bên hông trường để vào trường. Đi xe đạp hoặc xe velo-solex như Trần văn Kháng thì tốt, chứ đi bộ như bọn tôi thì chỉ có nước chịu sầu. May mà các thầy cô cũng rộng lượng, thông cảm:

-Trể đò à? Thôi vào nhanh đi, đừng làm ồn lớp bên cạnh!

Bây giờ lại gặp em ở Phố Núi này. Tôi lại phải làm nghĩa hiệp bằng việc chuyển sang ở ké phòng với Lê Công Cầu, nhường phòng tôi cho em. Chừng được một tháng, em lại chuyển sang trọ ở gần trường, thuận lợi cho việc đi lại, dạy dỗ. Rút cuộc, gần một tháng ở gần nhau mà tình cảm của chúng tôi chẳng tiến bộ gì cả. Có lẽ dù đã bộn tuổi rồi, nhưng tôi vẫn còn nhát gái, vụng về chẳng biết nói năng cư xử cho phải đạo làm trai. Mãi cho đến khi đất nước thống nhất, chúng tôi dạy chung cùng một trường, ở chung một cư xá giáo viên nhưng tình chẳng tiến hơn, cho đến khi tôi về Phú Bổn, còn em sau đó chuyển vào Sài gòn công tác thì việc tìm em như thể tìm chim.

Bóng hồng thứ hai đến trong tôi là HTT. Em học Sư phạm cấp tốc một năm, đi dạy với tính các thực tập nên tuổi đời và tính tình không hơn gì các cô nữ sinh của trường. Giọng Huế của các cô gái Huế vốn đã ngọt lịm làm say bao lòng người, thì giọng nói của HTT lại càng hớp hồn, làm tôi mê muội không thôi. Cuối năm đó, khi về Huế ăn Tết Ất Mão, tôi có dịp đến nhà em ở đường Nguyễn Văn Thành gần cửa Đông Ba, cũng chưa nói năng gì. Tết xong, vào lại Pleiku, dạy chưa được mấy bữa thì gặp sự kiện Giải phóng miền Nam, em chuyển lên Kontum cho đến nay. Bây giờ, khi tóc đã bạc trắng, đành bắt chước Hàn Mặc Tử : -Nhớ Thương, thương quá đi thôi! 

Đến nay, đã 39 năm đi qua, vương quốc Nữ Trung học Pleime không còn nữa, nhưng tình cảm của mọi người dân Phố Núi một thời với ngôi trường dễ thương này mãi không mất đi. Mỗi khi nhắc đến, người ta không khỏi bồi hồi nhớ đến hình ảnh điệu đà của cô và trò Pleime và có lẽ cũng không quên được mấy câu ca dao cải biên nói trên. Là người trong cuộc một thời ở cả hai trường, tôi không khỏi tự hào về các trường của tôi, nhớ và yêu quý những con người một thời và mãi mãi mãi: các anh trung học Pleiku và các em gái điệu Pleime.

Thành phố Pleiku hiện nay đang là một đô thị phát triển mạnh về mọi mặt. Tôi nghĩ, trong sự phát triển đó, chúng ta không nên xóa bỏ những nét đẹp truyền thống của nó. Pleiku ngày trước có một trường Nữ Trung học Pleime, tuy không vang danh bằng trường Đồng Khánh Huế hay Trưng Vương, Gia Long ở Sài gòn, nhưng nó đã góp phần tạo nên vẻ đặc sắc của Phố Núi ngày trước: “Anh khách lạ, đi lên đi xuống, may mà có em… Xin cảm ơn, thành phố có em.”( Thơ Vũ Hữu Định- Phạm Duy phổ nhạc). Pleiku phát triển, sao không phục hồi lại một ngôi trường Nữ Trung học như ngày xưa cũ. Chúng ta đã có một trường Trung học Pleiku (chỉ tiếc là không đặt ở vị trí cũ và hình như cũng không nhắc đến lịch sử trường trước 1975) thì việc tái lập trường Nữ Trung học Pleime là điều khả thi

                                     GiaLai, tháng 6/2014

                         Hà Nguyên Tường

Hà Nguyên Tường (Hà Văn Lộc, CHS/HN/1961-1965)


: : TIN ĐÃ ĐƯA : :

LIÊN KẾT